Ninh Thuận:

Ninh Phước phát triển du lịch để giảm nghèo bền vững

XUÂN HƯỚNG

VHO - Ninh Phước (Ninh Thuận) là địa phương có nhiều tiềm năng, vì vậy, phát triển du lịch văn hóa, cộng đồng, nông nghiệp - nông thôn là giải pháp căn cơ là động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nhất là vùng nghèo, khó khăn.

Ninh Phước phát triển du lịch để giảm nghèo bền vững - ảnh 1
Tháp Pô Rômê là điểm đến nổi tiếng tại huyện Ninh Phước

Nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Ninh Phước là huyện trọng điểm nông nghiệp của tỉnh và có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Các sản phẩm đặc thù của huyện như: nho, táo, măng tây xanh, bò, dê, cừu. Bên cạnh những sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù, huyện Ninh Phước còn có các làng nghề truyền thống: Gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm Chung Mỹ; nhiều địa danh, điểm đến nổi tiếng: Tháp Pô Rômê, đền Pô Inư Nưgar, đồi cát Nam Cương, bãi đá cổ Karang, vườn nho Ba Mọi,…

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh tỉnh Ninh Thuận và Sở, ban, ngành tỉnh, Ninh Phước đã có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ nên đã từng bước phát huy thế mạnh của huyện nông nghiệp và các làng nghề, đặc biệt đã từng bước đa dạng các sản phẩm du lịch nên đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan ngày càng nhiều hơn.

Hiện nay, địa phương đẩy mạnh phát triển làng nghề gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm độc đáo, nhất là hai di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc” và “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận”; đồng thời gắn với phát triển du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm.

Ninh Phước phát triển du lịch để giảm nghèo bền vững - ảnh 2
Du khách tham quan làng gốm Chăm Bàu Trúc ở Ninh Phước

Bên cạnh đó, huyện Ninh Phước tập trung phát triển đồng bộ hai dòng sản phẩm truyền thống phục vụ cho nhu cầu dân sinh, tạo việc làm cho người lao động (NLĐ) và dòng sản phẩm mỹ nghệ theo nhu cầu thị trường.

Hiện nay, các đơn vị lữ hành dễ dàng tiếp cận, khai thác các tuyến điểm du lịch nổi bật, có sức hút đặc biệt phục vụ cho rất nhiều đối tượng khách trong nước, quốc tế như: Nhà trưng bày gốm Bàu trúc – Các cơ sở sản xuất gốm – Đền Pô Klong Chanh – Tháp Pô Rômê – Đền Pô Inư Nưgar; Nhà trưng bày dệt Mỹ nghiệp – Các cơ sở dệt – Đền Pô Ly Yak, Cut – Bãi đá Kazan – Ao sen; Vùng sản xuất măng tây xanh – Đồi cát Nam Cương – Vườn nho Ba Mọi – Trại chăn nuôi dê, cừu Phước Vinh – Hồ Lanh Ra.

Tạo thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững

Ông Ngô Khánh, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên, xây dựng nền kinh tế du lịch theo hướng thân thiện, bền vững là quan điểm xuyên suốt mà du lịch Ninh Phước nói riêng và du lịch Ninh Thuận luôn hướng đến, nhằm mang tới cho du khách những trải nghiệm thú vị, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, nhất là vùng nghèo, khó khăn.

Ninh Phước phát triển du lịch để giảm nghèo bền vững - ảnh 3
Du khách tìm hiểu về làng nghề dệt Mỹ Nghiệp ở huyện Ninh Phước

Theo đó, phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài nên cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương huyện, luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch với điều kiện thực tế của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Yến Thu, Trưởng phòng VHTT huyện Ninh Phước cho biết: Để tạo nguồn lao động phục vụ cho cơ sở du lịch cũng như tạo công ăn việc làm cho NLĐ có thu nhập ổn định, thời gian qua, huyện Ninh Phước đã mở nhiều lớp đào tạo nghề cho NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo như: Nghiệp vụ bếp, Nhân giống lúa, Kỹ thuật trồng nấm,…

 Tính từ đầu năm đến tháng 9.2024, huyện Ninh Phước đã thực hiện giải ngân 14 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn (8 lớp nông nghiệp và 6 lớp phi nông nghiệp, 506 học viên (266 nữ; 111 người thuộc hộ nghèo; 315 người thuộc hộ cận nghèo; 257 người thuộc dân tộc thiểu số), kinh phí thực hiện 1,105 tỉ đồng. Theo đó, nhiều lao động đã tham gia làm việc tại các cơ sở khách sạn, khu du lịch, điểm vui chơi…và có mức thu nhập ổn định.

Ninh Phước phát triển du lịch để giảm nghèo bền vững - ảnh 4
Thiếu nữ Chăm biểu diễn gốm Chăm Bàu Trúc

Ngoài ra, tại địa phương luôn duy trì và phát huy vai trò của các đội biển diễn mã la, múa Chăm, làm gốm Bàu Trúc phục vụ du khách dịp lễ hội. Hàng năm, UBND huyện Ninh Phước phối hợp với Sở VHTTDL mở lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn.

Các hoạt động văn hoá, du lịch đều được quan tâm chú trọng; tạo mọi điều kiện để quần chúng nhân dân, du khách tham gia các hoạt động lễ hội, văn hoá, thể thao; trong năm đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá như: Lễ hội Katê, biểu diễn nghệ thuật múa Chăm, biểu diễn làm gốm Chăm,…thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến địa phương.

Qua các hoạt động văn hóa, du lịch không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho ngươi dân địa phương mà còn góp phần xây dựng nếp sống văn hóa tốt đẹp, giảm nghèo bền vững trong các tầng lớp xã hội.

Ninh Phước phát triển du lịch để giảm nghèo bền vững - ảnh 5
Người dân du khách trải nghiệm Lễ hội Katê

Năm 2023, huyện Ninh Phước đón 478.500 lượt  khách đến tham quan, tăng 18% so với năm 2022; năm 2024,  ước tính có khoảng 550.000 lượt khách đến Ninh Phước tham quan, tăng 15% so vơi năm 2023. Hiện nay, trên địa bàn huyện Ninh Phước có 43 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch bao gồm: Khách sạn, khu du lịch, nhà nghỉ…

Báo cáo công nhận kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021-2025 huyện Ninh Phước cho biết: Cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo 5,51% (2.188 hộ), hộ cận nghèo còn 8,82% (3.503 hộ). Đến cuối năm 2023, tỷ lệ giảm hộ nghèo giảm còn 1,84% (758 hộ), hộ cận nghèo giảm còn 5,70% (2.347 hộ). Đến năm 2024, tổng số hộ nghèo sau điều tra 474 hộ, chiếm tỷ lệ 1,15%, giảm 0,31% so với cuối năm 2023; tổng số hộ cận nghèo 2.068 hộ, chiếm tỷ lệ 5,01%, giảm 0,69% so với cuối  năm 2023. Với kết quả trên, công tác giảm nghèo bền vững UBND huyện Ninh Phước đã đạt và vượt mức chỉ tiêu đề ra.