"Một hành trình, ba điểm đến” Campuchia - Việt Nam - Lào:

Quảng bá để thu hút khách

NGỌC TRUNG

VHO - Chủ trì cuộc họp Thúc đẩy du lịch “một hành trình, ba điểm đến” Campuchia - Việt Nam - Lào diễn ra ngày 19.2, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong yêu cầu đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá sáng kiến này của lãnh đạo cấp cao ba quốc gia để thu hút khách du lịch qua lại giữa ba nước nhiều hơn.

Quảng bá để thu hút khách - ảnh 1

 Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu, việc liên kết phát triển du lịch giữa các nước láng giềng không chỉ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế mà còn là cầu nối quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa các quốc gia. Nhiệm vụ này được thể hiện rõ tại các cuộc gặp gỡ song phương lẫn ba bên giữa lãnh đạo ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia trong thời gian qua, khi ý tưởng “Một hành trình, ba điểm đến” nhiều lần được đưa ra thảo luận.

Mới đây nhất, vào đầu năm 2025, trong chuyến thăm Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, Việt Nam trước sau như một ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng thân thiết như Lào và Campuchia, Việt Nam sẵn sàng và khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác đầu tư, kinh doanh, cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển; đồng thời, đẩy mạnh kết nối du lịch giữa hai nước và ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia “Một hành trình, ba điểm đến”.

Việt Nam, Lào và Campuchia có chung đường biên giới, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, di sản lịch sử lâu đời, nền văn hóa đậm đà bản sắc và ẩm thực phong phú, đặc trưng, do đó sở hữu nhiều lợi thế để cùng nhau phát triển du lịch.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL nghiên cứu, phối hợp với Lào và Campuchia để xây dựng các gói du lịch một hành trình, ba điểm đến cũng như chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan về khả năng tổ chức và tham dự Hội nghị Bộ trưởng Du lịch Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất tại Campuchia.

Ngày 19.12, Bộ VHTTDL tổ chức cuộc họp về thúc đẩy du lịch “Một hành trình, ba điểm đến” Campuchia - Việt Nam - Lào. Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong nhấn mạnh: “Du lịch phải là một trong những ngành kinh tế đi đầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vì khi du lịch tăng trưởng, các ngành kinh tế khác như vận tải, ăn uống… cũng tăng trưởng theo”.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số, ngành Du lịch cũng đặt quyết tâm đạt 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.

Việt Nam, Lào và Campuchia là ba nước không chỉ có ưu thế cạnh tranh mà còn bổ trợ cho nhau, tạo nên trải nghiệm du lịch liền mạch và độc đáo. Campuchia với kỳ quan Angkor Wat và nhiều ngôi chùa cổ kính, những di sản văn hóa Khmer và bãi biển hoang sơ như Sihanoukville.

Lào nổi tiếng với những đền chùa linh thiêng ở Luang Prabang, thiên nhiên nguyên sơ tại Vang Vieng và nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Và Việt Nam có hệ thống danh lam thắng cảnh đa dạng, từ Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), phố cổ Hội An (Quảng Nam) đến TP.HCM sôi động.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, du lịch liên kết giữa ba nước vẫn chưa phát triển xứng tầm. Trước đại dịch Covid-19, ba nước đã đón tổng cộng 29,4 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019, chiếm 21,5% lượng khách quốc tế đến Đông Nam Á (136,9 triệu lượt khách). Năm 2024 lượng khách quốc tế đến Việt Nam, Lào và Campuchia đạt 28,4 triệu lượt, phục hồi 95% so với trước đại dịch.

Đến nay, các nước Việt Nam, Lào và Campuchia đã miễn thị thực song phương cho công dân của nhau mang hộ chiếu phổ thông, vì thế đi lại trong nội vùng đã không còn rào cản về thị thực. Giữa Việt Nam và Lào cũng ký hiệp định về cho phép xe du lịch tự lái được qua lại đường bộ.

Nhờ vậy, trong nhiều năm qua Việt Nam luôn là thị trường gửi khách lớn thứ hai của Campuchia và Lào (sau Thái Lan, trên Trung Quốc). Các nước Lào và Campuchia đều nằm trong danh sách 10 thị trường gửi khách hàng đầu của nhau. Trao đổi khách nội vùng ba nước năm 2024 đạt gần 3,4 triệu lượt, tăng 32,2% so với năm 2019 (gần 2,6 triệu lượt).

Con số này cho thấy trao đổi khách nội vùng đã phục hồi hoàn toàn, thậm chí tăng trưởng mạnh, thể hiện xu thế đi du lịch gần được ưu tiên. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng lớn, vẫn còn thiếu các sản phẩm du lịch chung, thế nên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa ba nước.

Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị các Bộ, ngành cùng nỗ lực chung tay tuyên truyền tạo động lực phát triển. Ngành du lịch của ba quốc gia phải tích cực quảng bá cho nhau để thu hút nhiều du khách qua lại tham quan giữa các nước nhiều hơn. Trong đó, ngành du lịch ba nước và các tỉnh/thành phố phải thường xuyên phối hợp, hỗ trợ nhau xúc tiến quảng bá du lịch tại mỗi quốc gia.

Thứ trưởng Hồ An Phong yêu cầu tạo thuận lợi trong kết nối đường không, đường thủy lẫn đường bộ. Thực tế 80-90% lượng khách đến ba nước bằng đường không, còn lại là đường thủy và đường bộ rất ít. Thông thường các chương trình du lịch 3 nước Đông Dương bắt đầu và kết thúc ở Việt Nam vì nước ta có nhiều tuyến kết nối Âu - Mỹ. Khách du lịch đi Campuchia và Lào thường quá cảnh tại Việt Nam.

Với tiềm năng to lớn và sự hợp tác chặt chẽ, mô hình “Một hành trình, ba điểm đến” giữa Việt Nam, Lào và Campuchia hứa hẹn sẽ trở thành động lực phát triển du lịch ba nước, giúp khu vực ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới.