Quảng Nam:
Phát triển du lịch xanh theo cách tiếp cận kinh nghiệm của quốc tế
VHO - Trong hai ngày 14-15.8, Sở VHTTDL Quảng Nam phối hợp với Dự án Du lịch Thụy Sỹ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam (ST4SD) tổ chức tour trải nghiệm du lịch xanh và hội thảo chuyên gia về mô hình điểm du lịch xanh tại Quảng Nam.
Chương trình được triển khai với sự tài trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).
Hội thảo chuyên gia về mô hình điểm du lịch xanh diễn ra vào sáng ngày 15.8 hướng đến đối thoại công-tư và tham vấn ý kiến các bên, trong tập trung trao đổi về khả năng áp dụng kinh nghiệm và chứng nhận quốc tế về phát triển du lịch xanh, đổi mới phát triển sản phẩm, quản lý điểm đến, và quảng bá du lịch bền vững tại Quảng Nam.
Thảo luận về các chính sách nhằm cải thiện và tăng cường tính bền vững của ngành du lịch tỉnh dựa vào kết quả đánh giá theo Bộ chỉ số phát triển du lịch Việt Nam (VTDI) 2023.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hồng- Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết: Trong gần 3 năm qua, nhờ vào sự hỗ trợ tích cực từ SECO, dự án ST4SD đã giúp Quảng Nam là tỉnh đầu tiên trên cả nước ban hành và triển khai áp dụng bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng cho 6 mô hình là khu nghỉ dưỡng, khách sạn, homestay, doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan, điểm du lịch cộng đồng.
Đến nay, đã có 25 doanh nghiệp du lịch thuộc lĩnh vực lưu trú, điểm tham quan, doanh nghiệp lữ hành đã được UBND tỉnh Quảng Nam cấp quyết định công nhận đạt chứng nhận du lịch xanh. Bên cạnh đó còn nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành hồ sơ để được đánh giá công nhận.
Nhìn chung, những mô hình du lịch xanh của tỉnh mới chỉ bước khởi đầu nhưng đóng góp giá trị lớn về mặt truyền thông định hướng du lịch xanh của tỉnh, từng bước định hình và phát triển rộng rãi thương hiệu “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”, góp phần thay đổi nhận thức của người dân và du khách có ý thức và trách nhiệm bảo tồn những giá trị tiềm năng du lịch tại điểm đến.
Bên cạnh những kết quả đạt được ban đầu, ngành du lịch Quảng Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận về kết quả phát triển xanh vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu tiêu chí xanh quốc tế và mong muốn của doanh nghiệp, người dân và du khách. Cũng xác định đây là nhiệm vụ rất khó khăn, cần phải làm thường xuyên, liên tục xuyên suốt quá trình phát triển chứ không thể chỉ dừng ở một giai đoạn có thể xong ngay.
“Trên cơ sở hợp tác với dự án ST4SD nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả thế mạnh tiềm năng du lịch của tỉnh, đa dạng hóa sản phẩm du lịch mới theo hướng xanh, bền vững tạo sức hấp dẫn của điểm đến, Hội thảo chuyên gia về mô hình điểm du lịch xanh được tổ chức lần này hướng đến mục đích mong muốn lắng nghe những ý kiến tham vấn, chia sẻ, đóng góp của các chuyên gia trong ngành du lịch để có cơ sở đề xuất HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, kế hoạch hành động cụ thể nhằm thúc đẩy du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam trong những năm tiếp theo”, ông Hồng cho biết.
3 phiên thảo luận chính diễn ra tại hội thảo gồm các chủ đề: Đổi mới, phát triển du lịch xanh Quảng Nam theo cách tiếp cận kinh nghiệm của quốc tế; Thảo luận về cơ chế hợp tác, hỗ trợ cho phát triển du lịch xanh Quảng Nam; Ký kết hợp tác.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận nội dung về cơ chế hợp tác phát triển du lịch xanh, cơ hội và thách thức trong phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, quy hoạch và hợp tác công tư.
Thảo luận về chỉ số VTDI đổi mới chính sách, nguồn lực và hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng trong việc phát triển du lịch xanh Quảng Nam.
Hội thảo cũng đưa ra những kiến nghị đối với các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện như:
Sở VHTTDL tiếp tục phối hợp với dự án ST4SD rà soát, điều chỉnh Bộ tiêu chí du lịch xanh đã ban hành phù hợp với thực tế phát triển địa phương nhưng vẫn đảm bảo theo khung tiêu chí chung của bộ tiêu chí Du lịch bền vững uy tín cấp quốc tế.
Tiếp tục công tác đào tạo đội ngũ đào tạo viên am hiểu về du lịch xanh, có kỹ năng điều hành, hướng dẫn doanh nghiệp du lịch thực hiện mô hình du lịch xanh, bền vững và quan trọng sẽ tranh thủ sự hợp tác của dự án ST4SD để đào tạo được đội ngũ đánh giá viên du lịch độc lập tại địa phương.
Sở VHTTDL đề nghị Trung tâm xúc tiến du lịch Quảng Nam nghiên cứu nội dung được truyền tải trong buổi hội thảo xây dựng chiến lược tiếp thị thương hiệu “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh” thích nghi với giai đoạn chuyển đổi số đạt thiết thực, hiệu quả.
Chiến lược cần tập trung 2 giai đoạn là trước mắt năm 2025 và giai đoạn lâu dài đến năm 2030. Cần có hành động cụ thể được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu thị trường cho giai đoạn đến năm 2030.
Trước đó, ngày 14.8, các đại biểu tham gia tour trải nghiệm liên kết 3 địa phương của Quảng Nam, khám phá mô hình du lịch xanh tại làng nghề Đông Khương (Điện Bàn), làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Xuyên) và làng mộc Kim Bồng (Hội An).
Ông Kenneth Wood, Trưởng dự án ST4SD cho biết: 3 địa phương có rất nhiều tiềm năng và nhiều điểm đến để trải nghiệm. Nhưng câu hỏi đặt ra là nhu cầu của khách du lịch như thế nào ? Có tham quan tất cả hay không ? Có sự cạnh tranh giữa các địa điểm này nhiều khi có những sản phẩm mô hình giống nhau?
"Về phía dự án, chúng tôi đã được Sở VHTTDL đề nghị hỗ trợ mô hình đổi mới sản phẩm và tiếp thị bền vững cho xã Cẩm Hà (TP Hội An) với các sản phẩm gợi ý như: Chèo bè mảng, chèo kayak, trồng thảo dược, lúa nước, thiền, cắm trại, tham quan di tích, homestay chuẩn,… Cần thiết có sự hợp tác giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương và khi thành công sẽ áp dụng, nhân rộng mô hình phát triển du lịch Cẩm Hà tại các địa phương", ông Kenneth Wood chia sẻ.