Đà Nẵng:
Xây dựng tuyến du lịch văn hóa - sinh thái “Dòng sông xanh - Làng nghề xưa” tại quận Cẩm Lệ
VHO - Một tuyến du lịch mới mang tên “Dòng sông xanh - Làng nghề xưa” đang được xúc tiến hình thành tại quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng), với kỳ vọng kết nối di sản văn hóa bản địa và hệ sinh thái sông ngòi Cẩm Lệ, tạo nên sản phẩm du lịch cộng đồng bền vững và giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm thành phố.
Du lịch kết hợp bảo tồn và phát triển sinh kế địa phương
Ngày 19.5, ông Nguyễn Thanh Tâm - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Việt AnGroup cho biết, đơn vị vừa hoàn tất chuyến khảo sát thực địa, đánh giá tiềm năng phát triển tuyến du lịch văn hóa - sinh thái “Dòng sông xanh - Làng nghề xưa” trên địa bàn quận Cẩm Lệ.
Mục tiêu của dự án là khai thác hiệu quả tài nguyên văn hóa - sinh thái, xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch cộng đồng, hướng đến một mô hình du lịch “xanh - sạch - bền vững”.

Tuyến du lịch được thiết kế với hai phương tiện chính: xe điện đường bộ VinFast VF8 Luxury và tàu du lịch đường thủy, khởi hành từ Cảng Sông Hàn và xuôi theo sông Cẩm Lệ dài gần 10km.
Lộ trình đường bộ bắt đầu từ trung tâm thành phố, đi qua các điểm đến văn hóa - làng nghề đặc trưng như: Làng rau La Hường, Di chỉ Chăm Phong Lệ, Đình làng Lỗ Giáng, Tam Giang Thánh điện, cùng các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP như hương trầm Trần Hiền, bánh khô mè và mây tre đan Ngọc Hương.
Trong khi đó, tuyến đường thủy mở ra một góc nhìn khác từ dòng sông Cẩm Lệ - nơi kết nối giữa đô thị và nông thôn, thích hợp phát triển các hoạt động du lịch như chèo SUP, câu cá, cắm trại, ngắm hoàng hôn ven sông…
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, tuyến du lịch này không đơn thuần là một hành trình tham quan mà là sự kết hợp giữa bảo tồn di sản và phát triển sinh kế bền vững.
“Chúng tôi mong muốn tạo ra một không gian sống động, nơi giá trị văn hóa truyền thống được tái hiện bằng tư duy và công nghệ hiện đại, trở thành một sản phẩm du lịch thực sự có chiều sâu”, ông Tâm nói.

Cụ thể, làng rau La Hường sẽ trở thành điểm đến nông nghiệp sinh thái, nơi du khách có thể trải nghiệm trồng rau, tưới tiêu, thu hoạch như một nông dân thực thụ. Di chỉ Chăm Phong Lệ sẽ được nâng tầm thành trung tâm giới thiệu di sản Chăm Pa, kết hợp trình diễn nghề gốm cổ.
Ngoài ra, các sản phẩm OCOP như bánh khô mè, hương trầm, mây tre đan… sẽ vừa là điểm tham quan, vừa là sản phẩm đặc trưng thúc đẩy kinh tế địa phương. Qua đó, người dân Cẩm Lệ có thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao ý thức gìn giữ văn hóa làng nghề và cải thiện chất lượng sống.
Giảm tải cho trung tâm, khai thác tiềm năng phía Nam thành phố
Một trong những khó khăn lớn hiện nay là quận Cẩm Lệ chưa có bến thủy nội địa chính thức. Do đó, Việt AnGroup đã đề xuất quy hoạch khu đất rộng 16ha ven sông, thuộc phường Hòa Xuân, để đầu tư xây dựng bến thủy nội địa phục vụ đón trả khách du lịch.
Cùng với đó, doanh nghiệp đề xuất xây dựng tổ hợp công viên văn hóa - ẩm thực với chủ đề “Làng nghề xưa”, tái hiện các không gian truyền thống như: làm lúa nước, làm bánh, đan tre, làm hương, nghề thuốc lá Cẩm Lệ… Ngoài ra, khu công viên sẽ có không gian chợ quê, biểu diễn dân gian, khu ẩm thực vùng miền và vui chơi dưới nước.
Các hạng mục hạ tầng thiết yếu như: bến tàu, bãi đỗ xe điện, nhà vệ sinh, sân khấu ngoài trời, nhà đón tiếp… cũng được đề xuất đầu tư đồng bộ, nhằm đảm bảo chất lượng trải nghiệm và thu hút du khách.

Dự án “Dòng sông xanh - Làng nghề xưa” còn được kỳ vọng giúp phân bố lại dòng khách du lịch về phía Nam Đà Nẵng - nơi có nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác hiệu quả.
Đồng thời, đây cũng là bước đi chiến lược nhằm giảm tải áp lực hạ tầng và môi trường tại các khu vực du lịch trọng điểm hiện nay như Sơn Trà, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn…
Việt AnGroup đề xuất đưa tuyến du lịch này vào quy hoạch phát triển du lịch quận Cẩm Lệ giai đoạn 2025 - 2030, xây dựng thương hiệu “Cẩm Lệ – Xanh, sạch, văn hóa” trên bản đồ du lịch Đà Nẵng.
Dù tiềm năng lớn, nhưng ông Tâm cũng thẳng thắn nhìn nhận những rào cản hiện tại: từ việc thiếu bến thủy nội địa, đến việc các làng nghề chưa có không gian trình diễn chuyên nghiệp, thiếu đội ngũ hướng dẫn viên và hạ tầng cơ bản như nhà vệ sinh, bảng chỉ dẫn, bãi đỗ xe…
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại chỗ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên nghiệp hóa, đòi hỏi có sự đào tạo, bồi dưỡng bài bản trong thời gian tới.
“Chúng tôi cam kết phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đảm bảo các thủ tục pháp lý, quy hoạch và đầu tư được triển khai bài bản, hiệu quả nếu được chấp thuận chủ trương”, ông Tâm khẳng định.

Được biết, trước đó, vào cuối tháng 3.2025, lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Việt AnGroup đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Hùng – Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ – về ý tưởng phát triển tuyến du lịch. Tại buổi làm việc, ông Hùng bày tỏ sự đồng thuận cao, đồng thời chỉ đạo các phòng ban liên quan phối hợp khảo sát, lập quy hoạch và hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Mới đây nhất, Văn phòng Quận ủy Cẩm Lệ có thông báo kết luận của Thường trực Quận ủy Cẩm Lệ, qua đó, Thường trực Quận ủy Cẩm Lệ cơ bản thống nhất với đề xuất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Việt AnGroup về việc nghiên cứu, hảo sát, đăng ký đầu tư dự án tổ hợp Công viên Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch cộng đồng kết hợp bến thủy nội địa tại khu đất ven sông dọc theo đường Tôn Thất Dương Kỵ, phường Hòa Xuân.
Dự án “Dòng sông xanh - Làng nghề xưa” nếu được hiện thực hóa, sẽ trở thành điểm nhấn mới trên bản đồ du lịch sinh thái - văn hóa của Đà Nẵng, góp phần gìn giữ bản sắc và phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững, hài hòa với môi trường.