Một cung đường - hai điểm đến công viên địa chất toàn cầu

HOÀNG OANH; ảnh: Sở VHTTDL Hà Giang

VHO - Để phát huy giá trị văn hóa, di sản gắn với phát triển du lịch, định vị thương hiệu Hà Giang trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, tỉnh Hà Giang đang tập trung xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch mới: Một cung đường - hai điểm đến công viên địa chất toàn cầu UNESCO - Cao nguyên đá Đồng Văn và Non nước Cao Bằng.

Một cung đường - hai điểm đến công viên địa chất toàn cầu - ảnh 1
Cảnh quan hùng vĩ trên Cao nguyên đá Đồng Văn

Một cung đường hai công viên địa chất toàn cầu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030, Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Khu du lịch quốc gia, thu hút 5 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ du lịch ước đạt 20.600 tỉ đồng, đóng góp 14,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn; tạo việc làm cho trên 20.000 lao động trực tiếp”.

Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới công viên địa chất UNESCO toàn cầu năm 2010. Cũng từ thời điểm này, Hà Giang hình thành thương hiệu du lịch thông qua việc khai thác giá trị di sản quốc tế, gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa 19 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn. Ông Trần Đức Quý cho rằng, xây dựng được thương hiệu đã khó, giữ vững được thương hiệu còn khó hơn. Vì thế, chúng tôi đã bằng mọi cách tháo gỡ điểm nghẽn, đưa ra các giải pháp căn cơ, phát huy tối đa thế mạnh về tài nguyên du lịch để Hà Giang phát triển xanh và bền vững; tăng cường mở rộng hợp tác phát triển trong liên kết vùng.

Mới đây, Sở VHTTDL Hà Giang phối hợp với HHDL Việt Nam tổ chức chương trình khảo sát xây dựng, quảng bá, khai thác sản phẩm liên kết vùng Đông - Tây Bắc. Trong đó, điểm nhấn là 2 công viên địa chất toàn cầu UNESCO - Cao nguyên đá Đồng Văn và Non nước Cao Bằng. Với hành trình Hà Nội - TP Cao Bằng - Bảo Lạc (Cao Bằng) - Mèo Vạc - Đồng Văn - Quản Bạ - TP Hà Giang (Hà Giang) - Hà Nội. Trước đó, Ban quản lý công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và Ban quản lý công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng đã thống nhất xây dựng con đường du lịch trải nghiệm số 5 kết nối 2 điểm đến này qua huyện Mèo Vạc (Hà Giang) và huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng).

PGS.TS Trần Tân Văn, Ủy viên Hội đồng Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu đánh giá, đây là tuyến du lịch đầu tiên kết nối 2 công viên địa chất trên thế giới. Tuyến kết nối này có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển và quảng bá công viên địa chất của Việt Nam ra khu vực và thế giới. Đặc biệt là sẽ tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm tuyến tham quan khép kín hai công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và Non nước Cao Bằng.

Theo các chuyên gia, trên tuyến này có rất nhiều điểm tham quan hấp dẫn, tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa các dân tộc độc đáo như: Điểm quan sát toàn cảnh thị trấn Mèo Vạc, HTX Gia Hoàng, Mê cung đá, Di tích Bốt Pháp, Lòng hồ Thủy điện Nho Quế 3, chợ Phong lưu Khâu Vai, Miếu Ông - Miếu Bà, Hoang mạc đá, Hóa thạch Huệ biển Lũng Pù, Hố sụt, Tuyến đi bộ vào khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán, Điểm dừng chân Ngắm toàn cảnh Hồ thủy điện Bảo Lâm 3, Cây thiêng (Cây đa cổ thụ), Điểm dừng chân ngắm toàn cảnh sông Nhiệm…

Triển khai tuyến thứ 5 công viên địa chất toàn cầu UNESCO, 2 công viên đã thực hiện thỏa thuận ký kết hợp tác về việc phát huy giá trị mô hình công viên địa chất toàn cầu UNESCO trong thúc đẩy phát triển liên kết sản phẩm du lịch giữa 2 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng. Cùng xây dựng, quảng bá những sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản và cải thiện sinh kế cho người dân 2 địa phương.

Một cung đường - hai điểm đến công viên địa chất toàn cầu - ảnh 2
Cột cờ Lũng Cú (huyện Đồng Văn)

Hợp tác để tạo “sân chơi” đẳng cấp

Đến nay, tỉnh Hà Giang đã hình thành ba không gian du lịch gắn với những sản phẩm đặc trưng, riêng có. Trong đó, không gian du lịch đồi núi thấp (TP Hà Giang, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình) gắn với sản phẩm du lịch thương mại, du lịch nông nghiệp và đặc biệt là sản phẩm du lịch tâm linh lịch sử và tín ngưỡng; không gian du lịch đồi núi đá phía Bắc (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) đây là vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và cũng là khu vực phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh, là vùng đã được quy hoạch xây dựng để trở thành Khu du lịch quốc gia. Khu vực đồi núi đá phía Bắc gắn liền với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và thể thao mạo hiểm; không gian du lịch đồi núi đất phía Tây (Hoàng Su Phì, Xín Mần) gắn với Di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Với ba không gian du lịch này đã và đang được hình thành và phát triển đáp ứng nhu cầu du khách trong nước và quốc tế.

Từ một điểm đến ít người biết đến 15 năm trước, tới nay Cao nguyên đá Đồng Văn đã khởi sắc, phát triển, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước và quốc tế. Các điểm di sản, giá trị văn hóa được xây dựng trở thành các sản phẩm, điểm du lịch đa dạng, độc đáo, đặc trưng như: Cột cờ Lũng Cú, di tích Nhà Vương, phố Cổ Đồng Văn, hẻm Tu Sản, đèo Mã Pì Lèng; lễ hội khèn Mông, chợ phong lưu Khâu Vai; Làng văn hóa dân tộc Nặm Đăm, Pả Vi, Lô Lô Chải; Khu nghỉ dưỡng Làng Mông - Quản Bạ... và nhiều sản phẩm ẩm thực, nông sản, đặc sản địa phương.

TS Vũ Nam (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) gợi ý, Hà Giang cần sớm xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn thành Khu du lịch quốc gia, TP Hà Giang trở thành thành phố du lịch, trung tâm kết nối du lịch của tỉnh. Đồng thời, cần định hướng Hà Giang là điểm đến chất lượng cao phù hợp với nhiều thị trường khách du lịch mục tiêu trong nước và quốc tế, tập trung chủ yếu vào các giá trị văn hóa, di sản của đồng bào dân tộc thiểu số và các giá trị, cảnh quan của công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. “Trong đó, kết hợp với công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng để phát triển các sản phẩm có lợi thế, đặc thù của địa phương, phù hợp với thị trường mục tiêu, tạo vị thế cạnh tranh cao trong nước và quốc tế”, TS Vũ Nam nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên chi hội lữ hành Việt Nam cho rằng: “Việc liên kết 2 công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn và Non nước Cao Bằng chắc chắn sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn. 2 điểm đến này sẽ tạo sức hút có sức cạnh tranh với các địa phương khác qua các tour du lịch địa chất. Cùng là địa chất nhưng thực ra công viên địa chất Hà Giang và Cao Bằng có nhiều giá trị, cảnh quan khác nhau. Khách đến Hà Giang sẽ đến Cao Bằng và ngược lại”.

Việc khai thác các giá trị cốt lõi, sản phẩm du lịch đặc sắc, theo hướng xanh và bền vững đã một lần nữa khẳng định thương hiệu du lịch Hà Giang, điểm đến mới nổi châu Á, từ đó, định vị du lịch Hà Giang trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Cảnh quan hùng vĩ của Hà Giang là những giá trị đặc thù, duy nhất, lớn nhất, mạnh nhất để cạnh tranh với các điểm đến khác trong cả nước và thế giới. Từ đó, giúp tỉnh tìm ra các sản phẩm du lịch chủ lực dựa trên thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đặc sắc.

Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành cho rằng, Việc Hà Giang và Cao Bằng kết nối 2 công viên địa chất toàn cầu là ý tưởng rất hay để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, đẳng cấp. Nếu làm tốt sẽ khẳng định thương hiệu du lịch của 2 tỉnh và thu hút nguồn lực để phát triển du lịch ở địa phương. 

Ý kiến bạn đọc