Phát triển Du lịch thám hiểm hang động bền vững ở CVĐC Lạng Sơn

NGUYỄN ANH; ảnh CẨM TÚ

VHO - Tọa đàm “Phát triển Du lịch thám hiểm hang động Công viên địa chất Lạng Sơn” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Công ty Cổ phần Viện Du lịch và Phát triển bền vững Việt Nam tổ chức vừa diễn ra ngày 14.2, tại Hà Nội.

Phát triển Du lịch thám hiểm hang động bền vững ở CVĐC Lạng Sơn - ảnh 1
Tọa đàm “Phát triển Du lịch thám hiểm hang động Công viên địa chất Lạng Sơn” diễn ra tại Hà Nội

Tọa đàm có sự tham gia của Đại diện Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các công ty lữ hành; các doanh nghiệp du lịch; các chuyên gia địa chất, chuyên gia du lịch; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài tỉnh.

Sự kiện này được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên các hang động tại vùng Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn, đề xuất giải pháp xây dựng và phát triển du lịch thám hiểm hang động CVĐC Lạng Sơn; xúc tiến hợp tác xây dựng, khai thác các tour du lịch thám hiểm hang động; xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch vùng CVĐC Lạng Sơn…

CVĐC Lạng Sơn trải dài trên lãnh thổ rộng lớn hơn 4.842 km2, dân số khoảng trên 627,5 nghìn người, phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của các huyện: Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn; một phần địa giới hành chính huyện Bình Gia và huyện Cao Lộc.

Phát triển Du lịch thám hiểm hang động bền vững ở CVĐC Lạng Sơn - ảnh 2
Bà Trần Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn

Công viên này là một minh chứng sống động, gói gọn những cảnh quan đa dạng trên hành trình 500 triệu năm tiến hoá của sự sống. Từ vùng biển cổ xưa và vùng đất núi lửa, mỗi mặt của CVĐC Lạng Sơn đều kể một câu chuyện độc đáo.

Đây cũng là một bức tranh rực rỡ về sự đa dạng sắc tộc, với những đóng góp về phong tục, truyền thống độc đáo của mỗi nhóm dân tộc. Đời sống tâm linh của CVĐC Lạng Sơn bắt nguồn sâu xa từ Đạo Mẫu, một tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kết hợp hài hoà giữa lịch sử tự nhiên, đa dạng văn hoá và truyền thống tâm linh khiến CVĐC Lạng Sơn trở thành một điểm đến độc đáo để du khách tìm hiểu và khám phá.

Phát triển Du lịch thám hiểm hang động bền vững ở CVĐC Lạng Sơn - ảnh 3
PGS.TS Trần Tân Văn, chuyên gia cao cấp về CVĐC

Ngày 8.9.2024, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Phiên họp Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO đã tiến hành đánh giá và 100% đại biểu biểu quyết công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu UNESCO.

Theo bà Trần Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn: Tháng 4.2025, UNESCO sẽ chính thức bổ sung CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn vào Danh sách CVĐC toàn cầu trên trang web của Tổ chức này.

Dự kiến tháng 9.2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ chính thức đóng nhận Bằng chứng nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn tại Chi Lê. Tháng 11.2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ tổ chức Lễ đón Bằng chứng nhận Danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn.

Phát triển Du lịch thám hiểm hang động bền vững ở CVĐC Lạng Sơn - ảnh 4
Ông Jonathan Wallace Backer, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam

Hiện nay, CVĐC Lạng Sơn đã hình thành 4 tuyến du lịch với 38 aceđiểm tham quan CVĐC với chủ đề “Tiến hoá sự sống nơi miền đất thiêng”.

Tuyến 1: Khám phá thế giới Thượng ngàn; tuyến 2: Hành trình về miền Thiên giới; tuyến 3: Cuộc sống dân dã nơi trần thế; tuyến 4: Đường đến Thuỷ cung.

CVĐC Lạng Sơn được hi vọng sẽ là một trong những sản phẩm du lịch mang tính đột phá, thu hút lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần phát huy được tiềm năng, tế mạnh du lịch của tỉnh.

Theo khảo sát của các nhà khoa học, chuyên gia địa chất, CVĐC Lạng Sơn có địa hình địa mạo và địa chất tự nhiên, kỳ vĩ. Có khoảng 200 hang động, nhiều thác nước, hố sụt đẹp, ẩn chứa vô vàn điều thú vị, hấp dẫn của thiên nhiên.

Phát triển Du lịch thám hiểm hang động bền vững ở CVĐC Lạng Sơn - ảnh 5
Các chuyên gia đánh giá Lạng Sơn có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch địa chất, khám phá hang động

“Đây sẽ là nguồn lực, chắp cánh cho sự phát triển của du lịch địa chất, thám hiểm hang động của Lạng Sơn”, bà Trần Thị Bích Hạnh khẳng định.  

Tại Toạ đàm, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã làm rõ tiềm năng,thách thức trong phát triển du lịch thám hiểm hang động bền vững tại CVĐC Lạng Sơn; vai trò của chính sách trong phát triển loại hình du lịch này tại Lạng Sơn; đào tạo, giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức về du lịch thám hiểm hang động bền vững; ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch thám hiểm hang động ở Lạng Sơn…

Các chuyên gia cũng đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch thám hiểm hang động ở trong và ngoài nước. Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển loại hình du lịch này trong tương lai ở Lạng Sơn.

Phát triển Du lịch thám hiểm hang động bền vững ở CVĐC Lạng Sơn - ảnh 6
Lễ ký kết hợp tác đào tạo nhân lực CVĐC Lạng Sơn

Trong khuôn khổ Toạ đàm cũng diễn ra Lễ ký kết hợp tác đào tạo nhân lực CVĐC Lạng Sơn giữa Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn; Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Công ty Cổ phần Viện Du lịch và Phát triển bền vững Việt Nam.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc