Thành phố Kon Tum (Kon Tum): Phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch
VHO - Nhờ làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch, năm 2024 chứng kiến bước chuyển mình ấn tượng của du lịch TP. Kon Tum (Kon Tum) với số lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm đạt trên 900.000 lượt, vượt gần 200% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, khách du lịch nội địa chiếm trên 90%, khách quốc tế chiếm từ 5 - 7%.
Ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND TP. Kon Tum cho biết, với khát vọng xây dựng thành phố trở thành trung tâm kinh tế - chính trị, du lịch phát triển toàn diện, bền vững trong khu vực Tây Nguyên và trên cả nước, thành phố Kon Tum đã đề ra lộ trình và nhiều giải pháp để triển khai thực hiện.
Trong đó, xác định phát triển du lịch là một trong những lĩnh vực mũi nhọn, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc; khai thác hiệu quả tiềm năng, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng, dã ngoại; mở rộng mạng lưới kết nối phát triển các tour, tuyến du lịch, hướng đến trở thành thành phố sinh thái.
Ông Mân cho hay, xác định du lịch cộng đồng là một trong những loại hình thế mạnh và là sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố đã xây dựng các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đặc biệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án xây dựng làng du lịch cộng đồng Kon K’Tu, xã Đăk Rơ Wa, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030 được xem là mô hình mẫu về hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố.
Từ việc triển khai tổ chức hoạt động của làng du lịch Kon Kơ Tu, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng phát triển mô hình làng du lịch cộng đồng tại các làng đồng bào DTTS có điều kiện phù hợp phát triển du lịch.
Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố có 4 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận làng du lịch cộng đồng (làng du lịch cộng đồng Kon K’Tu, xã Đăk Rơ Wa; làng du lịch cộng đồng Kon Klor, phường Thắng lợi; làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa; và điểm du lịch A Biu, thôn Plei Klech, xã Ngok Bay).
Các hoạt động du lịch diễn ra trên cơ sở tiềm năng sẵn có và định hướng phát triển dụ lịch của thành phố; thành phố đã phối hợp thiết kế và khai thác các tour kết nối trong tỉnh và liên tỉnh. Trong năm 2024, các điểm du lịch cộng đồng này đã thu hút được trên 150.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú chiếm khoảng 7-10%.
Bên cạnh đó, thành phố đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như: du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch thưởng ngoạn thiên nhiên và trải nghiệm đời sống người dân ở làng Kon K’Tu; du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng với hệ thống các điểm du lịch độc đáo như: Bảo tàng tỉnh Kon Tum, Khu di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Nhà thờ gỗ Kon Tum, Tòa Giám mục Kon Tum, cầu treo Kon Klor và hệ thống nhà mồ tại các làng DTTS tại chỗ trên địa bàn ngày càng thu hút được nhiều du khách đến tham quan và tăng doanh thu du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Đặc biệt, trong các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán Giáp Thìn và kỷ niệm 15 năm thành lập thành phố, ngành du lịch Kon Tum đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như: Ngày hội quảng bá du lịch nông thôn, Liên hoan Văn hóa - Du lịch tỉnh lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng xoang các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2024… Những sự kiện này đã thu hút gần 500.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.
Chủ tịch UBND TP. Kon Tum cho biết thêm, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được thành phố đẩy mạnh thông qua việc tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch quy mô lớn trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút trên 350.000 lượt xem và 120.000 lượt tương tác, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Kon Tum đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Nổi bật, là các hoạt động chào mừng 15 năm thành lập thành phố, Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS thành phố Kon Tum lần thứ II, Liên hoan sắc màu thổ cẩm lần thứ III, Liên hoan ẩm thực.
Thành phố cũng phối hợp hỗ trợ hoạt động kết nối xúc tiến du lịch tại Hội thi Ẩm thực quốc tế với chủ đề “Ẩm thực dược liệu – Tinh hoa núi rừng Ngọc Linh” lần thứ 2 tại huyện Tu Mơ Rông...; kết nối xây dựng được 4 tour nội tỉnh và 5 tour liên tỉnh, 3 tour quốc tế, đón tiếp các đoàn khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Đăk Lăk, Đà Nẵng, Huế, Bình Phước, Lai Châu…
Cũng theo ông Mân, để phát triển bền vững, thành phố đã chú trọng công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại các làng du lịch cộng đồng. Nhiều công trình văn hóa như: nhà rông ở thôn Kon K’Tu, Kon Jơ Dri được tu sửa, các đội văn nghệ truyền thống được hỗ trợ trang phục biểu diễn.
Một số điểm trải nghiệm mới như: Phố đêm Đăk Bla (phường Quyết Thắng), Cà phê Chất Garden (xã Đăk Cấm), Country Coffee (xã Hòa Bình), khu du lịch sinh thái xã Đăk Rơ Wa và lòng hồ thủy điện Ia Ly (xã Ia Chim) đã thu hút đông đảo du khách tham quan.
Về định hướng phát triển, Chủ tịch UBND TP. Kon Tum cho hay, thành phố đang tập trung hoàn thiện đồ án quy hoạch với 9 khu du lịch lớn cùng nhiều điểm du lịch nhỏ, tổng diện tích khoảng 3.680 ha. Trong đó, Làng Plei Weh tại xã Ia Chim cũng đã hoàn thành 70% tiêu chí về điểm du lịch cộng đồng, dự kiến sẽ được công nhận trong quý I năm 2025.
“Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, trong đó, lấy du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp homestay và du lịch tâm linh làm trọng tâm. Song song với đó là việc tăng cường liên kết, hợp tác phát triển tour tuyến với các địa phương trong khu vực và cả nước, xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng, góp phần đưa Kon Tum trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam”, Chủ tịch UBND TP. Kon Tum thông tin.