Kon Tum: Khai phá tiềm năng du lịch từ vùng đất cà phê Đăk Hà

NGỌC HOÀ

VHO - Được biết đến là huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Kon Tum, Đăk Hà không chỉ khẳng định thương hiệu trên thị trường với sản phẩm cà phê được người tiêu dùng ưa chuộng và xuất khẩu ra thế giới, mà còn sở hữu tiềm năng du lịch đáng kể đang chờ được khai thác hiệu quả.

Kon Tum: Khai phá tiềm năng du lịch từ vùng đất cà phê Đăk Hà - ảnh 1
Không gian "Đăk Hà ngày mùa" là địa điểm thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hoá, lễ hội, du lịch của huyện Đăk Hà (Kon Tum)

Với địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu đặc thù, cùng hệ sinh thái đa dạng từ rừng, sông suối đến ao hồ, Đăk Hà có nhiều lợi thế để phát triển đa dạng các loại hình du lịch.

Về du lịch sinh thái và tham quan thiên nhiên, huyện sở hữu nhiều điểm đến hấp dẫn như: rừng đặc dụng Đăk Uy (xã Đăk Mar), thác Đăk Pe (xã Đăk Pxi), khu vực lòng hồ thủy điện Plei Krông, suối Đăk Ui tại thôn Kon Pông (xã Đăk Ui), hồ chứa Đăk Prông (thôn Wang Hra, xã Đăk Ui) và Suối Đăk Lôi (Thôn Kon Jong, xã Ngọk Réo)…

Du lịch trải nghiệm nông nghiệp là thế mạnh nổi bật của huyện. Du khách có thể ghé thăm Khu sản xuất Công nghệ cao của Công ty TNHH khai thác và chế biến NLS Nghĩa Phát tại xã Đăk Pxi; tham quan vườn cây ăn trái tại xã Đăk Hring và Ngọk Wang.

Đặc biệt, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa, tìm hiểu quy trình sản xuất cà phê khép kín, tham gia các khâu từ trồng trọt, chăm sóc, bảo quản đến chế biến tại các đơn vị như: Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng, HTX Sáu Nhung, HTX Pô Kô Farm, HTX Hải Tình, HTX Nông nghiệp dịch vụ Thế hệ mới và Cà phê Noni tại xã Đăk Mar.

Kon Tum: Khai phá tiềm năng du lịch từ vùng đất cà phê Đăk Hà - ảnh 2
Trong không gian "Đăk Hà ngày mùa" thường xuyên diễn ra các hoạt động trình diễn, biểu diễn thời trang thổ cẩm, cồng chiêng - xoang

Về du lịch cộng đồng, huyện đã xây dựng không gian “Đăk Hà ngày mùa”, phát triển du lịch tại thôn Long Loi (thị trấn Đăk Hà), thôn Đăk Mút (xã Đăk Mar) và bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc tại xã Đăk Ngọk. Trong đó, làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng theo Quyết định số 454/QĐ-UBND ngày 11.5.2020.

Đăk Hà cũng sở hữu nhiều di tích lịch sử có giá trị như: Di tích lịch sử cách mạng Điểm cao 601 (xã Hà Mòn - xã Đăk La), Khu căn cứ kháng chiến Đăk Ui (xã Đăk Ui), và Di tích lịch sử văn hóa Công trình thuỷ lợi Đập Đăk Ui (xã Đăk Ngọk) - vừa được công nhận là di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 347/QĐ-UBND ngày 20.7.2023. Du lịch tâm linh phát triển với các điểm đến như Chùa tháp Kỳ Quang (xã Đăk Mar), Chùa Khánh Phước (xã Đăk La), và Nhà thờ Giáo xứ tại thôn Đăk Kơ Đêm (xã Đăk Ui).

Về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, huyện hiện có 1 khách sạn, 6 nhà nghỉ, 5 nhà hàng có khả năng phục vụ từ 1.000 đến 2.000 lượt khách. Bên cạnh đó còn có 230 nhà hàng và cơ sở ăn uống, 4 cơ sở karaoke, 9 sân đá bóng cỏ nhân tạo, 7 bể bơi, 7 dịch vụ vui chơi giải trí và nhiều dịch vụ ngân hàng. Về vận chuyển, huyện có 1 bến xe khách và nhiều hộ kinh doanh vận tải với xe từ 4 đến 16 chỗ hoạt động 24/24.

