Lý do người dân châu Phi khó xin thị thực đến châu Âu?

HỒNG NHUNG

VHO - Trong năm 2024, người dân từ các quốc gia châu Phi đã mất gần 70 triệu USD (khoảng hơn 1.800 tỷ) chỉ vì bị từ chối cấp thị thực ngắn hạn (visa Schengen) đến châu Âu.

Lý do người dân châu Phi khó xin thị thực đến châu Âu? - ảnh 1
Ước tính, các nước châu Phi đã mất 60 triệu euro tiền phí thị thực Schengen khi liên tục bị từ chối vào năm 2024, theo phân tích từ LAGO Collective. Ảnh: Fadel Senna/AFP/Getty Images

Khi đơn xin thị thực Schengen để đi Barcelona của Joel Anyaegbu bị từ chối vào cuối năm ngoái, anh đã rất ngạc nhiên và sau đó quyết định nộp đơn lại ngay lập tức. 

Anh cũng bổ sung thêm nhiều giấy tờ hơn so với yêu cầu, bao gồm cả sao kê ngân hàng và bằng chứng về quyền sở hữu tài sản tại Nigeria.

Anyaegbu nằm trong số 50.376 đơn xin thị thực Schengen lưu trú ngắn hạn tại Nigeria bị từ chối vào năm ngoái, chiếm gần một nửa tổng số đơn nộp, theo dữ liệu mới công bố từ Ủy ban Châu Âu.

Người nộp đơn trên khắp thế giới phải trả lệ phí thị thực không hoàn lại là 90 euro (khoảng 100 đô la) để xin thị thực Schengen.

Tuy nhiên, chỉ riêng người Nigeria đã mất hơn 4,5 triệu euro (khoảng 5 triệu đô la) để xin thị thực du lịch đến 29 quốc gia châu Âu thuộc Khu vực Schengen.

Tổng cộng, các quốc gia châu Phi đã mất 60 triệu euro (67,5 triệu đô la) phí thị thực Schengen khi bị từ chối vào năm 2024, theo phân tích từ LAGO Collective. 

LAGO Collective đã theo dõi dữ liệu về thị thực ngắn hạn của châu Âu kể từ năm 2022. LAGO Collective cho rằng châu Phi là châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chi phí từ chối thị thực.

"Đôi khi các quốc gia nghèo phải trả tiền cho các quốc gia giàu vì không xin được thị thực", người sáng lập LAGO Collective Marta Foresti nói với CNN. 

Theo bà Foresti, cũng giống như năm 2023, người dân ở quốc gia nghèo nộp đơn xin thị thực thường bị từ chối cao.

Các quốc gia châu Phi, đặc biệt là các quốc gia như Ghana, Senegal và Nigeria khả năng bị từ chối lên tới 40%-50%. Bà cho biết điều này cho thấy có "sự phân biệt đối xử" trong quá trình xin thị thực.

Tuy nhiên, Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho rằng các quốc gia thành viên thường xem xét đơn xin thị thực theo từng trường hợp cụ thể. 

"Mỗi hồ sơ nộp đều được những người ra quyết định giàu kinh nghiệm đánh giá dựa trên giá trị riêng của hồ sơ, đặc biệt là về mục đích lưu trú, khả năng tài chính và mong muốn của người nộp đơn có quay trở lại quốc gia cư trú sau chuyến thăm EU hay không", Người phát ngôn cho biết qua email.

Quá trình đánh giá hồ sơ

Người dân châu Phi từ lâu đã phàn nàn về những quyết định không nhất quán, đôi khi khó hiểu về quá trình phê duyệt hồ sơ nộp đơn xin thị thực đến châu Âu.

Cameroonian Jean Mboulé sinh ra ở Pháp. Anh và vợ đều nộp đơn xin thị thực với giấy tờ giống nhau vào năm 2022.

Tuy nhiên, hồ sơ của anh đã bị từ chối trong khi giấy tờ của vợ anh được chấp thuận.

“Lúc đó vợ tôi đang trong tình trạng thất nghiệp nhưng có hộ chiếu Nam Phi. Cô ấy không có thu nhập nhưng lại được chấp thuận sau bản kê khai tài chính của tôi”, anh nói với CNN.

Mboulé nói rằng Đại sứ quán từ chối đơn của tôi vì giấy tờ vì đánh giá lời khai không đúng sự thật. Họ cũng nói rằng không chắc tôi có quay lại Nam Phi, nếu tôi đến Pháp hay không.

Mboulé đã khởi kiện tại tòa án Pháp và thắng kiện, buộc đại sứ quán Pháp tại Johannesburg phải cấp thị thực và nộp cho anh khoản tiền phạt 1.200 euro.

