Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

VHO- Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ vừa ký báo cáo số 222/BC-BVHTTDL gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình - Anh 1

 Lễ phát động triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình Ảnh: T.L

Theo báo cáo, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Bộ VHTTDL đã khẩn trương tổ chức các hoạt động xây dựng Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (Bộ tiêu chí).

Dự thảo Bộ tiêu chí được soạn thảo, gửi lấy ý kiến góp ý của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình tại 63 tỉnh, thành thông qua Hội nghị tập huấn công tác gia đình năm 2017 và được gửi lấy ý kiến góp ý của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học tại 2 hội thảo do Bộ VHTTDL chủ trì. Trên cơ sở tiếp thu, hoàn thiện nội dung dự thảo, ngày 8.12.2017, Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Nội dung Bộ tiêu chí thí điểm gồm 4 nguyên tắc ứng xử chung trong gia đình: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ và 8 tiêu chí ứng xử cụ thể cho 4 mối quan hệ cơ bản trong gia đình, bao gồm: Tiêu chí ứng xử vợ chồng: Chung thủy, nghĩa tình; tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương; tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ. Bộ cũng đã ban hành Kế hoạch số 4747/KH-BVHTTDL tổ chức thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Hoạt động thí điểm Bộ tiêu chí tập trung vào các nhiệm vụ: Lựa chọn địa bàn thí điểm, Bộ đã chọn 12 tỉnh, thành đại diện cho các vùng văn hóa trên cả nước.

Theo Báo cáo về tình hình thí điểm Bộ tiêu chí từ 2019-2020 đã có 12/12 (100%) tỉnh, thành thuộc diện thí điểm của Bộ và 23 tỉnh, thành khác tiến hành tổng kết, đánh giá hoạt động thí điểm Bộ tiêu chí. Qua tổng hợp báo cáo của các tỉnh, thành việc triển khai thực hiện đã được nhiều kết quả trên nhiều phương diện. Bộ VHTTDL thống nhất đánh giá, việc thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình thông qua những chuẩn mực đạo đức, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Công tác thông tin, tuyên truyền về Bộ tiêu chí được chú trọng, bằng nhiều hình thức phong phú, cụ thể, thiết thực, phù hợp với các nhóm đối tượng, độ tuổi, tâm lý, sở thích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng về công tác gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình.

Nhân dân trên địa bàn thí điểm cơ bản đã nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện, từ đó đã góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. Kết quả thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong 2 năm (2019-2020) cho thấy, hầu hết các hộ gia đình đăng ký đã thực hiện và đánh giá cần thiết thực hiện tiêu chí ứng xử trong gia đình. Nội dung Bộ tiêu chí đúc kết ngắn gọn những giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử của gia đình Việt Nam, dễ hiểu, dễ tiếp cận, có tính khả thi khi triển khai vào thực tế, tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện Bộ tiêu chí trong những năm tiếp theo. Báo cáo cũng chỉ ra nguyên nhân của việc triển khai thực hiện thành công Bộ tiêu chí, đồng thời cũng nêu ra những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm khi thực hiện. Đồng thời cũng nêu những phương hướng thực hiện Bộ tiêu chí trong giai đoạn tiếp theo.

Bộ VHTTDL đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đưa việc tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là một trong những nhiệm vụ chính của Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030. Chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện công tác gia đình trong đó có bố trí kinh phí hằng năm theo phân cấp cho nhiệm vụ tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Đồng thời cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể với các Bộ, ngành, cơ quan trung ương. 

 HIỀN LƯƠNG

Ý kiến bạn đọc