Mastercard mong muốn cùng ngành Du lịch thúc đẩy tăng trưởng

THUỶ TRÚC

VHO - Ngày 27.5, tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã có buổi tiếp và làm việc với ông Sharad Jain, Quyền Trưởng Đại diện Mastercard tại Việt Nam nhằm trao đổi về định hướng hợp tác, đồng hành cùng ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Mastercard mong muốn cùng ngành Du lịch thúc đẩy tăng trưởng - ảnh 1
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh (trái) đã có buổi tiếp và làm việc với ông Sharad Jain, Quyền Trưởng Đại diện Mastercard tại Việt Nam

Tham dự buổi làm việc có Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu và đại diện các đơn vị trực thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Hướng đi chiến lược trong kỷ nguyên số

Cuộc gặp gỡ không chỉ khẳng định mối quan tâm sâu sắc của Mastercard tới thị trường du lịch Việt Nam, mà còn mở ra triển vọng mới trong việc ứng dụng công nghệ tài chính, dữ liệu lớn và marketing hiện đại vào xúc tiến điểm đến.

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành du lịch Việt Nam đang từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động xúc tiến, chuyển dịch từ mô hình quảng bá truyền thống sang tiếp cận dựa trên dữ liệu và hành vi tiêu dùng.

Đại diện Mastercard, ông Sharad Jain đánh giá cao tiềm năng của du lịch Việt Nam trong bối cảnh hậu đại dịch: “Theo dữ liệu từ Mastercard, sau đại dịch Covid-19, Việt Nam là nước có tốc độ hồi phục hàng đầu khu vực Đông Nam Á”.

Ông cho biết các thị trường trọng điểm như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc... đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, với những điểm đến nổi bật như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hạ Long, Phú Quốc, Nha Trang đều được du khách quốc tế ưa chuộng và có mức chi tiêu cao.

Mastercard hiện không chỉ là thương hiệu toàn cầu về cung cấp giải pháp tài chính và thanh toán, mà còn nổi bật với năng lực phân tích dữ liệu thị trường, thiết kế giải pháp marketing dựa trên hành vi người tiêu dùng và khả năng kết nối đa ngành.

“Dựa vào các dữ liệu phân tích về đặc điểm, nhu cầu, chi tiêu của du khách cho lưu trú, đi lại, mua sắm, giải trí, ăn uống… sẽ giúp hiểu rõ hơn về hành vi chi tiêu của các thị trường khách quốc tế khi du lịch ở Việt Nam, để từ đó lập kế hoạch, chiến lược thu hút du khách quốc tế, nâng cao trải nghiệm và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách”, ông Sharad Jain nhấn mạnh.

Việt Nam cần dữ liệu chiến lược để đón làn sóng du khách quốc tế

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao đề xuất hợp tác của Mastercard, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng thế mạnh từ các tập đoàn toàn cầu.

“Với vị thế là tập đoàn hàng đầu thế giới, Mastercard có thể góp phần hiệu quả thúc đẩy truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc cung cấp những thông tin hữu ích cho du khách quốc tế tìm hiểu và quyết định lựa chọn Việt Nam làm điểm đến trong thời gian tới”, ông Khánh nói.

Ông cho rằng một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch hiện nay là quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới. “Du khách quốc tế chính là những đại sứ quảng bá du lịch hiệu quả nhất”, ông Khánh nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh điểm đến ngày càng gay gắt, việc nắm bắt xu hướng thị trường, thị hiếu khách hàng và hành vi tiêu dùng dựa trên dữ liệu lớn sẽ giúp Việt Nam điều chỉnh chính sách và hoạt động quảng bá một cách hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực.

Cục trưởng cũng nhận định, du khách quốc tế hiện đang có xu hướng khám phá những điểm đến mới, do đó các chiến lược xúc tiến cũng cần đổi mới, linh hoạt và dựa trên dữ liệu cụ thể từ từng thị trường.