Kon Tum: Khai phá tiềm năng du lịch từ vùng đất cà phê Đăk Hà - ảnh 3
Các sự kiện văn hoá, lễ hội diễn ra tại Không gian "Đăk Hà ngày mùa" đã tạo được tiếng vang và thu hút hàng nghìn người dân, du khách mỗi khi tổ chức

Một nét độc đáo của Đăk Hà là Chợ phiên họp vào sáng Chủ nhật hàng tuần - huyện duy nhất của tỉnh Kon Tum có Chợ phiên, vẫn giữ được nét nguyên sơ của văn hóa dân tộc. Huyện cũng phát triển nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng như cà phê DAKMARK, Pô Kô Farm, cà phê bột Sáu Nhung, gà vườn Hà Mòn, mật ong Đăk Mar, cam sành Ngọk Wang, gạo thơm Đăk La, rượu nếp cẩm Đăk Ngọk và các sản phẩm đan lát thủ công mỹ nghệ của xã Đăk Ui.

Bà Phạm Thị Thương, Phó chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết, thời gian qua, huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch theo hướng xây dựng hệ thống du lịch thông minh, nhất là các ứng dụng trong phát triển sản phẩm du lịch và công tác bảo tồn, quản lý di sản, di tích văn hóa trên địa bàn huyện.

Phát huy sức mạnh của công nghệ thông tin, truyền thông và mạng xã hội trong tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và sản phẩm du lịch, đảm bảo chuyên nghiệp, tạo hiệu ứng, lan tỏa sâu rộng hình ảnh du lịch của huyện. Xây dựng hệ thống bảng giới thiệu về di tích, danh thắng tại khu, điểm du lịch trọng điểm của huyện.

Kon Tum: Khai phá tiềm năng du lịch từ vùng đất cà phê Đăk Hà - ảnh 4
Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Phối hợp với Sở VHTTDL phục dựng, bảo tồn lễ Mừng nước giọt của dân tộc Ba Na (nhóm Rơ Ngao) tại thôn Long Loi, thị trấn Đăk Hà và mở lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm tại xã Ngọk Réo; phối hợp với Bảo tàng – Thư viện tỉnh phục dựng quay phim Nghề rèn thủ công truyền thống của dân tộc Xơ Đăng tại xã Đăk Ui. Các đội nghệ nhân cồng chiêng, xoang huyện Đăk Hà tham gia biểu diễn cồng chiêng tại các sự kiện văn hóa, chính trị lớn của tỉnh… Qua đó nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người, bản sắc văn hóa của huyện Đăk Hà nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung đến bạn bè trong nước.

Kon Tum: Khai phá tiềm năng du lịch từ vùng đất cà phê Đăk Hà - ảnh 5
Phiên chợ nông sản sạch và chợ phiên là nơi trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện Đăk Hà và các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Bà Thương cho biết thêm, trong năm 2024, UBND huyện đã tổ chức các sự kiện du lịch, lễ hội, văn hóa của địa phương như “Đăk Hà ngày mùa” năm 2024; tổ chức các hoạt động Tuần lễ văn hóa - du lịch - ẩm thực; Phiên chợ nông nghiệp sạch và các hoạt động văn hoá, văn nghệ tại không gian “Đăk Hà ngày mùa”; tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương… và tham gia các hoạt động văn hóa, du lịch của tỉnh tổ chức. 

"Thông qua sự kiện sẽ tăng cường công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, ngành nghề truyền thống. Tạo không gian để các nghệ nhân, nghệ sỹ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao ý thức trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, nghề truyền thống của các dân tộc. Qua đó, góp phần quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của khu vực tỉnh Kon Tum nói chung, huyện Đăk Hà nói riêng trong công cuộc hội nhập và phát triển", Phó chủ tịch UBND huyện Đăk Hà nhấn mạnh.

Năm 2025, Đăk Hà đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong du lịch, xây dựng hệ thống du lịch thông minh. Huyện cũng sẽ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp và tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.