Phát triển du lịch trên vùng “đất thiêng” Quảng Trị
VHO - Những năm trở lại đây, du lịch Quảng Trị đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt năm 2024 Lễ hội Vì Hòa bình lần đầu tiên được tổ chức đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực. Với lợi thế là điểm đầu về phía Việt Nam của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa và những địa chỉ đỏ, vùng “đất thiêng” Quảng Trị đang có nhiều cơ hội để phát triển du lịch…
Nhiều lợi thế
Quảng Trị có hơn 500 di tích, danh thắng được kiểm kê, nghiên cứu và xếp hạng, trong đó có 28 địa điểm di tích thành phần thuộc 4 di tích Quốc gia đặc biệt: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972; Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh; Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đi qua Quảng Trị. Chính vì thế, Quảng Trị được mệnh danh là “Bảo tàng sinh động nhất về di tích chiến tranh cách mạng”; và đó là cơ sở để hình thành chương trình du lịch Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội - thương hiệu riêng của Quảng Trị, đồng thời là cầu nối quan trọng cho các chương trình du lịch nối tiếp như Con đường Di sản miền Trung, Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Cùng với đó, tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào danh sách Quy hoạch các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 13.6.2024). Đây là điều kiện để tỉnh Quảng Trị huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật phục vụ khách du lịch, trong đó Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng - giai đoạn II” gồm có 4 hợp phần: Đầu tư hạ tầng du lịch bãi tắm Trung Giang; đầu tư hạ tầng du lịch bãi tắm Gio Hải; đầu tư hạ tầng du lịch bãi tắm Cửa Việt và đầu tư hạ tầng cảng du lịch Cửa Việt với tổng mức đầu tư 11,434 triệu USD đang hoàn thiện sẽ sớm tạo cú hích để du lịch Quảng Trị tăng tốc phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Các địa phương ở khu vực phía Tây có cảnh quan hùng vĩ, với hệ thống hang động, thác nước, hồ, sông, suối… có lợi thế lớn trong khai thác du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm. Hiện nay, các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã có nhiều khởi sắc, trong đó các mô hình du lịch cộng đồng, farmstay, homestay thu hút đông đảo khách đến tham quan và lưu trú, gắn với các sản phẩm du lịch như đường hoa dã quỳ, vườn hoa thạch thảo, cánh đồng điện gió, “Khe Sanh Coffee Tour” - Một ngày làm nông dân hái cà phê; săn mây đỉnh Cu Vơ; trekking, cắm trại, săn mây đồng cỏ Ra Ly Rào…
Những lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào từ miền xuôi đến miền núi của Quảng Trị đa dạng và đặc sắc, trong đó chùa Sắc Tứ Tịnh Quang và Trung tâm Hành hương Đức mẹ La Vang thu hút đông đảo du khách về hành lễ, dâng hương. Nhiều năm qua, các lễ hội mang màu sắc, âm hưởng mới với ý nghĩa tri ân cũng đã thu hút cộng đồng và du khách tham gia như: Lễ hội Thống nhất non sông, Tri ân tháng Bảy, Lễ hội Hoa đăng trên sông Thạch Hãn…
Đặc biệt, năm 2024, lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ hội Vì hòa bình với chuỗi các sự kiện, hoạt động ý nghĩa đã gây xúc động, lan tỏa đến đông đảo cộng đồng nhân dân trong nước và quốc tế. Qua đó, cũng mở ra cơ hội kết nối và thu hút du khách đến với vùng đất thiêng Quảng Trị. Theo thống kê của ngành Du lịch địa phương, các chương trình, sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch trong khuôn khổ Lễ hội Vì hòa bình đã thu hút lượng lớn nhân dân địa phương, du khách trong nước và quốc tế tham gia. Cụ thể là: Chương trình nghệ thuật khai mạc ước tính đón khoảng 45.000 lượt khách; Ngày hội đạp xe Vì hòa bình đã có 1.000 vận động viên trong nước và quốc tế tham gia; Lễ hội văn hóa ẩm thực Hương vị miền hoa nắng thu hút khoảng 32.000 lượt người; chương trình nghệ thuật Ước nguyện hòa bình: Bản hùng ca bất diệt tại di tích Thành cổ Quảng Trị thu hút khoảng 25.000 lượt người; Đêm nhạc Trịnh Công Sơn Khúc ca hòa bình thu hút gần 30.000 khán giả…
Bên cạnh đó, các tour, tuyến du lịch chủ đạo đã được xây dựng và khẳng định thương hiệu như: Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, du lịch DMZ, du lịch đường bộ “Một ngày ăn cơm 3 nước”. Ngoài ra, đã hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch như: Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình gắn với Lễ hội Vì Hòa bình, Khám phá du lịch miền Tây Quảng Trị, Bí ẩn miền đất thiêng, chương trình Tri ân Thành Cổ - Sưởi ấm dòng sông lửa - Khám phá đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, chương trình du lịch đêm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - Thành cổ Quảng Trị - Bến thả hoa sông Thạch Hãn…
Ông Hồ Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Trị thông tin: “9 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã đón khoảng 2.915.000 lượt khách du lịch, tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế là 162.000 lượt, khách nội địa là 2.753.000 lượt. Doanh thu xã hội ước đạt khoảng 2.300 tỉ đồng, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó doanh thu chuyên ngành ước khoảng 823 tỉ đồng”.
Cần những giải pháp gì?
Quảng Trị có vị trí chiến lược quan trọng, ở giữa miền Trung Việt Nam, trên các trục giao thông huyết mạch của quốc gia về đường bộ, đường sắt Bắc - Nam, đường hàng không và đường biển. Quảng Trị là điểm đầu phía Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, có hai cửa khẩu đường bộ quốc tế là Lao Bảo và La Lay. Đây là những lợi thế để phát triển và hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch và đầu tư trong khu vực, nhất là với các quốc gia ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS).
Định hướng của Quảng Trị là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với thương hiệu điểm đến: Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình, Cửa ngõ Hành lang kinh tế Đông - Tây; kết nối, liên kết du lịch Con đường Di sản miền Trung, Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Theo ông Hồ Văn Hoan, các giải pháp để phát triển du lịch Quảng Trị là tập trung đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng phát triển du lịch nội địa, xây dựng sản phẩm du lịch có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: Du lịch lịch sử - cách mạng, du lịch văn hóa - tâm linh kết hợp với du lịch Hành lanh kinh tế Đông - Tây, du lịch biển đảo, du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt cần làm gia tăng sự “khác biệt” của du lịch Quảng Trị bằng cách xây dựng Quảng Trị thành biểu tượng Hòa Bình của nhân loại gắn với Lễ hội Vì hòa bình. Để hôm nay, “đất thiêng” Quảng Trị đã nở đóa hoa Hòa bình.
Nâng tầm, nâng cấp giá trị các di tích Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa Trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa Trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, Địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải… theo hướng khai thác các giá trị tâm linh, huyền thoại của “vùng đất lửa” Quảng Trị.
Theo các chuyên gia, Quảng Trị cần ưu tiên đầu tư phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực động lực phát triển du lịch, nhất là tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ. Hoàn thiện Cảng hàng không, tuyến đường ven biển, đường bộ cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh, Cam Lộ - Lao Bảo để đưa nguồn khách đến. Đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết với các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ, các trung tâm du lịch lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao…
“Chúng tôi chú trọng đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông - Tây và các tỉnh trong nước, nhất là khu vực duyên hải Miền Trung. Sở VHTTDL, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, các cơ quan chuyên môn của Quảng Trị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Quảng Trị - Savannakhet (Lào) - Mukdahan (Thái Lan); Tăng cường hợp tác liên kết 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên; tham gia thành viên trong liên kết 5 tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình) với chủ điểm Du lịch miền Trung - Miền di sản diệu kỳ. Đồng thời mở rộng ký kết hợp tác với nhiều địa phương, thị trường gửi khách quan trọng đến miền Trung, bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị ký kết với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty Du lịch Saigontourist về các chương trình hợp tác nhằm tăng cường liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch và đưa khách đến Quảng Trị”, ông Hồ Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết.