Du lịch Đà Nẵng “cất cánh” sau sáp nhập:
Từ lễ hội tầm cỡ đến đô thị toàn cầu
VHO - Sau quá trình sáp nhập mở rộng địa giới, thành phố Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ, trở thành trung tâm du lịch - kinh tế kết nối toàn cầu.
Những lễ hội quốc tế hoành tráng, các dự án tỉ đô cùng hệ sinh thái du lịch đa dạng trên diện tích gần 12.000 km² đã giúp “thành phố bên sông Hàn” khoác lên mình diện mạo mới, sẵn sàng vươn tầm thế giới.
Kết nối thế giới bằng du lịch văn hóa - sự kiện
Từ một điểm đến ven biển nổi bật của miền Trung, Đà Nẵng đang vươn mình trở thành trung tâm văn hóa - sự kiện hàng đầu trong khu vực. Việc ký kết hợp tác quốc tế với 16 thành phố trên thế giới, liên tục quảng bá hình ảnh tại các thị trường trọng điểm, tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đẳng cấp… cho thấy rõ chiến lược “dùng văn hóa kết nối toàn cầu” của Đà Nẵng.
Năm 2024, thành phố đã đón 4,1 triệu lượt khách quốc tế. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, con số này đạt 2,2 triệu lượt - một minh chứng cho sức hút ngày càng lớn của điểm đến này.
Mạng lưới hàng không quốc tế cũng tăng trưởng ấn tượng, với 15 đường bay thường kỳ và tần suất trung bình 52 chuyến mỗi ngày.

Mùa hè 2025, hàng loạt sự kiện tầm cỡ được tổ chức đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Từ Cuộc thi Marathon Quốc tế, Liên hoan phim Châu Á, Lễ hội Golf và giải Golf châu Á đến các show diễn đặc sắc tại Bà Nà Hills, Danang Downtown… tất cả tạo nên không khí lễ hội sôi động, đa màu sắc.
Nổi bật nhất là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF 2025, với quy mô đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, đã trở thành “nam châm” thu hút du khách khắp nơi đổ về thành phố.
Theo thống kê của Sở VHTTDL thành phố Đà Nẵng, chỉ trong khoảng thời gian từ 31.5 đến 30.6, các cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng đã phục vụ 1,17 triệu lượt khách - tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Dù đêm chung kết DIFF 2025 còn chưa diễn ra (ngày 12.7), công suất phòng toàn thành phố đã đạt 90-95%, riêng các khách sạn 4-5 sao gần như “cháy phòng” với tỷ lệ lấp đầy lên đến 100%.
Theo ông Marcos A. Bednarski - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Argentina tại Việt Nam, những sự kiện mang tầm quốc tế như DIFF đã góp phần đưa hình ảnh của thành phố Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung vươn ra thế giới.
“Việt Nam từ lâu đã nổi tiếng với các sự kiện văn hóa đặc sắc, nhưng theo tôi, Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong, đóng vai trò dẫn dắt. Tôi hoàn toàn đồng tình với tầm nhìn đặt văn hóa ở vị trí trung tâm - bởi vì văn hóa chính là cầu nối gắn kết con người trên toàn thế giới”, ông Marcos A. Bednarski nói.

Không dừng lại ở một lễ hội pháo hoa, thành phố định hướng phát triển DIFF thành “xương sống” trong hệ sinh thái sự kiện, gắn kết chặt chẽ với các hoạt động du lịch MICE, kinh tế đêm, lễ hội đường phố, nghệ thuật, mua sắm và ẩm thực.
DIFF sẽ trở thành chuỗi sự kiện dài ngày, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến sự kiện - giải trí hàng đầu châu Á.
Vận hội lớn của ngành du lịch sau sáp nhập
Không chỉ DIFF, hệ sinh thái du lịch của Đà Nẵng đang bước vào thời kỳ “vàng” nhờ diện tích mở rộng và tiềm năng vượt trội sau sáp nhập.
Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương lớn nhất cả nước, Đà Nẵng giờ đây không chỉ có Bà Nà Hills, Mỹ Khê mà còn kết nối chặt chẽ với các điểm đến đẳng cấp thế giới như phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm...
Hầu như mọi loại hình du lịch đều hội tụ ở đây: từ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, văn hóa - thể thao, đến du lịch hội nghị - MICE.
Đặc biệt, với khoảng 80.000 phòng lưu trú - trong đó tỷ lệ phòng 5 sao cao nhất cả nước - Đà Nẵng đang là địa phương dẫn đầu về hạ tầng phục vụ du khách.

Theo phân tích từ The Outbox Company - đơn vị nghiên cứu dữ liệu du lịch hàng đầu châu Á, lượng khách quốc tế lưu trú tại Đà Nẵng (sau sáp nhập) có thể đạt mốc 6,1 triệu lượt/năm trong tương lai gần, vượt qua TP.HCM - nơi đón 6 triệu khách quốc tế năm 2024. Con số này càng củng cố vị thế “thủ phủ du lịch quốc tế” mới của Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở du lịch, lễ hội quốc tế như DIFF còn được kỳ vọng gắn với chiến lược phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng, tạo cú hích cho kinh tế đêm và chuỗi dịch vụ đô thị hiện đại.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi, DIFF trong 5 năm tới sẽ được đầu tư quy mô hơn để trở thành một động lực tăng trưởng mới cho kinh tế đêm, du lịch và thương hiệu của thành phố, phù hợp với tầm nhìn phát triển Đà Nẵng theo hướng xanh - thông minh - hiện đại, định vị thương hiệu văn hóa của thành phố trên bản đồ khu vực và quốc tế.

Sự sáp nhập cũng mang lại lợi thế lớn cho Đà Nẵng về phát triển kinh tế vùng. Các khu công nghiệp quy mô như Điện Nam - Điện Ngọc, Chu Lai, hay khu thương mại tự do với các chức năng sản xuất, logistics, công nghệ số, đổi mới sáng tạo… đang dần hình thành hệ sinh thái công nghiệp hiện đại.
Với những yếu tố đó, Đà Nẵng không chỉ hướng tới trở thành điểm đến du lịch đẳng cấp, mà còn là mắt xích quan trọng trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu và là một đô thị toàn cầu thực thụ - nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố về văn hóa, công nghệ, thương mại và bản sắc địa phương độc đáo.