Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ Hoài Lang năm 2022 thu hút 50.000 lượt khách

VHO- Tối 29.11, tại Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu (TP Bạc Liêu), Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ Hoài Lang năm 2022 đã khép lại sau 3 ngày diễn ra đầy sôi động.

Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ Hoài Lang năm 2022 thu hút 50.000 lượt khách - Anh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu bế mạc Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ Hoài Lang năm 2022 

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết: “Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ Hoài Lang năm 2022 với một chuỗi hoạt động đặc sắc đã thành công tốt đẹp, đạt được đồng thời nhiều mục tiêu như: giới thiệu, quảng bá các đặc trưng của văn hóa - du lịch Bạc Liêu; tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc thông qua việc hội tụ các di sản phi vật thể của Quốc gia và được UNESCO vinh danh”.

Đây được xem là tiền đề quan trọng để Bạc Liêu bứt phá, phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 3 ngày diễn ra ngày hội (từ ngày 27 đến 29.11) lượng khách đến Bạc Liêu tăng gấp hơn 10 lần so với những ngày bình thường, đạt khoảng 50.000 lượt khách tham quan, trong đó có trên 5.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú.

Những hoạt động nổi bật của ngày hội có thể kể đến như: Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Bạc Liêu - tiềm năng và khát vọng phát triển”; các sự kiện mang tính liên kết vùng; hội thảo khoa học Giải pháp phát triển chuỗi giá trị ngành tôm và muối Bạc Liêu…

Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ Hoài Lang năm 2022 thu hút 50.000 lượt khách - Anh 2

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Bạc Liêu năm 2022 với chủ đề “Bạc Liêu - Tiềm năng và khát vọng phát triển”

Trong đó, Hội nghị xúc tiến đầu tư Bạc Liêu năm 2022 với chủ đề “Bạc Liêu - Tiềm năng và khát vọng phát triển” diễn ra ngày 28.11 đã được tổ chức nhằm thu hút các nhà đầu tư tới Bạc Liêu.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trên cả nước; đại diện các cơ quan ngoại giao, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và khách quốc tế; các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước; các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước.

Hội nghị được tổ chức nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bạc Liêu. Từ đó, kêu gọi nguồn lực để đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ - du lịch, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hệ thống dịch vụ hạ tầng logistics...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều cố gắng trong việc thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh. Phó Thủ tướng tin tưởng tỉnh Bạc Liêu nói riêng, bán đảo Cà Mau và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, sẽ có những bước tiến mạnh mẽ, chắc chắn trong tương lai. Đồng thời hi vọng, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục động viên, nắm rõ tâm tư, tháo gỡ các vướng mắc của nhà đầu tư để cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp để các nhà tư khác cũng sẽ đến, để Bạc Liêu trở thành một “miền đất lành”.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành cùng nhau giúp tỉnh Bạc Liêu giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh để địa phương có nhiều tiên phong, đột phá tiếp tục phát huy được vai trò trung tâm của vùng bán đảo Cà Mau.

Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ Hoài Lang năm 2022 thu hút 50.000 lượt khách - Anh 3

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trao Chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư đề xuất thực hiện 13 dự án

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết: Bạc Liêu xác định nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn trong phát triển, trực tiếp là con tôm và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hạt nhân lan tỏa. Đồng thời, tỉnh cũng định hướng ưu tiên liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo, nâng cao chất lượng nông sản, với mục tiêu chung là phát triển nông nghiệp - nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là trọng tâm của công nghiệp tỉnh.

Bạc Liêu là địa phương có bề dày truyền thống văn hóa, là một trong những cái nôi của Đờn ca tài tử Nam bộ. Tỉnh có nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử và phong tục tập quán hình thành từ sự gắn bó hòa quyện của cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, với nhiều điểm du lịch nổi trội là những lợi thế đặc biệt, riêng có. Tỉnh đang trên đà phát triển, là tiền đề đưa du lịch Bạc Liêu trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, Bạc Liêu có vị trí địa lý nằm giữa, cách trung tâm các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng trong phạm vi bán kính 60km, là khu vực có dân số khá đông, đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và đồng đều, nên Bạc Liêu cũng đã xác định vị trí trung tâm trong khu vực Tiểu vùng bán đảo Cà Mau để cùng nhau liên kết, phát triển theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Để Bạc Liêu đạt được mục tiêu “trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL vào năm 2025 và tỉnh khá trong cả nước vào năm 2030” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh thì việc khai thác tối đa tiềm năng lợi thế để mời gọi đầu tư là con đường duy nhất để Bạc Liêu phát triển bằng các tỉnh, thành phố khác. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, với tất cả những lợi thế trên, Bạc Liêu chắc chắn sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn và mang lại lợi ích bền vững cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ hội nghị, UBND tỉnh Bạc Liêu đã trao Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư đề xuất thực hiện 13 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 17.000 tỉ đồng. Bạc Liêu cũng ưu tiên mời gọi đầu tư 10 dự án trọng điểm có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ Hoài Lang năm 2022 thu hút 50.000 lượt khách - Anh 4

Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 diễn ra thành công và đạt được cùng lúc nhiều mục tiêu

Sáng 29.11, tại TP. Bạc Liêu, Ban tổ chức Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 đã tổ chức Hội thảo phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đồng bào dân tộc Khmer khu vực vườn nhãn và chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu).

Khu vực vườn nhãn và chùa Xiêm Cán của Bạc Liêu được đánh giá rất giàu tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Tuy nhiên, các giải pháp phát triển chưa có tính đột phá để thúc đẩy lĩnh vực kinh tế quan trọng này.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy nhận định, Hội thảo lần này là cơ hội để du lịch Bạc Liêu tiếp thu những ý kiến quan trọng từ các chuyên gia tư vấn du lịch, góp phần định hướng phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh một cách phù hợp với tiềm năng, lợi thế của khu vực vườn nhãn và vùng phụ cận ven biển. Đồng thời, giúp đổi mới, sáng tạo, tăng tính hiệu lực và hiệu quả theo hướng phát triển du lịch bền vững.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp để phát triển du lịch Bạc Liêu theo hướng bền vững, sáng tạo trong thời gian tới gồm: khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động đầu tư cho du lịch; tổ chức các lớp dạy nghề, hướng nghiệp và tuyển dụng người dân địa phương vào làm du lịch; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân vùng ven biển…

BÌNH THUẬN

Ý kiến bạn đọc