Triển vọng từ “Du lịch lễ cưới”
VHO - Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầy triển vọng về du lịch lễ cưới ở khu vực sau hàng loạt đám cưới của giới siêu giàu Ấn Độ và một số nước được tổ chức ở Phú Quốc, Đà Nẵng…
Nhiều xu hướng du lịch gắn với tổ chức lễ cưới
Theo ông Nguyễn Quang Vinh (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch), trong những năm gần đây, sản phẩm du lịch cưới được xem là chiến lược phát triển của nhiều quốc gia châu Á, nhất là Đông Nam Á, tận dụng ưu thế về tài nguyên tự nhiên biển đảo nhiệt đới, các giá trị văn hóa đặc sắc và chi phí tổ chức sự kiện hấp dẫn. Các điểm đến Thái Lan, Indonesia… và Việt Nam dần góp mặt trong danh sách những điểm đến cưới được lựa chọn bởi thị trường Bắc Mỹ, châu Á - 2 thị trường cưới lớn nhất với giá trị ước đạt lần lượt là 28,8 tỉ USD và 23 tỉ USD.
Du lịch gắn với tổ chức lễ cưới (Du lịch lễ cưới) được hiểu là một chuyến đi đến một điểm du lịch để thực hiện, hay tham dự lễ cưới hoặc các nghi lễ đám cưới như cầu hôn, đính hôn, chụp ảnh cưới, tuần trăng mật hay kỷ niệm ngày cưới, ngày dấu mốc của tình yêu - hôn nhân... Điểm đến du lịch lễ cưới thường được lựa chọn là những nơi có phong cảnh thiên nhiên, môi trường, không gian, thiết kế đẹp hoặc có ý nghĩa nhất định đối với cuộc hôn nhân.
Sở hữu nhiều thắng cảnh, bãi biển đẹp, khách sạn cao cấp, đa dạng các loại hình nghỉ dưỡng, dịch vụ tốt, giá cả hợp lý, nhiều không gian để tổ chức các buổi tiệc khác nhau mà không bị trùng lặp về cảnh quan và trang trí, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng khai thác loại hình du lịch đám cưới. Các địa danh Việt Nam được đánh giá phù hợp với du lịch đám cưới như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Phan Thiết, Ninh Bình... Những nơi này không chỉ sở hữu thắng cảnh đẹp, đa dạng loại hình nghỉ dưỡng, chất lượng dịch vụ cao cấp mà còn mang đến nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị.
“Du lịch đám cưới có thể là nhân tố quyết định, giúp Việt Nam nổi lên thành điểm đến quốc tế. Loại hình này cũng mang đến hiệu quả lớn về kinh tế và cộng đồng địa phương, do nhu cầu đa dạng về mặt tổ chức đòi hỏi rất nhiều bên tham gia. Mặc dù vậy, trong suốt nhiều năm qua, du lịch đám cưới ở Việt Nam vẫn chưa được chú trọng phát triển. Ấn Độ, Thái Lan và một số quốc gia khác trên thế giới đã quan tâm và phát triển loại hình du lịch đám cưới từ rất lâu và họ đã gặt hái được nhiều thành công”, ông Vinh cho biết.
Để có thể cạnh tranh với ngành Du lịch đám cưới của các quốc gia khác trong khu vực như: Phuket của Thái Lan, Bali của Indonesia hay những điểm nổi danh trên thế giới như: Thành cổ ở Cappadocia (Thổ Nhĩ Kỳ), các bãi biển nhân tạo tại Abu Dhabi (UAE), lâu đài cổ ven hồ Como (Italia)... và có thể thu hút được thị trường tiềm năng này, ngành Du lịch còn nhiều điều phải làm. Trước hết, cần phải thực hiện nghiên cứu đầy đủ, qua đó phân tích, đánh giá hiện trạng và xu hướng phát triển của loại hình du lịch gắn với tổ chức lễ cưới ở Việt Nam trong những năm gần đây. Trong thời gian tới, đề xuất kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển loại hình du lịch gắn với tổ chức lễ cưới tại Việt Nam.
Hứa hẹn mạng lại doanh thu cao
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Trường ĐH KHXHNV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Theo Báo cáo Thị trường điểm đến tổ chức lễ cưới năm 2024, quy mô thị trường đám cưới điểm đến đã tăng theo cấp số nhân trong những năm gần đây. Thị trường sẽ tăng từ 27,64 tỉ USD vào năm 2023 lên 36,49 tỉ USD vào năm 2024 với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 32,0%”.
Năm 2019, khi cặp vợ chồng tỉ phú người Ấn Độ quyết định chọn Phú Quốc (Kiên Giang) để tổ chức lễ cưới tại JW Marriott Phú Quốc với sự chứng kiến của 700 khách mời tới từ nhiều quốc gia, Việt Nam bỗng nhiên được chú ý vì quá đẹp và là nơi lý tưởng để tổ chức các sự kiện quan trọng của đời người. JW Marriott Phú Quốc sau đó cũng đã trở thành địa điểm tổ chức đám cưới của nhiều cặp vợ chồng thuộc giới thượng lưu. Nhiều năm liên tiếp, khu nghỉ dưỡng này giành chiến thắng ở hạng mục “Khu nghỉ dưỡng tổ chức tiệc cưới sang trọng hàng đầu thế giới” của World Travel Awards.
Du lịch gắn với tổ chức lễ cưới là thị trường tiềm năng để phát triển ở Việt Nam. Mặc dù, việc phát triển du lịch gắn với tổ chức lễ cưới còn chậm hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore… nhưng Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển loại hình du lịch còn khá mới mẻ này. Tuy nhiên, để thực sự phát triển được loại hình này, cần có những kế hoạch cụ thể và thực hiện các giải pháp đồng bộ với sự tham quan của các bên liên quan, điểm đến và nhà cung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của các cặp đôi đi du lịch kết hợp tổ chức lễ cưới.
PGS.TS Phạm Hồng Long cũng đề xuất một số định hướng phát triển du lịch gắn với tổ chức lễ cưới ở Việt Nam: Nghiên cứu các thị trường du lịch gắn với tổ chức lễ cưới tiềm năng như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc…; xúc tiến quảng bá du lịch gắn với tổ chức lễ cưới; nghiên cứu phát triển ẩm thực phù hợp trong tổ chức lễ cưới; xây dựng giá dịch vụ tổ chức lễ cưới phù hợp; tăng cường liên kết giữa các điểm đến du lịch gắn với tổ chức lễ cưới; đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ tổ chức lễ cưới; đào tạo nhân lực phục vụ tổ chức lễ cưới...