Mastercard mong muốn cùng ngành Du lịch thúc đẩy tăng trưởng - ảnh 2
Việc hợp tác với Mastercard là cực kỳ cần thiết để du lịch không chỉ phục hồi, mà còn bứt phá bền vững

Tăng cường năng lực xúc tiến qua công nghệ và phân tích thị trường

Tại buổi làm việc, bà Thủy Trần, đại diện Mastercard khẳng định cam kết hợp tác lâu dài với ngành du lịch Việt Nam: “Mastercard sẵn sàng chung tay cùng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam triển khai các hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế, nâng cao trải nghiệm du khách, góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam”.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cũng đánh giá cao những đề xuất cụ thể của đối tác, đặc biệt là trong việc cung cấp báo cáo phân tích hành vi và chi tiêu của khách quốc tế, coi đó là nguồn tài nguyên thông tin quý giá để xây dựng kế hoạch xúc tiến thị trường.

Ông đề nghị hai bên cần phối hợp xây dựng bộ chỉ số đánh giá kết quả triển khai các hoạt động hợp tác, từ đó đảm bảo chất lượng, hiệu quả của chương trình.

Đây là hướng đi đúng trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch chuyên sâu và chưa khai thác hiệu quả dữ liệu từ hành vi chi tiêu, thị hiếu tiêu dùng của du khách để điều chỉnh chiến lược.

Sự vào cuộc của các đối tác công nghệ tài chính như Mastercard sẽ giúp ngành du lịch tiếp cận được kho dữ liệu thực tế, giúp “định lượng” thị trường thay vì chỉ cảm tính và phán đoán như trước đây.

Kỳ vọng về hợp tác dài hạn và hiệu quả

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, những đề xuất của Mastercard có ý nghĩa thiết thực trong nhiều khâu: nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu và thị hiếu du khách; hỗ trợ hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước; tổ chức hội thảo, tọa đàm; đẩy mạnh truyền thông kỹ thuật số và đặc biệt là ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm du khách.

Ông Khánh khẳng định: “Mastercard là tập đoàn có uy tín hàng đầu thế giới, cung cấp các giải pháp về tài chính, công nghệ, marketing và truyền thông cùng một số lĩnh vực khác”.

Việc bắt tay với một tập đoàn toàn cầu như Mastercard sẽ không chỉ giúp quảng bá điểm đến Việt Nam hiệu quả hơn, mà còn giúp ngành Du lịch bước vào giai đoạn phát triển dựa trên công nghệ và dữ liệu.

“Việt Nam là điểm đến thương hiệu nổi bật và ngày càng nhận được sự quan tâm, chú ý trên toàn cầu. Hoạt động hợp tác giữa hai bên sẽ là một bước tiến mới cho du lịch Việt Nam”, Cục trưởng nhấn mạnh.

Để triển khai các nội dung hợp tác, Cục trưởng cho biết sẽ giao đơn vị đầu mối làm việc cụ thể với Mastercard, đồng thời báo cáo Lãnh đạo Bộ VHTTDL để xin ý kiến chỉ đạo.

Ông kỳ vọng chương trình hợp tác sẽ sớm được triển khai trên thực tế thông qua những hoạt động cụ thể, mang lại kết quả rõ ràng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững của du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Cuộc làm việc giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Mastercard là một bước tiến chiến lược trong việc hiện đại hóa hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia.

Đây là hình mẫu của hợp tác công - tư hiệu quả, trong đó nhà nước nắm định hướng, còn doanh nghiệp cung cấp công cụ hiện đại để tối ưu hóa thực hiện.

Việc sử dụng dữ liệu chi tiêu du khách như một chỉ số “đo cảm xúc thị trường” không chỉ giúp hoạch định chính sách mà còn tạo tiền đề phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đón 35 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030, những hợp tác như với Mastercard là cực kỳ cần thiết để du lịch không chỉ phục hồi, mà còn bứt phá bền vững.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc