Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ 2 năm 2024:

Ngành Du lịch bội thu

TẠ DŨNG; ảnh: SỞ DU LỊCH TPHCM

VHO - Sau 10 ngày tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, đặc sắc, Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ 2 năm 2024 chính thức bế mạc. Qua hai lần tổ chức có thể khẳng định đây là sự kiện lễ hội của người dân và du khách, sự kiện thường niên lớn nhất của ngành Du lịch Thành phố, tạo được dấu ấn trong lòng người dân Thành phố và khách du lịch.

Lượng du khách tăng kỷ lục

Lễ hội có sự đầu tư sâu về chất lượng nội dung chương trình, đa dạng hóa cách thức tổ chức thành chuỗi các hoạt động hấp dẫn, công tác an ninh, an toàn được đặt lên hàng đầu…

Sau 10 ngày tổ chức với gần 20 hoạt động trong khuôn khổ sự kiện, Lễ hội sông nước TP.HCM năm 2024 đã đón 4,5 triệu lượt người dân và du khách tham dự. Tổng số khách đến TP.HCM từ ngày 31.5 – 9.6 là 1.301.000 lượt, trong đó khách quốc tế 121.000 lượt, khách nội địa đạt 1.180.000 lượt; Doanh thu du lịch và dịch vụ đạt 4.250 tỉ đồng.

Ngành Du lịch bội thu - ảnh 1
Lần thứ 2 tổ chức, Lễ hội sông nước TP.HCM đã bội thu cả về chất và lượng

Lượng khách của các doanh nghiệp kinh doanh đường thuỷ (ẩm thực, vận chuyển,…) tăng bình quân 20% so với lượng khách hàng ngày. Đồng thời, theo ghi nhận từ các doanh nghiệp dịch vụ đường thuỷ, sau Lễ hội sông nước lần thứ nhất năm 2023, lượng khách đường thủy tăng bình quân từ 25-40%.

Ngành Du lịch bội thu - ảnh 2

Theo báo cáo của các doanh nghiệp lữ hành, lượng khách trong dịp diễn ra Lễ hội tăng từ 40% -  50% so với thường kỳ; nhiều khu điểm du lịch cũng báo cáo kết quả khách tham quan tăng so với cùng kỳ, trong đó Bảo tàng Hồ Chí Minh tăng 103%, Địa đạo Củ Chi tăng 423%, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tăng 21%… cho thấy hiệu quả tích cực mà Lễ hội sông nước mang lại cho ngành Dịch vụ và Du lịch Thành phố.

Ngành Du lịch bội thu - ảnh 3

Ngoài ra, Lễ hội đã tạo được “làn sóng” hưởng ứng mạnh mẽ trên báo đài, mạng xã hội và các kênh truyền thông.

Theo thống kê, sự kiện đã nhận được 4.435 lượt tin, bài trong nước và quốc tế, trong đó 3.525 tin, bài của 100 cơ quan báo chí trên cả nước và 910 lượt tin bài trên các cơ quan báo chí nước ngoài.

Sự kiện cũng nhận được sự hỗ trợ truyền thông trực quan thông qua màn hình led, LCD trên cả nước với hơn 13.000 màn hình/750 triệu lượt tiếp cận trong vòng 15 ngày (trung bình 50 triệu lượt/ngày). Sự kiện cũng thu hút hơn 43 triệu lượt like, view trên mạng xã hội.

Ngành Du lịch bội thu - ảnh 4

Điểm nhấn của đêm khai mạc Lễ hội là chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dòng sông kể chuyện” mùa 2 có chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại”.

Với sự kết hợp của những chuyên gia lịch sử - văn hóa – kinh tế - sân khấu - mỹ thuật hàng đầu và những đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo tên tuổi, cùng sự tham gia của 1.000 diễn viên, ứng dụng các kỹ xảo, kỹ thuật hiện đại... với quy mô hoành tráng cùng nhiều yếu tố bất ngờ, chương trình đã nhanh chóng tạo thành “cơn sóng” trên các diễn đàn mạng xã hội khi thu hút hơn 157.100 lượt tương tác và 36.500 lượt thảo luận ngay khi vừa khai mạc, lập tức trở thành tin tức được quan tâm nhiều nhất trên mạng xã hội theo thống kê từ kênh YouNet Media, ngày 31.5.

Ngành Du lịch bội thu - ảnh 5

Ngoài ra, đêm khai mạc Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ 2 năm 2024 thu hút sự quan tâm của công chúng bởi các hoạt động đặc sắc như: Chương trình pháo hoa nghệ thuật – lần đầu tiên có đến 3 điểm bắn pháo hoa trên sông Sài Gòn và được bắn nối tiếp nhau, bắn pháo hoa kết hợp diễu hành thuyền, cùng công nghệ trình diễn drone đã thắp sáng cả bầu trời nơi dòng sông di sản của TP.HCM.

Tôn vinh giá trị văn hoá, du lịch

Bên cạnh yếu tố lịch sử được tôn vinh và lan toả trong chương trình nghệ thuật “Chuyến tàu huyền thoại”, chuỗi hoạt động giải trí, ẩm thực, mua sắm diễn ra trong suốt 10 ngày cũng đã thành công trong việc truyền tải hình ảnh và tôn vinh giá trị văn hoá, du lịch của TP.HCM và vùng Nam Bộ với những bản sắc, tinh hoa đặc trưng theo chiều dài lịch sử của miền đất và con người. Mỗi hoạt động là một điểm nhấn tạo ấn tượng và lan toả ý nghĩa đến người dân và du khách. 

