“Ám ảnh” trở về

VHO- Đã hơn 5 năm được trở về sống trên mảnh đất quê hương, nhưng chị L.T.T (50 tuổi) dường như vẫn chưa thoát khỏi cơn ác mộng kinh hoàng khi nhớ về 27 năm bị mua đi bán lại, bị bạo hành man rợ nơi xứ người…

“Ám ảnh” trở về - Anh 1

Hậu quả do nạn buôn bán người để lại là không thể đong đếm, vì thế, trở về chưa hẳn đã là giải thoát (ảnh minh họa) 

 Không ngừng tìm cách trốn chạy

Chia sẻ với chúng tôi, chị L.T.T (Nam Sách, Hải Dương) nghẹn ngào kể, chị sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bố mẹ ly dị, chị sống với bố và mẹ kế. Từ nhỏ chị đã phải làm thuê, làm mướn để phụ giúp kinh tế nhưng vẫn thường xuyên bị mẹ kế đánh chửi. Năm 1990, mới 18 tuổi, nghe tin mẹ đẻ lấy chồng ở Thái Nguyên, chị một mình bỏ đi tìm mẹ. Đến ga Gia Lâm, có người phụ nữ đến bắt chuyện làm quen, mua đồ cho chị ăn. Thấy bà ta thân thiện nên chị không đề phòng, “ăn xong thì tôi không biết gì nữa, khi tỉnh dậy, mở mắt ra toàn thấy chữ Trung Quốc”, chị T nhớ lại.

Kể về những ngày tháng cơ cực nơi đất khách quê người, nước mắt chị L.T.T lại trào ra: “Họ ép tôi lấy chồng, tôi không nghe nên họ dọa sẽ cắt hết gân chân, gân tay. Lúc đó nghĩ mình không tiền bạc, không họ hàng thân thích nên tôi đành cắn răng chịu. Lần đầu tiên tôi bị bán cho một người đàn ông tâm thần đã lớn tuổi ở một vùng miền núi thuộc tỉnh Quảng Tây. Dù sinh được cho họ hai người con nhưng tôi luôn bị đánh đập và bắt phải làm việc cực khổ. Tôi tìm cách trốn đi, nhưng do không biết đường, không biết tiếng nên lại bị bắt về và bán lại cho người đàn ông khác ở tỉnh bên cạnh”, chị T kể lại.

Với người chồng thứ hai này, chị không sinh con nhưng phải chăm sóc, nuôi các con cho ông ta và tiếp tục những tháng ngày bị hành hạ như thời Trung cổ. Chị lại tiếp tục tìm cách chạy trốn nhưng do chỉ đi bộ nên chưa được bao xa đã bị bắt về nhốt và đánh đập, rồi lại tiếp tục những ngày tháng tăm tối. Đến năm 2017, dành dụm tiền mua được chiếc smartphone, chị lên mạng kêu cứu và được cộng đồng người Việt ở Trung Quốc giúp đỡ. Sau 2 ngày trèo đèo, leo núi vượt biên, chị đã trở về Việt Nam an toàn.

Gần 30 năm lưu lạc nơi xứ người, cả tuổi thanh xuân của chị L.T.T không lúc nào là không tìm đường trốn chạy, sau nhiều lần trốn không thành công, cuối cùng chị về được quê hương Nam Sách với hai bàn tay trắng và 73 mũi khâu trên đầu. Buồn tủi hơn là lúc này bố mẹ, anh em ruột của chị cũng đã mất hết, nhà cửa không có, giấy tờ tùy thân cũng không. Họ hàng làng xóm cưu mang cho ở nhờ, chị lại quanh quẩn làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày… Chị rất mong mỏi được làm lại giấy tờ tùy thân để thuận tiện hơn trong cuộc sống.

Khi văn phòng Dịch vụ một điểm đến để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương (OSSO) được thành lập tại Hải Dương, chị L.T.T được các nhân viên giúp đỡ, kết nối với cán bộ Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chị vẫn chưa làm được giấy tờ.

