Lạng Sơn bứt phá từ du lịch thám hiểm hang động
VHO - Dự kiến tháng 9.2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ chính thức đón nhận Bằng chứng nhận danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Lạng Sơn tại Chi Lê. Tháng 11.2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ tổ chức Lễ đón Bằng chứng nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn.
Đó là thông tin do bà Trần Thị Bích Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết và chia sẻ thêm: “Tháng 4.2025, UNESCO sẽ chính thức bổ sung CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn vào Danh sách CVĐC toàn cầu trên trang web của Tổ chức này”.

Vô vàn điều thú vị chưa được khám phá
Trước đó, tháng 9.2024, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Phiên họp Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO đã tiến hành đánh giá và 100% đại biểu biểu quyết công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu UNESCO.
Hiện nay, CVĐC Lạng Sơn đã hình thành 4 tuyến du lịch với 38 điểm tham quan CVĐC với chủ đề “Tiến hóa sự sống nơi miền đất thiêng”. Tuyến 1: Khám phá thế giới Thượng ngàn; tuyến 2: Hành trình về miền Thiên giới; tuyến 3: Cuộc sống dân dã nơi trần thế; tuyến 4: Đường đến Thủy cung.
Theo khảo sát của các nhà khoa học, chuyên gia địa chất, CVĐC Lạng Sơn có địa hình địa mạo và địa chất tự nhiên kỳ vĩ. Có khoảng 200 hang động, nhiều thác nước, hố sụt đẹp, ẩn chứa vô vàn điều thú vị, hấp dẫn của thiên nhiên. “Đây sẽ là nguồn lực, chắp cánh cho sự phát triển của du lịch địa chất, thám hiểm hang động của Lạng Sơn”, bà Trần Thị Bích Hạnh khẳng định.
CVĐC Lạng Sơn trải dài trên lãnh thổ rộng lớn hơn 4.842 km2, dân số khoảng trên 627,5 nghìn người, phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của các huyện: Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan và TP Lạng Sơn; một phần địa giới hành chính huyện Bình Gia và huyện Cao Lộc. Công viên này là một minh chứng sống động, gói gọn những cảnh quan đa dạng trên hành trình 500 triệu năm tiến hóa của sự sống. Từ vùng biển cổ xưa và vùng đất núi lửa, mỗi mặt của CVĐC Lạng Sơn đều kể một câu chuyện độc đáo.
Đây cũng là một bức tranh rực rỡ về sự đa dạng sắc tộc, với những đóng góp về phong tục, truyền thống độc đáo của mỗi nhóm dân tộc. Đời sống tâm linh của CVĐC Lạng Sơn bắt nguồn sâu xa từ Đạo Mẫu, một tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kết hợp hài hoà giữa lịch sử tự nhiên, đa dạng văn hóa và truyền thống tâm linh khiến CVĐC Lạng Sơn trở thành một điểm đến độc đáo để du khách tìm hiểu và khám phá.
Cần hướng tới bảo vệ môi trường bền vững
Tại Tọa đàm “Phát triển Du lịch thám hiểm hang động Công viên địa chất Lạng Sơn” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Công ty cổ phần Viện Du lịch và Phát triển bền vững Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã làm rõ tiềm năng, thách thức trong phát triển du lịch thám hiểm hang động bền vững tại CVĐC Lạng Sơn.
Đồng thời, đề xuất các chính sách trong phát triển loại hình du lịch này tại Lạng Sơn; đào tạo, giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức về du lịch thám hiểm hang động bền vững; ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch thám hiểm hang động ở Lạng Sơn…
Tại tham luận “Một số lưu ý trong bảo vệ và khai thác hang động và các vùng đá vôi”, PGS. TS Trần Tân Văn, Chuyên gia cao cấp về CVĐC, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng: “Để quy hoạch, quản lý hiệu quả các vùng đá vôi cần đánh giá đầy đủ các giá trị kinh tế, khoa học và nhân văn của chúng trong bối cảnh văn hóa, chính trị địa phương. Cần hiểu rõ đặc điểm của hang động và các giá trị độc đáo của chúng. Cũng cần lưu ý rằng mọi hoạt động trên mặt đất đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến dưới lòng đất hoặc dưới hạ lưu”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để làm cơ sở cho công tác quản lý, phải điều tra, kiểm kê hang động. Cách tiếp cận tốt nhất trong quản lý tác động của việc sử dụng, khám phá hang động là xây dựng một kế hoạch chiến lược dài hạn, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Người hướng dẫn, cung cấp dịch vụ thám hiểm hang động cần chứng minh rằng họ được đào tạo đầy đủ về các khía cạnh an toàn và bảo tồn hang động.
Hướng dẫn viên tham quan hang động cần được đào tạo bài bản về các giá trị cụ thể của hang và cách thuyết trình cho du khách, giúp du khách hiểu rõ và trân quý môi trường hang động. Người thám hiểm hang động cần làm quen và tuân thủ bộ “Quy tắc tác động hang động tối thiểu”...
Cơ sở hạ tầng ở hang tham quan, điện chiếu sáng trong hang cần vừa đủ để duy trì môi trường hang động tự nhiên. Bên cạnh đó, cần thiết kế, xây cất cơ sở hạ tầng hỗ trợ các hoạt động trên mặt đất ở các vùng đá vôi sao cho ít tác động đến môi trường cảnh quan nhất, cả trực quan lẫn tính toàn vẹn của chúng, để khi cần, có thể dễ dàng dỡ bỏ, trả lại hiện trạng tự nhiên ban đầu.
Nói chuyện đến tình yêu hang động, chia sẻ về kinh nghiệm phát triển du lịch thám hiểm hang động cũng như đóng góp về các giải pháp quản lý và phát triển du lịch hang động bền vững tại CVĐC Lạng Sơn, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam Expeditions Phạm Văn Mạnh cho biết: “Sau những bức ảnh đẹp về hang động là quá trình khảo sát rất vất vả, cẩn trọng của các chuyên gia, những du khách yêu hang động. Lạng Sơn có rất nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này, thậm chí không thua kém Quảng Bình. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch thám hiểm hang động cần có sự chọn lọc đơn vị tổ chức; khuyến khích nâng cao nhận thức về việc bảo vệ và phát triển du lịch hang động trong cộng đồng; hướng dẫn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch hang động. Đặc biệt, các cơ quan nhà nước cần có các chính sách tháo gỡ khó khăn để khơi thông nguồn lực cho cộng đồng và doanh nghiệp cùng tham gia vào phát triển du lịch hang động”.
Ông Kevin John Ditamore, Giám đốc Công ty Adventure In Hawaii, thành viên Hiệp hội Hang động Mỹ mỗi năm có tới 4 tháng sống và làm việc ở Việt Nam đề xuất: “CVĐC Lạng Sơn cần sớm khảo sát, xây dựng bản đồ chỉ dẫn chi tiết các mức độ nguy hiểm, cảnh báo ở từng khu vực.Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch thám hiểm hang động cũng cần mang tính giáo dục du khách, hướng tới bảo vệ môi trường bền vững. Sản phẩm phải thật ấn tượng, đáp ứng được nhu cầu của du khách đam mê khám phá.Tiền lúc đó không quan trọng mà quan trọng là giá trị mà sản phẩm du lịch đó mang lại cho du khách. Họ luôn sẵn sàng chi tiền cho một điểm đến ấn tượng, được trải nghiệm điều không thể có được ở nơi khác và CVĐC Lạng Sơn chính là lý do để du khách Mỹ đến Việt Nam bởi nơi đây quá hoành tráng và hùng vĩ”.