Ngành khách sạn trước nỗi lo thiếu nguồn nhân lực

VHO-Trong khi hoạt động du lich đang dần phục hồi trở lại sau dịch Covid-19 thì hàng loạt khách sạn, cơ sở lưu trú trong cả nước, đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên lại đang lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động trần trọng. Việc phát triển nguồn nhân lực ngành khách sạn để đảm bảo các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới đang là bài toán khó và hết sức cần thiết.

Ngành khách sạn trước nỗi lo thiếu nguồn nhân lực - Anh 1

Khách sạn ở Nha Trang trước thách thức thiếu ngồn lao động

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Du lịch đã có sự tăng trưởng ấn tượng. 8 tháng năm 2022, du lịch nội địa đạt hơn 79,8 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu cả năm 2022 đã đề ra (60 triệu) và gần bằng cả năm 2019 (năm cao kỷ lục của du lịch Việt Nam từ trước đến nay); thị trường khách quốc tế đang dần hồi phục. Chính vì sự tăng trưởng “nóng” trong thời gian ngắn đã khiến ngành khách sạn thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân viên buồng phòng. Những trung tâm du lịch lớn như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Lâm Đồng… đều rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân viên buồng phòng trong những ngày cuối tuần.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Bộ VHTTDL) cho biết: Hiện nay, cả nước có 35.000 cơ sở lưu trú, với 780.000 phòng, nhu cầu nhân lực của ngành khách sạn là rất lớn. Theo quy định của ngành Du lịch, bình quân các khách sạn cần 0,96 lao động/phòng (mỗi hạng sao sẽ có những quy chuẩn riêng); căn hộ du lịch là 1 lao động/căn hộ; các nhà nghỉ, homestay cần 0,69 lao động/phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều khách sạn, căn hộ, nhà nghỉ du lịch các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và cả nước chưa đạt tỷ lệ lao động như trên. Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nhân lực của ngành khách sạn cũng còn hạn chế, nhất là về ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kinh nghiệm thực tế.

Theo dự tính của các chuyên gia du lịch, trong năm 2023, khi đại dịch Covid-19 được khống chế, thị trường du lịch quốc tế sẽ sôi động hơn, đồng nghĩa với việc các khách sạn cần nhiều nhân lực hơn. Ông Võ Quang Hoàng - Giám đốc Khách sạn Ariyana, Chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hòa cho rằng, để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp cần phải dành kinh phí để tái đầu tư nâng cao số lượng và chất lượng nhân lực. Không thể lấy lý do dịch Covid-19 mà yêu cầu người lao động tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp phải có gói tài chính để xây dựng chính sách phúc lợi đủ tốt, tạo niềm tin để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài; tổ chức đào tạo lại, đào tạo mới những người mới tuyển dụng; tổ chức tập huấn để phù hợp với những thị trường khách mới…

Ngành khách sạn trước nỗi lo thiếu nguồn nhân lực - Anh 2

Lao động buồng phòng khách sạn đang khan hiếm và thiếu hụt

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho rằng: Khánh Hòa đang phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của cả nước, nhu cầu về nhân lực ngành khách sạn là rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động sau đại dịch Covid-19 đang khiến ngành khách sạn địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Theo bà Thanh, hiện nay ngành khách sạn địa phương đang cố gắng kiện toàn đội ngũ nhân sự các cấp; phát triển nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản trị cấp cao; tiêu chuẩn hóa nhân lực trong cơ sở lưu trú du lịch. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cũng mong muốn, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực khách sạn cần tăng cường liên kết doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nhân lực đầu ra. Các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú chủ động tái đào tạo để nâng cao chất lượng, nắm bắt sự chuyển hướng thị trường du lịch để có sự chuẩn bị nhân sự phù hợp. Đặc biệt, các khách sạn cần xây dựng môi trường làm việc tích cực, triển khai những hoạt động tôn vinh - khen thưởng nhân viên thường xuyên, xây dựng các hoạt động gắn kết trong bộ phận và những chương trình phát triển nhân viên cụ thể để giữ lửa nghề…

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc