Xây dựng bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam
VHO_-Trong dòng chảy văn hóa dân tộc, ẩm thực được xác định là một trong những yếu tố để gìn giữ văn hóa - con người Việt Nam. Cũng chính ẩm thực sẽ góp phần đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới và văn hóa Việt Nam sẽ đẩy “con thuyền” ẩm thực đi nhanh hơn, xa hơn.
Đã có 121 món ăn tiêu biểu của Việt Nam trong tổng tập 1.000 món ăn
Sẽ hình thành tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu
Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) mới đây đã công bố giai đoạn II - 2023 Đề án “Xây dựng và phát triển Văn hóa Ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia”. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch VCCA cho biết: “Với sứ mệnh tìm kiếm, phục dựng, bảo tồn, phát huy và phát triển nền văn hóa ẩm thực Việt Nam lên tầm cao mới, với định hướng biến di sản thành tài sản, đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, VCCA đã triển khai Đề án Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022-2024”.
Đề án tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam nhằm xây dựng “Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và tiến hành chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành “Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam” và “Bảo tàng trực tuyến Ẩm thực Việt Nam”. “Các sản phẩm của Đề án sẽ góp phần tạo bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế Việt Nam”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
Trong giai đoạn I năm 2022, Đề án đã nhận được 421 đề cử món ẩm thực được gửi đến từ 63 tỉnh, thành trên khắp cả nước. Với sự tham gia của các nhà khoa học trong lĩnh vực văn hóa lịch sử, công nghệ thực phẩm, kinh tế; nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực; nhà quản lý văn hóa du lịch, VCCA đã lựa chọn được 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam. Trong đó có 47 món miền Bắc, 37 món miền Trung và 37 món miền Nam. Hội đồng chuyên môn sau hàng chục phiên làm việc đã chọn ra các món ăn tiêu biểu dựa trên 4 tiêu chí: Giá trị lịch sử của ẩm thực; chuỗi giá trị văn hóa từ nuôi trồng đến bàn ăn; nguồn nhân lực ẩm thực - chủ nhân của hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam và tính lan tỏa của món ẩm thực.
Giai đoạn II của Đề án có sự tham gia của rất nhiều địa phương, doanh nghiệp, nhãn hàng với mong muốn cùng VCCA lấy năm 2023 là bước tiếp theo để tôn vinh các giá trị văn hóa, dinh dưỡng và kinh tế để ẩm thực Việt Nam trở thành nền ẩm thực hàng đầu thế giới, góp phần phát triển kinh tế du lịch Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng.
Trong giai đoạn này, Đề án sẽ được triển khai thực hiện các nội dung và hạng mục: Hỗ trợ địa phương hình thành bộ sự kiện cùng các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái văn hóa ẩm thực. Truyền thông, quảng bá trên bình diện quốc gia và quốc tế nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, dinh dưỡng, và kinh tế để ẩm thực hướng đến mục tiêu phát triển du lịch ẩm thực địa phương. Đề án cũng hướng tới mục tiêu hỗ trợ chuyển đổi số các hoạt động văn hóa ẩm thực địa phương trên cùng một nền tảng bản đồ, bảo tàng văn hóa ẩm thực Việt Nam (trên không gian mạng). Từng bước định hình chiến lược phát triển văn hóa ẩm thực địa phương. Triển khai tổng tập “Tinh hoa ẩm thực Việt”, bao gồm các bộ sự kiện cấp quốc gia gắn với chuỗi hoạt động tại các địa phương. Trong đó, Chương trình bầu chọn “Món ngon Quê tôi” được đề cử bởi cộng đồng chuyên gia, đầu bếp, doanh nghiệp nhà hàng, ẩm thực địa phương và cơ quan ban ngành trong lĩnh vực ẩm thực, du lịch địa phương. Kết quả danh sách “Tinh hoa ẩm thực Việt” sẽ được quyết định thông qua cuộc bầu chọn bởi các chuyên gia và cộng đồng địa phương.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, toàn bộ hoạt động Đề án giai đoạn 2023, chương trình từ “Món ngon Quê tôi” đến “Tinh hoa Ẩm thực Việt” được triển khai toàn diện trên nền tảng công nghệ với các nội dung tiêu biểu như: “Xây dựng và hoàn thiện nền tảng lưu trữ dữ liệu tập trung về món ẩm thực, nguyên vật liệu theo từng vị trí địa lý; Xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu và đề xuất các món ẩm thực, có tính năng cho nguyên gia thẩm định, phê duyệt các món ẩm thực. Hệ thống hóa các quy trình, công cụ quản trị và hoạch định nguồn lực cho việc thẩm định, phê duyệt món ẩm thực cũng như tích hợp việc quảng bá sau khi món ẩm thực được phê duyệt”.
Đề án cũng xây dựng bản đồ ẩm thực địa phương, kết hợp quảng bá du lịch và trải nghiệm ẩm thực khi đến từng địa phương thông qua hệ thống món ngon tiêu biểu văn hóa ẩm thực Việt Nam. Phát triển hệ thống gợi ý cá nhân hóa dựa trên hành vi và sở thích của người, giúp họ khám phá các món ẩm thực, nguyên liệu và địa điểm ẩm thực phù hợp với nhu cầu thực khách. “Chúng tôi mong muốn, khi triển khai giai đoạn II của Đề án sẽ đạt mục tiêu định hình hệ sinh thái văn hóa ẩm thực Việt Nam, định hướng hỗ trợ, chuyển giao và phát triển hệ sinh thái văn hóa ẩm thực địa phương, tạo ra các giá trị và lợi ích gắn với địa phương”, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết.
Quảng bá bằng nhiều kênh
Mặc dù ẩm thực Việt Nam rất phong phú, đa dạng, nhiều món ăn tốt cho sức khỏe, mang tính đặc trưng cao, tuy nhiên vị thế của ẩm thực Việt trên bản đồ ẩm thực thế giới lại chưa xứng với thực lực và tiềm năng vốn có.
Ẩm thực Việt Nam chưa góp phần mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng. Khi nói đến ẩm thực châu Á người ta nhớ ngay đến món Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc, còn trong khu vực Đông Nam Á sẽ nói đến món Thái. Một trong những lý do ẩm thực Việt Nam vẫn chưa định hình trên bản đồ thế giới là bởi cách quảng bá của chúng ta vẫn chưa đủ tốt. Phở, nem, chả giò, các món cuốn, bánh mỳ kẹp… được nhiều khách du lịch quốc tế biết đến, nhưng vẫn còn là quá ít với những gì ẩm thực Việt đang sở hữu.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, đã từng đề xuất Bộ Ngoại giao thông qua các Đại sứ quán có thể xúc tiến giới thiệu ẩm thực Việt Nam từ các nhà hàng Việt Nam. Chúng ta cần phải chinh phục thế giới qua ẩm thực bằng nhiều kênh quảng bá khác nhau. Trong đó, ngoài các kênh truyền thông, hệ thống nhà hàng Việt Nam sẵn có trên khắp thế giới là kênh cực kỳ quan trọng. Hệ thống hơn 150.000 nhà hàng/quán ăn của người Việt trên thế giới ở hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ, mỗi tuần chỉ cần chọn mộ nhà hàng để tổ chức sự kiện giới thiệu ẩm thực Việt Nam thì chiến dịch này sẽ thực hiện một cách dài hơi và hiệu quả biết chừng nào.
Ông Kỳ khuyến nghị, bất cứ thương hiệu/sản phẩm nào tự tin mình chính là tinh hoa của ẩm thực Việt Nam đều có thể tham gia vào chiến dịch này, không những thế, chiến dịch này cần phải được duy trì và phát triển. Ngoài nhà hàng/quán ăn bán món ăn Việt Nam có thể “tấn công” vào nhà hàng/quán ăn bán các món ăn của các nước khác, đưa nguyên liệu chế biến và con người vào trong đó. “Việc triển khai chiến dịch quảng bá du lịch thông qua nguồn lực kiều bào cũng sẽ làm sâu sắc thêm tình yêu nước của bà con Việt Nam ở nước ngoài và góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc khi người dân sống xa quê hương”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chúng ta cần khuyến khích việc đưa các yếu tố Việt Nam vào các món ăn nước ngoài và phấn đấu các món ăn Việt Nam ở bàn ăn nước ngoài có 85% nguyên liệu Việt Nam. Cần có những chương trình đào tạo và đưa ra những quy chuẩn rõ ràng cho những người đang làm ẩm thực trong nước và người Việt đang làm trong ngành ẩm thực ở nước ngoài, để họ có thể đưa văn hóa Việt vào các món ăn mà họ chế biến một cách sáng tạo, đậm màu sắc văn hóa.
NGUYỄN ANH