Vận động chính sách hỗ trợ nạn nhân

Mới đây, tại Hội thảo Vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và xác minh, xác định nạn nhân mua bán người do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức, các đơn vị có liên quan đã cung cấp những con số đau lòng về tình trạng mua bán người ở Việt Nam. Số liệu từ Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) cho thấy, trong năm 2021, cả nước tiếp nhận xác minh được 151 người, xác định 110 người là nạn nhân bị mua bán người; 100% nạn nhân có nhu cầu được hỗ trợ theo quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận xác minh 51 người, xác định 42 người là nạn nhân bị mua bán người; hỗ trợ 72 nạn nhân gồm cả những người trở về từ những năm trước. Ngoài ra, Ngôi nhà Bình yên (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam), tổ chức Trẻ em Rồng Xanh… cũng đã tiếp nhận và hỗ trợ khẩn cấp cho 50 nạn nhân bị mua bán trở về. Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân tiếp nhận 1.095 cuộc gọi, tăng 75 cuộc so với cùng kỳ năm 2021; giải cứu 40 nạn nhân và hỗ trợ 48 người…

Theo quy định, các nạn nhân mua bán được hưởng các hỗ trợ như chỗ ở tạm thời, các vật dụng thiết yếu, chi phí đi lại, y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu, vay vốn… Theo bà Vũ Thị Kim Dung (Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội), công tác tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như quy trình bàn giao nạn nhân về địa phương chưa phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chưa có quy định cho nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam và người chưa thành niên đi cùng nạn nhân…

Liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân mua bán người, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, thời gian qua, Hội cũng đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, hỗ trợ xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán trở về. Bên cạnh việc duy trì Ngôi nhà Bình yên, Hội LHPN Việt Nam còn phối hợp cùng Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và KOICA thí điểm thành lập Văn phòng Dịch vụ một điểm đến để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ (OSSO) tại 5 tỉnh, thành phố là Hải Phòng, Hải Dương, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Hà Nội; đến nay đã tư vấn và hỗ trợ cho gần 600 phụ nữ di cư hồi hương với trên 2.000 lượt.

“Mặc dù vậy, người dân chưa nhận thức đầy đủ về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, cũng như thủ đoạn đưa phụ nữ đi lao động ở nước ngoài. Công tác trợ giúp nạn nhân vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập như việc xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán vẫn còn kéo dài, khó khăn trong việc thu thập thông tin từ quốc gia có liên quan; bất cập từ thực tiễn áp dụng pháp luật; nguồn lực hỗ trợ hạn chế... Điều này đã đặt ra những vấn đề cần cải thiện về cơ chế, chính sách, quy định trong công tác hỗ trợ phụ nữ di cư ra nước ngoài hồi hương cũng như xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán trở về nhằm nâng cao hiệu quả, thực hiện tốt hơn việc hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, nạn nhân bị mua bán”, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.

 Trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân bị mua bán trở về khó thực hiện vì chỉ những nạn nhân cư trú tại các cơ sở bảo trợ mới được hỗ trợ tâm lý, y tế, còn những người trở về gia đình thì không được hưởng. Do họ đi đã lâu năm, không có giấy tờ tùy thân, nhân khẩu nên khó xác định hộ nghèo; không có tài sản thế chấp nên việc hỗ trợ vay vốn để sản xuất kinh doanh cũng khó thực hiện…

(Bà VŨ THỊ KIM DUNG, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội)

 Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và nạn nhân bị mua bán trở về

Ngày 3.8, tại TP Huế, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo Phòng chống mua bán người và hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán.

Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ và thảo luận những vấn đề đặt ra về cơ chế, chính sách, quy định trong công tác hỗ trợ phụ nữ di cư ra nước ngoài hồi hương cũng như trong việc xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán trở về. Qua đó, nâng cao hiệu quả cũng như phát huy vai trò, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong đề xuất các giải pháp chính sách, pháp luật, cơ chế để thực hiện tốt hơn việc hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán.

Thời gian qua, Hội LHPN đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; phòng, chống di cư trái phép; đồng thời, hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, hỗ trợ xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán trở về. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập do người dân chưa nhận thức đầy đủ về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; việc xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán còn kéo dài, khó khăn trong việc thu thập thông tin từ quốc gia có liên quan; bất cập từ thực tiễn áp dụng pháp luật; nguồn lực hỗ trợ cho người lao động di cư hồi hương còn hạn chế... Vướng mắc trong thực thi luật và quy định về xử lý vi phạm hành chính, vi phạm hình sự đã tạo kẽ hở để các loại tội phạm hoạt động khiến lao động di cư phải đối mặt với rủi ro trở thành nạn nhân của di cư bất hợp pháp, của lao động cưỡng bức và mua bán người.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần phải tiếp tục có sự phối hợp liên ngành của những bên liên quan trong công tác hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, hỗ trợ xác minh, xác định nạn nhân; tiếp tục điều chỉnh các văn bản luật; tăng cường vai trò của chính quyền cơ sở trong phát hiện, xác minh nạn nhân, hỗ trợ giấy tờ pháp lý… THÙY AN

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc