Venice nỗ lực cứu lấy “linh hồn thành phố” trước khi quá muộn
VHO - Nước dâng cao và du lịch quá tải đang ảnh hưởng rất lớn đến Venice. Ngay bây giờ, những nỗ lực không ngừng của chính quyền thành phố vẫn tiếp tục nhằm cứu lấy "linh hồn Venice".

Thuyền chèo truyền thống Gondola, kênh đào và những cây cầu. Đối với nhiều du khách, Venice là tất cả những điều đó, được ví như "linh hồn của thành phố".
Khoảng 30 triệu du khách đến thăm Venice mỗi năm, lấn át dân số địa phương, hiện đã giảm xuống còn chưa đến 50.000.
Người dân Venice muốn ở lại thành phố thường phải đối mặt với tình trạng thiếu nhà ở — vì nhà đã được chuyển đổi thành nhà cho thuê nghỉ dưỡng — thiếu cửa hàng phục vụ cuộc sống hàng ngày và thiếu việc làm cho bất kỳ ai không tham gia vào ngành du lịch.
Trong khi đó, du khách vẫn tiếp tục đến và đăng những bức ảnh kênh đào hấp dẫn lên Instagram. Khoảng 90% du khách được cho là những người đi du lịch Venice trong ngày.
Vì vậy, dù không sử dụng nguồn nhà ở ngày càng cạn kiệt đó, người dân địa phương giờ đây vẫn sử dụng tài nguyên của thành phố nhưng điều đó không để lại tiền cho nền kinh tế địa phương.
Không có gì ngạc nhiên khi một số người gọi Venice là "thành phố đang chết" và "thành phố đang chìm", Simone Venturini, thành viên hội đồng thành phố phụ trách du lịch, nói với CNN trong bộ phim tài liệu "Toàn bộ câu chuyện: Cứu lấy Venice".
Bảo tồn giá trị truyền thống
Những cư dân địa phương ứng phó sự suy thoái bằng cách duy trì truyền thống. Bà Elena Almansi thường hướng dẫn mọi người thực hành voga alla veneta, kỹ thuật chèo thuyền đứng mà người Venice sử dụng để di chuyển trên đầm phá trong nhiều thế kỷ.
Là một đối thủ trong các cuộc đua thuyền thường xuyên của Venice, bà Elena Almansi là một trong số những phụ nữ đã cung cấp các kinh nghiệm chèo thuyền với Row Venice - Sáng kiến du lịch bền vững, đưa du khách qua các kênh đào của thành phố, ngắm nhìn các tòa nhà theo đúng cách mà chúng vốn có từ mặt nước.
Sau đó là Matteo Silverio, người khởi nghiệp Rehub, lấy vật liệu phế thải từ quy trình thổi thủy tinh nổi tiếng trên Murano và tái chế chúng bằng cách sử dụng máy in 3D để biến thành những tác phẩm nghệ thuật, bao gồm cả đồ gốm.
Trong khi đó Michela Bortolozzi, một nhà thiết kế từng sống ở nước ngoài và trở về quê hương trong thời gian xảy ra đại dịch. Nhận ra rằng muốn ở lại và hỗ trợ cộng đồng, bà Bortolozzi đã mở một cửa hàng, hiện có tên là Relight Venice để làm ra những sản phẩm trông giống như đồ lưu niệm.
Các sản phẩm đặc trưng là nến và xà phòng, lấy cảm hứng từ những nét kiến trúc Gothic của Venice.
"Venice đẹp như sản phẩm nghệ thuật mà tôi tạo ra, thậm chí đẹp hơn nhiều. Đừng ‘tiêu thụ Venice’ vì chúng ta không thể xây dựng lại hoặc mua lại nó", bà nói.
Michela Bortolozzi cũng hy vọng rằng những người doanh nghiệp trẻ khác sẽ làm được điều tương tự như bà. "Nếu chúng ta nỗ lực, chúng ta có thể ở lại", bà nói.
Có quá muộn để cứu Venice
Có phải đã quá muộn để cứu Venice không? Fabio Carrera, người có Trung tâm Dự án Venice tại Học viện Bách khoa Worcester ở Massachusetts, đã nghiên cứu các vấn đề này của thành phố từ năm 1988. Sinh ra tại Venice, ông chia thời gian đi lại và sinh sống giữa Ý và Mỹ.
"Nhiều người nhận ra rằng du lịch Venice đang rơi vào tình trạng quá tải và sẽ phải cắt giảm. Tuy nhiên, tôi lạc quan một cách kỳ lạ", ông nói.
Nhóm của ông Carrera nghiên cứu các cách để cải thiện chất lượng cuộc sống ở thành phố, từ việc giới thiệu các tuyến đường thuyền để giao hàng nhằm cắt giảm moto ondoso (luồng nước do thuyền tạo ra, làm suy yếu nền móng của thành phố), cho đến việc xem xét tiềm năng của một trang trại tảo siêu nhỏ trong đầm phá.
Tất nhiên, đầm phá vừa là phước lành, vừa giống như "lời nguyền của Venice". Chính nguồn nước đã giúp thành phố trở thành một trong những cường quốc hàng hải đáng gờm nhất một thời và duy trì đến nay.
Những kênh đào mới cắt qua đầm phá trong thời đại công nghiệp, giao thông hàng hải ngày càng tăng. Mực nước dâng cao do biến đổi khí hậu đã làm cho thành phố dễ bị ngập lụt thường xuyên hơn bao giờ hết.
Trong khi các nhà khoa học đang nghiên cứu cách xử lý đầm phá thì nhà nghiên cứu Carrera cũng xem xét các vấn đề thực tế hơn để giải quyết vấn đề xã hội của Venice: tình trạng thiếu người dân.
Trước hết, ông cho rằng một hệ thống giao thông tốt hơn sẽ thu hút mọi người đến sống ở Venice. Dal Carlo đồng ý rằng việc thu hút những người không liên quan gì đến du lịch và sống ở Venice là chìa khóa.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải cố gắng thu hút mọi người, hoặc duy trì những người thông minh, có tinh thần kinh doanh ở đây vì điều đó đã trở thành một phần bản sắc của thành phố,” ông nói.
Nhà thiết kế Bortolozzi cũng tin rằng du lịch có trách nhiệm có thể giúp ích.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là nếu du khách quốc tế gặp người dân địa phương để khám phá văn hóa truyền thống, tìm hiểu các vấn đề đang tồn tại… thì họ sẽ tận hưởng Venice theo cách tốt đẹp để bảo tồn thành phố.