Cameroonian Jean Mboulé nói tại tòa án hành chính thành phố Nantes của Pháp rằng quyết định từ chối cấp thị thực của đại sứ quán không đủ cơ sở.

Tuy nhiên, trường hợp của người Cameroon chỉ là hi hữu vì nhiều người châu Phi bị từ chối thị thực Schengen hiếm khi kháng cáo hoặc phản đối quyết định tại tòa án. 

Anyaegbu, một cố vấn trò chơi người Nigeria, thường nộp lại đơn sau khi không được chấp thuận hồ sơ. Ông cũng mất nhiều tiền hơn trong quá trình này. 

“Chi phí tài chính từ chối thị thực thực sự rất cao. Bạn có thể coi chúng như 'tiền chuyển ngược', tiền chảy từ các quốc gia nghèo sang các quốc gia giàu, điều mà chúng ta có thể chưa bao giờ nghe thấy", ông Foresti của LAGO Collective cho biết.

Hiện, chi phí thị thực Schengen đã tăng từ 80 lên 90 euro vào tháng 7.2024.

Giảng viên quản lý người Nam Phi Sikhumbuzo Maisela cũng nhận định tỷ lệ từ chối thị thực đối với người châu Phi thấp hơn dự kiến.

Ông cho biết quy trình thẩm định thị thực dường như không bị định hình bởi định kiến rõ ràng mà chủ yếu đánh giá về " hành vi trong lịch sử".

“Các nước phương Tây đã có trường hợp người sở hữu thị thực ở lại quá hạn hoặc vi phạm các điều khoản. Điều này đã ảnh hưởng đến cách tiếp nhận đơn xin cấp thị thực trong tương lai”, ông nói.

Lấy lại niềm tin

Mặc dù các nghiên cứu và khảo sát về vấn đề này vẫn chưa rõ ràng nhưng ông Maisela cho rằng quá trình đánh giá thị thực thường căn cứ vào sự tin tưởng và lòng hiếu khách, đồng thời người nộp đơn phải tuân thủ các quy tắc.

Khi một người đã vi phạm các nguyên tắc này, tất cả mọi người có thể sẽ bị ảnh hưởng. Điều đó khiến người nộp đơn tiếp theo – cho dù họ đã tuân thủ quy tắc đầy đủ - vẫn có thể mất cơ hội.

"Vì vậy, theo một cách nào đó, những người vi phạm các quy tắc sẽ ảnh hưởng đến người khác trong một cộng đồng hoặc một quốc gia", ông nói

Không chỉ những người trẻ tuổi thường lên tiếng nhiều nhất đối với việc thường bị chối thị thực trực tuyến mà cả những người cao tuổi cũng phải đối mặt với những rào cản tương tự.

Julius Musimeenta, một kỹ sư người Uganda 57 tuổi, đã nộp đơn xin thị thực để tham dự một hội chợ kỹ thuật ở Munich vào năm ngoái cùng gia đình. Cả sáu người trong số họ đều bị từ chối mặc dù trước đó họ đều đã đi du lịch đến châu Âu.

Có quyền kháng cáo

Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết họ không bình luận về các trường hợp riêng lẻ nhưng luật EU cho phép người nộp đơn xin thị thực kháng cáo các quyết định tiêu cực nếu họ cảm thấy việc từ chối là không có lý do.

EC cho biết lý do từ chối rất đa dạng, chẳng hạn như nộp các tài liệu tránh trường hợp nghi ngờ giả mạo hoặc sai lệch như sao kê ngân hàng hoặc giấy tờ hộ tịch.

Trong khi việc từ chối thị thực Schengen nhận được nhiều sự chú ý do số lượng hồ sơ lớn, thì những người nộp đơn xin thị thực từ Châu Phi vào Vương quốc Anh cũng phàn nàn về những thách thức tương tự.

Theo ước tính của LAGO Collective, chi phí cấp thị thực bị từ chối đã tăng 13,5% lên 50,7 triệu bảng Anh (68,8 triệu đô la Mỹ) vào năm 2024. 

Hiện các quốc gia Schengen đã áp dụng hệ thống thông quan sinh trắc thay thế hộ chiếu từ tháng 1.2025, sau hai lần tạm hoãn.

EES là hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh ghi nhận thông tin cá nhân và dữ liệu sinh trắc học như tên, khuôn mặt, dấu vân tay, thời gian và nơi nhập - xuất cảnh, thay thế khi du khách nhập cảnh vào khu vực Schengen. Dữ liệu sinh trắc học là yêu cầu bắt buộc, có hiệu lực cho nhiều chuyến đi và cần cập nhật sau ba năm.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc