Mẫu mới cho thuyền du lịch trên sông Hương:

Không nên mãi “đóng khung”... thuyền rồng

SƠN THÙY

VHO - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có quyết định thông qua một số mẫu thuyền du lịch sẽ được đóng mới để hoạt động trên sông Hương và các vùng phụ cận. Ngoài đảm bảo các yếu tố quy định về vận tải đường thủy, các mẫu thuyền du lịch phải được thẩm định đạt những yêu cầu về thẩm mỹ, văn hóa và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên xứ Huế.

 Cách đây hơn 10 năm, lo lắng sự xuống cấp và hết hạn của các thuyền du lịch truyền thống, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng có quyết định phê duyệt mẫu thuyền phục vụ Ca Huế và du thuyền trên sông Hương. Thời điểm đó, mẫu thuyền do Công ty TNHH Ngôi nhà Nghệ thuật TP.HCM thiết kế với các mẫu thuyền lớn, nhỏ với kiểu dáng duy nhất là thuyền đầu rồng.

Không nên mãi “đóng khung”... thuyền rồng - ảnh 1
Mẫu thuyền du lịch (thuyền đôi) vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất

Xây dựng tiêu chí khung

Mẫu thuyền được phê duyệt lần này cũng chỉ là kiểu dáng, mang tính thẩm mỹ, không phải là bản vẽ kỹ thuật để đóng mới nên không được áp dụng thẩm định để cho phép đóng mới. Hoặc nếu muốn đóng mới thì phải hợp đồng thêm với một đơn vị thiết kế kỹ thuật để đảm bảo các yêu cầu…

Những năm qua, thuyền rồng du lịch truyền thống lần lượt hết hạn sử dụng theo quy định tại Nghị định 111/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Theo Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế, có 128 phương tiện đang hoạt động trên sông Hương, trong đó có 118 thuyền rồng du lịch truyền thống tham gia các hoạt động vận chuyển khách du lịch và phục vụ Ca Huế.

Đến nay, số thuyền đã hết niên hạn sử dụng theo quy định gần 50 chiếc, đến cuối năm 2024 sẽ là 75 chiếc. Và sau vài năm nữa sẽ “vắng bóng” mẫu thuyền rồng truyền thống này.

Ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin: Nhiều năm qua, tỉnh đã rất quan tâm đến việc đóng thuyền du lịch trên sông Hương bởi hiện đã có rất nhiều thuyền rồng đã hết niên hạn sử dụng. Việc ban hành một mẫu thuyền du lịch mang tính chất đồng bộ để các doanh nghiệp và người dân nghiên cứu, có cơ sở đóng mới là rất cần thiết.

 Thời gian qua, chúng tôi đã tiếp tục có nhiều phiên họp và thống nhất xây dựng mẫu theo cơ chế mở, chứ không nhất thiết theo một mẫu cố định. Cụ thể là, chúng tôi nghiên cứu và xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn “khung” để các doanh nghiệp và người dân tham khảo để thiết kế những mẫu thuyền có tính thẩm mỹ, phù hợp và đảm bảo các quy định về kỹ thuật để đóng mới thuyền.

(Ông LÊ TOÀN THẮNG, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế)

UBND tỉnh đã giao Sở VHTT và Sở GTVT cùng các đơn vị liên quan phối hợp xây dựng, thẩm định mẫu thuyền mới và cũng đã có nhiều phương án được đưa ra. Tuy nhiên, theo góc độ của ngành GTVT, có mẫu thuyền rất phù hợp thì lại vượt quá khả năng tài chính của người dân. Điều này gây khó khăn cho các gia đình đã hoạt động thuyền rồng hàng chục năm qua và tiếp tục muốn đóng thuyền mới để mưu sinh.

“Thời gian qua, chúng tôi đã tiếp tục có nhiều phiên họp và thống nhất xây dựng mẫu theo cơ chế mở, chứ không nhất thiết theo một mẫu cố định. Cụ thể là, chúng tôi nghiên cứu và xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn “khung” để các doanh nghiệp và người dân tham khảo để thiết kế những mẫu thuyền có tính thẩm mỹ, phù hợp và đảm bảo các quy định về kỹ thuật để đóng mới thuyền”, ông Thắng cho biết.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, thuyền du lịch trên sông Hương và sông phụ cận cần đa dạng phong cách, hình thức, không nhất thiết phải cứ là “thuyền rồng”, thuyền gắn với tứ linh. Qua đó cần có sự tìm tòi, nghiên cứu để có những mẫu thuyền du lịch thật sự phù hợp, hài hòa với thiên nhiên và nét văn hóa Huế.

Không nên mãi “đóng khung”... thuyền rồng - ảnh 2
Mẫu thuyền đơn (loại chở 48 khách) của doanh nghiệp Trần Tân

Đã có hướng tiếp cận mở so với trước

Đại diện Sở VHTT cũng cho biết, qua hướng dẫn của các đơn vị liên quan, một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã gửi hồ sơ bản vẽ mẫu thuyền du lịch trên sông Hương và các sông lân cận. Ngoài các yêu cầu bắt buộc về kỹ thuật của phương tiện thủy nội địa, Sở cũng đã chủ trì phối hợp với các ngành thẩm định về hình dáng mẫu thuyền.

Về hình dáng, các mẫu thuyền phải đảm bảo bố cục cân đối, hài hòa giữa các bộ phận của thuyền như thân thuyền, mái che, đầu và đuôi thuyền. Màu sắc hài hòa, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên; hình tượng tứ linh, văn hóa truyền thống Huế được trang trí đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả về thẩm mỹ. Có không gian tổ chức biểu diễn Ca Huế theo quy định, có không gian ngắm cảnh sông Hương…

Mới đây, ngày 4.10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản thống nhất sáu mẫu thuyền của bốn doanh nghiệp xin đóng mới. Ông Trần Tân, chủ doanh nghiệp tư nhân Trần Tân tại TP Huế cho biết: “Sau mấy tháng thuê đơn vị thiết kế bản vẽ kỹ thuật, hình dáng, trang trí thẩm mỹ, hai mẫu thuyền đôi và thuyền đơn của doanh nghiệp của tôi vừa được UBND tỉnh thống nhất. Chúng tôi đang tính toán để hợp đồng đóng hai thuyền đôi theo mẫu này. Tuy nhiên, chúng tôi phải đi các địa phương ngoại tỉnh để khảo sát và hợp đồng đóng thuyền vì trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở đóng thuyền theo quy định”.

Không nên mãi “đóng khung”... thuyền rồng - ảnh 3
Mẫu thuyền đơn của Công ty Đại Phú Lộc

Theo Sở GTVT, từ năm 2022 đến nay, Sở vẫn đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư để có cơ sở đóng thuyền đạt chuẩn theo quy định. Được biết, có doanh nghiệp đến khảo sát và đang tiến hành các thủ tục. Nếu có cơ sở đóng tàu thuyền tại Huế, các doanh nghiệp và người dân sẽ thuận lợi hơn, tiết kiệm chi phí hơn khi đóng mới thuyền du lịch trên sông Hương.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Việc xây dựng mẫu thuyền du lịch mới cần đảm bảo cảnh quan môi trường trên dòng sông Hương, đảm bảo mưu sinh cho người dân và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, việc xây dựng mẫu thuyền du lịch trên sông Hương đã có hướng tiếp cận mở so với trước đó, nếu chỉ một mẫu thuyền chung thì rất khó nên chỉ cần đảm bảo các tiêu chí khung. Mẫu thuyền mới được thay đổi hình thức và nâng cao chất lượng phục vụ cho du khách, góp phần phát triển du lịch đường sông và nâng cao chất lượng sản phẩm Ca Huế trên sông Hương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Vừa qua, tỉnh đã có quy chế để chấn chỉnh hoạt động Ca Huế và có những quy định về thuyền du lịch. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm văn hóa đặc trưng của địa phương, tỉnh cũng có các giải pháp, trong đó phải thay các phương tiện không đảm bảo.

Tuy nhiên, vấn đề này cũng phải gắn với dân sinh, phải suy xét đến nguồn lực của các chủ thuyền. “Nếu người dân không tham gia được thì khó cho họ, bởi phần lớn các hộ dân ở đây đã có nhiều năm mưu sinh từ hoạt động vận chuyển hành khách và các dịch vụ trên sông Hương. Tỉnh cũng đã làm việc với một số doanh nghiệp theo hướng họ là những nhà đầu tư cùng với người dân để hợp tác đóng thuyền du lịch mới”, ông Nguyễn Thanh Bình thông tin. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc