Kon Tum:
Xây dựng mô hình phát triển du lịch làng chài Sê San gắn với bảo tồn nuôi trồng thuỷ sản
VHO - Những năm qua, bên cạnh việc nuôi và đánh bắt thủy sản nước ngọt, người dân làng chài Sê San ở xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai (Kon Tum) đang phát triển đa dạng dịch vụ du lịch, thu hút nhiều du khách khắp cả nước đến tham quan. Để nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần bảo tồn nghề khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, huyện Ia H’drai đang nghiên cứu thực hiện “Dự án xây dựng mô hình thí điểm du lịch làng chài Sê San gắn với bảo tồn nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Thủy điện Sê San 4 thuộc huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum”.
Lòng hồ Thủy điện Sê San trải dài khoảng 60 km, diện tích mặt nước gần 5.000ha. Với mặt nước ổn định, nguồn thủy sản tự nhiên dồi dào đã tạo điều kiện để người dân nơi đây phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
Ông Lê Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết, Làng chài Sê San thuộc thôn 7, xã Ia Tơi, là địa danh nằm trong lòng hồ thủy điện Sê San, có vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc của phong cảnh thiên nhiên và con người vùng sông nước.
Hiện nay làng chài có khoảng 35 hộ dân và 1 doanh nghiệp triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản với nhiều đối tượng cá đặc trưng như: cá chình bông, có lóc, cá trà sóc và lăng… Ngoài ra, người dân còn làm nghề khai thác thủy sản. Hoạt động du lịch tại làng chài Sê San đóng góp trên 70% vào thu nhập của các hộ dân tham gia dịch vụ du lịch tại làng chài Sê San.
Theo ông Bình, mặc dù điều kiện về không gian để phát triển du lịch là rất rộng lớn tuy nhiên hiện nay không gian hoạt động du lịch của làng chài Sê San chủ yếu nằm trong khu vực nhà bè của các hộ dân và các tuyến đường sông từ bến thuyền ra khu vực nhà bè và từ nhà bè đi thác Mơ (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai).
Hiện nay, có 6 cơ sở dịch vụ kinh doanh theo hình thức hộ gia đình trên lòng hồ Sê San, các cơ sở này chủ yếu cung cấp các dịch vụ như: ăn uống, cắm trại, tham quan lòng hồ, thác Mơ…
Chủ các cơ sở này là thành viên của Hợp tác xã Sê San với hệ thống nhà nổi, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản kết hợp cung cấp các dịch vụ phục vụ khách tham quan; các nhà nổi của các cơ sở được đầu tư cơ bản đảm bảo 3 cứng, đảm bảo an toàn.
Trong năm 2023, làng chài Sê San thu hút được khoảng 3.500 lượt khách du lịch. Năm 2024, tổng lượt khách du lịch đạt hơn 5000 lượt khách, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như trên, tuy nhiên hiện nay việc triển khai các hoạt động du lịch trên lòng hồ thuỷ điện Sê San 4 nói chung, làng chài Sê San còn nhiều hạn chế; hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, năng lực tổ chức và quản lý du lịch của cộng đồng còn hạn chế; phát triển du lịch tại làng chài Sê San chưa phát huy hết giá trị nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản để phục vụ du lịch; hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch nên hiệu quả kinh tế còn thấp, chưa bền vững; chưa kết nối được các sản phẩm du lịch với các địa phương khác trên địa bàn huyện.
Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Ia H’drai cho biết, huyện đang nghiên cứu đề án đẩy mạnh phát triển du lịch làng chài Sê San gắn với gắn với bảo tồn nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sê San 4, nhằm nâng cao thu nhập của người dân khu vực làng chài Sê San nói riêng và người dân trên địa bàn huyện Ia H’Drai nói chung, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Ông Dũng thông tin, mục tiêu cụ thể của đề án đến năm 2025, phát triển, chuẩn hoá điểm đến và sản phẩm du lịch làng chài Sê San được cấp thẩm quyền công nhận; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại làng chài Sê San được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Cập nhật điểm du lịch làng chài Sê San vào cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc.
Đẩy mạnh phát triển du lịch làng chài Sê San gắn với quá trình chuyển đổi số; được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Điểm du lịch làng chài Sê San được giới thiệu, quảng bá trên các trang thông tin điện tử và các hình thức khác; 50% cơ sở ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.
Xây dựng điểm du lịch làng chài Sê San thành mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù của huyện Ia H’Drai. Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; có ít nhất 1 nhân viên thành thạo ngoại ngữ.
Đến năm 2030, phát triển đồng bộ mô hình và sản phẩm du lịch làng chài Sê San; 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại làng chài Sê San được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Điểm du lịch làng chài Sê San trở thành điểm du lịch nổi bật, hấp dẫn, có tính cạnh tranh trong tỉnh Kon Tum. 100% chủ cơ sở và lao động du lịch tại làng chài Sê San được đào tạo, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng về du lịch là nguồn lao động có chất lượng.
Phó chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai cho biết thêm, huyện chủ trương thực hiện các quy hoạch về du lịch trong đó chú trọng việc nâng cấp, phát triển điểm du lịch làng chài Sê San gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng về giao thông, điện, nước sạch, xây dựng bãi đỗ xe, hệ thống biển chỉ dẫn, hạ tầng số, viễn thông, thu gom xử lý nước thải, rác thải… nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch, góp phần thu hút khách đến huyện và phát huy các lợi thế, tiềm năng tài nguyên du lịch tại làng chài Sê San.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch giữa các địa phương, các điểm đến và các vùng miền để tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước; Tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nói chung, các sản phẩm và dịch vụ du lịch nói riêng.