"Du lịch bây giờ hoặc quá muộn”:

Thích nghi đi đôi với bảo tồn

HỒNG NHUNG

VHO - Tâm lý “du lịch bây giờ hoặc quá muộn” thường gợi lên cảm giác bất an. Và khi du khách đổ xô đến thăm những kỳ quan thiên nhiên sắp biến mất thì lại càng đẩy chúng đến bờ vực bị hủy diệt nhanh chóng hơn.

 Thích nghi đi đôi với bảo tồn - ảnh 1
Thủ đô Nuuk của Greenland có khoảng 20.000 người. Ảnh: AFP

Khi những thay đổi về môi trường diễn ra nhanh hơn, nhu cầu du lịch tìm kiếm cơ hội cuối cùng cũng gia tăng nhanh chóng. Du khách đổ xô khám phá những điểm đến đang có nguy cơ biến mất.

Đó là thành phố có nguy cơ bị nhấn chìm, các sông băng đang tan chảy, những khu rừng đang chết dần và những rạn san hô tuyệt mỹ dưới đáy biển.

Venice (Italia), nơi được mệnh danh là thành phố nổi với hơn 150 kênh đào đan xen, đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm trong vòng khoảng hơn 100 năm.

Giới quan sát cho rằng, điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất Italia này có thể phải “đếm ngược đến ngày bị nhấn chìm” nếu chính phủ không có biện pháp kịp thời. Trước những cảnh báo nguy cơ, nhiều du khách đã nghĩ rằng phải đến Venice ngay bây giờ hoặc không bao giờ.

Một điểm nóng khác là Greenland - vùng đất băng giá với quang cảnh ngoạn mục. Với vị trí xa xôi và môi trường mong manh, hòn đảo này đang trở thành điểm đến độc đáo nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lớp băng dày ở bên trong đang tan chảy và băng biển đang rút đi tạo nên cảnh quan mới lạ “độc nhất vô nhị” cho hòn đảo này. Các khoản đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng sân bay cũng tạo cơ hội cho du khách đến Greenland trở nên dễ dàng hơn.

Ông Michael Hall, một giáo sư và chuyên gia du lịch tại Đại học Canterbury ở New Zealand nhận định, những tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu đã nhìn thấy rõ rệt nhất ở Bắc Cực.

Quá trình tan chảy của lớp đất đóng băng vĩnh cửu, thềm băng và sông băng cũng góp phần tạo nên sự độc đáo của hòn đảo này. Trên khắp Greenland, người dân đang tận mắt chứng kiến những tác động rõ rệt nhất của hiện tượng này.

Emmanuel Salim, Trợ lý Giáo sư địa lý tại Đại học Toulouse ở Pháp, đã nhắc đến Greenland với “loại hình du lịch cơ hội cuối cùng”. Du khách thường muốn đến những nơi “độc nhất vô nhị” như vậy để có cơ hội nhìn thấy cảnh quan hiếm có đó trước khi biến mất.

Với sự cường điệu của các phương tiện truyền thông xã hội, du lịch giờ đây không chỉ là đi nghỉ mà là tranh thủ khám phá những địa điểm có thể sẽ không còn tồn tại lâu nữa.

Liệu xu hướng “du lịch cơ hội cuối cùng” này là để nắm bắt vẻ đẹp thoáng qua của thiên nhiên hay đang đẩy nhanh sự biến mất của chúng? Bằng cách nào để thế giới có thể bảo tồn những thứ đẹp đẽ kỳ diệu của thiên nhiên mãi mãi?

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, ngành du lịch toàn cầu đang dần đưa ra định hướng mới, vừa phát triển du lịch, vừa thúc đẩy công tác bảo tồn thiên nhiên.

Những bước đi ban đầu này đã mang lại lợi ích nhất định cho ngành du lịch thế giới. Chẳng hạn như khi nhìn thấy những cơ hội thích nghi với biến đổi khí hậu để phát triển du lịch, thì cũng là lúc Greenland thực hiện các hạn chế nghiêm ngặt để kiểm soát sự phát triển này một cách có trách nhiệm.

Hay với Venice của Italia, trước thách thức của biến đổi khí hậu, chính phủ nước này sẵn sàng chi hàng triệu euro mỗi năm để xây dựng các rào chắn lũ lụt nhằm ngăn thủy triều dâng cao bất thường tràn vào đầm phá.

Cụ thể, MOSE (hệ thống để chắn lũ di động ở lối vào Phá Venice) hiện đang được đưa vào sử dụng và dự kiến đến cuối năm 2025 hệ thống này mới đi vào hoạt động hoàn toàn.

Các giải pháp khác bảo toàn cho thành phố vẫn tiếp tục được nghiên cứu. Mới đây ông Pietro Teatini, phó giáo sư thủy văn và kỹ thuật thủy lực tại Đại học Padua gợi ý kế hoạch bơm nước vào lòng đất sâu bên dưới thành phố để đẩy Venice lên cao.

Ông cho biết kế hoạch có thể thực hiện trong 50 năm, tất nhiên là có kết hợp với các rào chắn lũ lụt đang triển khai. Đây được xem là giải pháp “quyết liệt” lâu dài và cách làm này có thể nâng thành phố lên 30cm.

Bên cạnh đó, Venice cũng là một trong những thành phố đầu tiên đã áp dụng thuế đặc biệt đối với du khách đến thăm địa điểm này trong ngày. Sau khi chương trình thí điểm kết thúc vào tháng 7 năm ngoái, giới chuyên gia và người dân địa phương đều cho rằng sáng kiến này đã đạt được một số thành công ban đầu và cần được phát triển thêm.

Ngoài Venice, các điểm đến khác tại New Zealand, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc và Bhutan cũng áp dụng mức thuế du lịch cần thiết cho du khách. Số tiền thu được từ khoản thuế này sẽ được sử dụng cho các chương trình quản lý chất thải và bảo tồn văn hóa địa phương.

Zhang Jiajie, Trợ lý giáo sư về địa lý con người tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore cho biết, thuế du lịch sinh thái có thể tạo ra “hai cú hích cùng một lúc” nếu được thực hiện đúng cách.

Khoản thuế không chỉ hạn chế tình trạng suy thoái môi trường do du lịch quá mức gây ra mà còn tài trợ cho các sáng kiến bảo tồn môi trường bằng số tiền thu được.