Ngành Du lịch bội thu - ảnh 6

Không gian trên bến dưới thuyền tại Bến Nội Đô kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Quận 1 đã tái hiện chân thực nhất về Không gian chợ nổi miền Tây Nam Bộ xưa. Qua đó giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, văn hóa ẩm thực truyền thống của các vùng miền đến với du khách và người dân Thành phố.

Đặc biệt, trong năm nay còn có chuỗi hoạt động “Mỹ vị chợ nổi” lan toả thông điệp TP. Hồ Chí Minh không chỉ là thành phố năng động, hiện đại, mà câu chuyện văn hóa, lịch sử của vùng đất này cũng góp phần định vị thương hiệu du lịch thành phố, một đô thị sông nước giàu bản sắc, đa văn hóa.

Ngành Du lịch bội thu - ảnh 7

Tuần lễ trái cây “Trên bến dưới thuyền” tại Bến Bình Đông, Phường 13, Quận 8 đã thành công khi tái hiện khung cảnh sông nước sống động mang đậm nét văn hóa miền Tây đặc trưng, với sự tham gia của 118 gian hàng, đến từ các tỉnh Tây Nam Bộ. Đã thu hút 2,2 triệu lượt người dân, du khách đến tham quan, mua sắm, tổng doanh thu là 4 tỉ đồng, sản lượng tiêu thụ tăng 05 tấn hàng hoá sản phẩm so với năm 2023. Hoạt động đã góp phần quảng bá cho người dân, du khách và các tỉnh, thành biết đến nhiều hơn về thương hiệu các đặc sản vùng miền, các loại trái cây Nam Bộ trong dịp Tết Đoan Ngọ - Giáp Thìn năm 2024.

Ngành Du lịch bội thu - ảnh 8

Lễ hội trái cây Nam Bộ tại Khu du lịch Văn hoá Suối Tiên đã diễn ra thành công tốt đẹp, đặc biệt có sự tham gia của Tổng Lãnh sự Lãnh sự Quán các nước Cuba, Lào, Italia, Trung Quốc, Hungary, Vương quốc Campuchia, Indonesia, Ấn Độ tại TP.HCM, đại diện các Hiệp hội hữu nghị các nước góp phần nâng tầm hội nhập quốc tế mở ra hành trình khám phá đầy thú vị với nhiều hoạt động đặc sắc mang đậm sắc màu văn hóa đa quốc gia.

Chợ trái cây đặc sản với gần 50 gian hàng, cùng với hơn 20 đơn vị nhà vườn, các doanh nghiệp, hợp tác xã từ các tỉnh thành về tham dự với giá rẻ hơn thị trường từ 20% - 30%.

Ngành Du lịch bội thu - ảnh 9

Không gian văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian đã giới thiệu đến công chúng các loại hình di sản văn hóa, được tổ chức UNESCO vinh danh như: Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, hát xẩm, hát chầu văn, ca trù, quan họ Bắc Ninh, Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên ... cùng các điệu múa dân gian của các dân tộc: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer… góp phần khẳng định TP.HCM là trung tâm văn hóa của đất nước và là nơi nuôi dưỡng bao loại hình dân gian, dân tộc vô cùng độc đáo và quý báu, góp phần tạo nên diện mạo văn hóa TP.HCM đa dạng sắc màu.

 Mãn nhãn với màn trình diễn drone lớn nhất

Ngành Du lịch bội thu - ảnh 10
Màn trình diễn drone lớn nhất trên bầu trời TP.HCM

Tiếp nối thành công của màn biểu diễn thiết bị không người lái (Drone) trên bầu trời Thành phố đã thu hút sự quan tâm và phản hồi tích cực của công chúng tại đêm khai mạc Lễ hội, Ban Tổ chức tiếp tục vẽ lên bầu trời Thành phố những bức tranh bằng nhiều màu sắc ánh sáng của 1.100 Drone – số lượng drone lớn nhất từ trước đến nay tại TP.HCM.

Ngành Du lịch bội thu - ảnh 11

Với thời lượng khoảng 15 phút trên dòng sông Sài Gòn, 1.100 drone đã trình diễn ánh sáng nghệ thuật xếp thành các biểu tượng đặc trưng của TP.HCM. Truyền tải thông điệp về một Thành phố năng động, hiện đại, không ngừng hướng tới tương lai nhưng vẫn nâng niu, trân trọng quá khứ và lưu giữ những nét văn hoá riêng có; một Thành phố đa sắc màu, giàu bản sắc, thành phố của những lễ hội; Hành trình tương lai rộng mở với những kết nối hiện đại, thay đổi diện mạo thành phố.

Ngành Du lịch bội thu - ảnh 12

Ngoài ra, trong đêm bế mạc Lễ hội còn có sự kết hợp với trình diễn các môn thể thao dưới nước và ánh sáng nghệ thuật với 100 vận động viên biểu diễn 100 phương tiện thể thao (gồm 7 thuyền buồm sailing, 20 mô tô nước, 30 chèo sub, 20 ván phản lực, 5 fly board; 10 thuyền ván diều, 5 dù lượn) cùng sự tham gia hưởng ứng của đoàn 15 ca nô, tàu nhà hàng, du thuyền, buýt sông, buýt sông 2 tầng diễu hành phục vụ người dân và du khách tại khu vực Bến Bạch Đằng. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc