Diễn đàn Kết nối “Văn hóa - Du lịch - Thương mại” năm 2025:
Lâm Đồng kết nối tầm nhìn, kiến tạo tương lai hậu sáp nhập
VHO - Ngày 17.5, Diễn đàn Kết nối “Văn hóa - Du lịch - Thương mại” tỉnh Lâm Đồng năm 2025 diễn ra tại Hà Nội, thể hiện tầm nhìn và khát vọng kết nối, lan tỏa của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.

Đây là một phần trong chuỗi các sự kiện Ngày văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội năm 2025, diễn ra từ 16-18.5; được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Lâm Đồng, do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng và Công ty Cổ phần Truyền thông Đối ngoại Việt Nam (VRI Media) phối hợp thực hiện.
Tham dự Diễn đàn, về phía các cơ quan trung ương và Hà Nội có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong, đại diện các Ban, Bộ, Ngành trung ương.

Về phía tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông có: Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái; lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông; đại diện các sở, ngành địa phương của tỉnh Lâm Đồng.
Diễn đàn quy tụ sự tham gia của nhiều nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp tiêu biểu trong nước và quốc tế.

Bệ phóng cho phát triển bền vững, hội nhập và khác biệt
Thông qua chuỗi hoạt động gồm các phiên thảo luận chuyên sâu, ký kết hợp tác chiến lược, giao lưu kết nối và trưng bày sản phẩm đặc trưng, Diễn đàn là không gian mở để các bên chia sẻ tầm nhìn, đồng hành kiến tạo và cùng Lâm Đồng vươn tới tương lai phát triển bền vững - hội nhập - khác biệt.
Diễn đàn nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển và kết nối các nguồn lực trong ba lĩnh vực trụ cột văn hóa, du lịch và thương mại.

Từ “trái tim cao nguyên” đến cực tăng trưởng mới của vùng liên tỉnh
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: “Lâm Đồng là nơi hội tụ giữa thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đa sắc màu và những khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Với trung tâm là thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng không chỉ là “trái tim” của du lịch Tây Nguyên mà đang từng bước định hình vai trò là cực tăng trưởng xanh, sáng tạo, thân thiện của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước”.
Lâm Đồng xác định không phát triển đơn lẻ, mà đặt mình trong chiến lược liên kết vùng - hợp tác quốc tế - đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tỉnh đã và đang tập trung thực hiện Quy hoạch phát triển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời chủ động đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng chiến lược như cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đặc biệt là tuyến Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư.
Lâm Đồng đang phấn đấu vươn lên là tỉnh phát triển khá của cả nước, với GRDP bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng, năng suất lao động tăng trưởng ấn tượng.

Ngành nông nghiệp công nghệ cao giữ vai trò chủ lực, du lịch tiếp tục là điểm sáng với thương hiệu thành phố Festival Hoa, Thành phố sáng tạo UNESCO về lĩnh vực âm nhạc, và nhiều lễ hội văn hóa, thể thao quy mô quốc gia, quốc tế đã được tổ chức thành công.
Tuy nhiên, Lâm Đồng cũng nhìn nhận rõ những rào cản nội tại là kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số, thiếu liên kết; công nghiệp còn manh mún, đầu ra chưa ổn định; chính sách thu hút đầu tư chưa tạo được đột phá.
Thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp tới tỉnh Lâm Đồng trên cơ sở hợp nhất 3 tỉnh: Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông.
Tỉnh Lâm Đồng xác định, trong giai đoạn phát triển mới, ba trụ cột chính là văn hóa - du lịch - thương mại sẽ không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn, mà còn là không gian sáng tạo để hội tụ trí tuệ, bản sắc, công nghệ và nguồn lực xã hội, tạo nên sự bứt phá của tỉnh.

Tại Diễn đàn, Bí thư tỉnh Lâm Đồng cũng đặt vấn đề thẳng thắn, thể hiện tinh thần cầu thị và khát vọng đổi mới: “Làm sao để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần và động lực nội sinh cho phát triển? Làm sao để du lịch không chỉ phục hồi sau đại dịch mà còn chuyển mình sang mô hình xanh, thông minh, kết nối sâu hơn với nông nghiệp, công nghiệp sáng tạo và cộng đồng? Làm sao để thương mại dịch vụ thực sự trở thành cầu nối phát triển bền vững, gắn với hệ sinh thái khởi nghiệp, chuyển đổi số và chuỗi giá trị toàn cầu?”
Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp tâm huyết, các gợi ý, ý tưởng, khuyến nghị chính sách, mô hình thực tiễn từ các đại biểu, nhà đầu tư, chuyên gia, để từ đó xác định và hoạch định một chiến lược phát triển.
Chiến lược và chính sách đó không chỉ cho tỉnh Lâm Đồng hiện hữu mà hướng đến tỉnh Lâm Đồng mới với tầm nhìn dài hạn, phù hợp xu thế quốc tế, gắn với nhu cầu và nội lực của địa phương.
Lan tỏa giá trị, hướng tới một Lâm Đồng hội nhập và sáng tạo
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị tỉnh Lâm Đồng tiếp tục khai thác hiệu quả ba trụ cột văn hoá, du lịch và thương mại với các định hướng chiến lược.

Để hiện thực thực hóa tầm nhìn và sứ mệnh nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lâm Đồng tập trung lãnh đạo chỉ đạo một số nhiệm vụ quan trọng.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phát triển chính quyền, số dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Chủ động xây dựng quy hoạch tổng thể của tỉnh sau khi sáp nhập gắn với chiến lược phát triển vùng Tây Nguyên mở rộng, quy hoạch tích hợp không gian phát triển văn hóa đô thị sinh thái du lịch thông minh nông nghiệp xanh và công nghiệp sáng tạo.
Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của địa phương, thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm, trung tâm xúc tiến đổi mới sáng tạo, vườn ươm du lịch, cộng đồng khởi nghiệp công nghệ số .
Tăng cường liên kết với các tỉnh trong vùng hình thành các hành lang kinh tế du lịch biển, cao nguyên, biên giới, thu hút đầu tư chiến lược phát triển hạ tầng logicstic và giao thông đường bộ.
Sau khi sáp nhập và sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết cống hiến vì sự phát triển chung của tỉnh Lâm Đồng.

Kết nối chiến lược phát triển 3 trụ cột của tỉnh
Tại Diễn đàn, tỉnh Lâm Đồng đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư trong ba lĩnh vực văn hóa, du lịch và thương mại của tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn mới.
Kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đơn vị lữ hành và tổ chức xúc tiến trong và ngoài nước. Thúc đẩy hợp tác phát triển giữa Lâm Đồng và các địa phương, đặc biệt là khu vực phía Bắc, trong bối cảnh đẩy mạnh liên kết vùng và chiến lược phát triển bền vững.
Phiên thứ nhất có chủ đề Kết nối chiến lược phát triển “Văn hóa - Du lịch - Thương mại” tỉnh Lâm Đồng. Tại phiên này, ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng đã trình bày báo cáo tổng quan về Hiện trạng và định hướng phát triển văn hoá, du lịch tại Lâm Đồng giai đoạn mới.
Diễn giả Hà Kim Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; nguyên Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trình bày tham luận “Từ sáng tạo địa phương đến hội nhập quốc tế: Giải pháp phát triển văn hóa - du lịch - thương mại thông qua các danh hiệu UNESCO”.
Tham luận “Thương mại và xuất khẩu sản phẩm đặc trưng của Lâm Đồng - Thách thức và cơ hội trước chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đối với Việt Nam” do ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thông tin, tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam trình bày…
Ở Phiên thứ hai: Toạ đàm bàn tròn “Trao đổi về thúc đẩy kết nối “Văn hóa - Du lịch - Thương mại” vào Lâm Đồng - tiềm năng, thách thức và giải pháp” có sự tham gia của: Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ông Hoàng Hữu Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Khoa học và Công nghệ), ông Nguyễn Hồng Hải, Phó chủ tịch HHDL Việt Nam.
Trong phiên này, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những cơ hội, thách thức và giải pháp giúp Lâm Đồng sau sáp nhập tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn, tác động từ những chính sách mới; đề xuất giải pháp giúp tỉnh phát triển công nghiệp văn hoá sau khi sáp nhập tỉnh; vai trò của khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong phát triển văn hoá, du lịch, thương mại thời kỳ mới; những định hướng của tỉnh Lâm Đồng để phát triển văn hoá, du lịch và thương mại trong thời gian tới….
Diễn đàn là một cú hích chiến lược nhằm thúc đẩy hình ảnh Lâm Đồng là điểm đến hấp dẫn về văn hóa, du lịch, nghỉ dưỡng, nông sản đặc sản và đổi mới sáng tạo.
Đây cũng là bước đi tiên phong trong quá trình liên kết vùng, hội nhập quốc tế và chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn hậu sáp nhập và phục hồi sau đại dịch.
Sự kiện có sự đồng hành và tài trợ của những đơn vị uy tín như: Công ty TNHH TS Food; Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank); Công ty TNHH Thùy Dương.