Quảng Ngãi:
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch
VHO – Chiều 28.6, Sở KHCN tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Sở VHTTDL, Sở NN&PTNT tỉnh và UBND huyện Ba Tơ tổ chức Hội thảo thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch.
Tại hội thảo, ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội bánh Việt Nam cho biết, ẩm thực vùng miền mang giá trị lớn cho phát triển du lịch, văn hóa ẩm thực tạo nên sự đặc trưng mà du khách mong muốn được tới tham quan và trải nghiệm.
Đối với huyện Ba Tơ, có các nguyên liệu truyền thống như: cá niên, thịt trâu, thịt gà Hrê và rau dớn, thịt heo kiềng thảo mộc… Đây là những sản vật mà chỉ ít nơi có thể có. “Để tôn vinh những món sản vật này cần có đầu tư hơn về nghiên cứu trải nghiệm ẩm thực. Mà hiện nay cần những sáng tạo phi truyền thống để giúp món đặc sản địa phương dễ tiếp cận hơn với công chúng”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, ẩm thực kết hợp không chỉ là một nghệ thuật ẩm thực mà còn là tôn vinh sự đa dạng văn hóa trên thế giới. Mỗi món ăn kết hợp mang trong mình một câu chuyện về lịch sử, văn hóa. Để kết hợp đa xu hướng mà mang lại giá trị cao từ thiên nhiên chúng ta cần đi đầu về xu hướng ẩm thực mang lại nguồn thu nhập cao cho đồng bào thì cần đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa ẩm thực.
Dịp này, ông Lê Văn Tuấn đã trình bày bản đồ ẩm thực của huyện Ba Tơ với 50 món ăn từ cá niên, thịt trâu, rau dớn, gà ré…. và đặc biệt nhiều món làn đầu tiên xuất hiện.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe chia sẻ về bản đồ số du lịch thông minh nói về giải pháp cho bài toán truyền thông quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh Quảng Ngãi; lợi ích từ giải pháp của VR360 có thể mang đến cho du lịch Quảng Ngãi; câu chuyện khởi nghiệp về nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái…
Thời gian qua, Sở KHCN tỉnh và các sở, ngành, các địa phương của tỉnh đã triển khai khá đồng bộ nhiều nội dung phục vụ xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương. Từ đó, các tổ chức và cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã đăng ký nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản của địa phương. Qua đó nâng cao thu nhập cho người dân và doanh nghiệp, góp phần hình thành và phát triển giá trị thương hiệu, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ phục vụ ngành du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, với lợi thế và tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, cùng nguồn nhân lực đã và đang được đầu tư phát triển, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều cơ hội về thu hút đầu tư, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là công cụ để thúc đẩy quá trình thay đổi tư duy, tái cấu trúc ngành du lịch theo hướng xanh và bền vững.
Để thích ứng với sự phát triển và hướng tới mục tiêu du lịch xanh, du lịch bền vững, việc phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc của tỉnh được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng các chương trình, sản phẩm du lịch là yếu tố thiết yếu để thu hút du khách và phục vụ việc định vị thương hiệu du lịch Quảng Ngãi. Điều này đòi hỏi những cách tiếp cận mới như du lịch thông minh, du lịch bền vững… bằng cách sử dụng các mô hình mới được thúc đẩy mạnh mẽ dựa trên chuyển đổi kỹ thuật số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Một khi tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành du lịch, dịch vụ và ẩm thực với các mô hình kinh doanh mới, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, cùng với các sản phẩm truyền thống sẽ tăng được năng lực cạnh tranh của tỉnh, là đòn bẩy hiệu quả để cấu trúc lại ngành du lịch, thúc đẩy các liên kết hợp tác ngành, liên kết đa ngành, đa nguồn lực để du lịch Quảng Ngãi bức phá.
Dịp này, Sở KHCN tỉnh Quảng Ngãi đã trao giải cho 10 đơn vị có các dự án, ý tưởng tại Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi” lần thứ 5.