Khai thác các lợi thế để phát triển du lịch ở vùng cao

VHO - Thời gian qua, các địa phương vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch. Với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao, nhiều sản phẩm và tour tuyến được khai thác hiệu quả, mang lại lợi ích kép cho cộng đồng dân cư bản địa.

Khai thác các lợi thế để phát triển du lịch ở vùng cao - Anh 1

 Làng du lịch cộng đồng ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông là điểm đến trải nghiệm của du khách

 Cách đây mấy năm, huyện A Lưới đã bắt đầu tổ chức phiên chợ vùng cao, vừa giới thiệu các đặc sản của người dân trên địa bàn vừa góp phần kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Ban đầu chủ yếu là những mặt hàng nông nghiệp do nhà trồng và hàng tiêu dùng, dần dà phiên chợ đã mang đến những không gian giới thiệu các sản phẩm văn hóa truyền thống và chất lượng, như các tấm dèng và các sản phẩm từ dèng như quần áo, khăn choàng, giày dép… và cả những sản phẩm thủ công đan lát độc đáo riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Phiên chợ vùng cao từng bước trở thành sản phẩm đặc sắc

Theo Phòng VHTT huyện A Lưới, hiện nay phiên chợ vùng cao được tổ chức định kỳ 2 phiên/tháng (thời gian 2 ngày/phiên). Đây không chỉ là không gian kết nối tiêu thụ sản phẩm, thưởng thức các món ăn truyền thống, mà còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, như tái hiện lễ cưới truyền thống của người Pa cô; biểu diễn các bài dân ca dân vũ của cộng đồng dân tộc Pa cô, Tà ôi; tổ chức các trò chơi dân gian… Phiên chợ vùng cao thường được tổ chức vào các ngày cuối tuần, thuận lợi cho việc thu hút nguồn du khách từ miền xuôi và dòng khách từ các tỉnh, thành khác trong nước đến tham gia, trải nghiệm, mua sắm. Qua đó, phiên chợ vùng cao ở huyện A Lưới đã từng bước trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.

Huyện A Lưới có hơn 77% dân cư là đồng bào các DTTS, chủ yếu là người Pa cô, Tà ôi, Pa hy, Cơ tu… Việc kết nối khai thác sản phẩm đặc sản, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào để phát triển du lịch không chỉ góp phần quảng bá, giới thiệu và bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc mà còn tạo sinh kế, giúp người dân bản địa có thêm những nguồn thu nhập. Tại huyện Nam Đông, nơi có khoảng 43% dân số là người Cơ tu sinh sống, phiên chợ vùng cao cũng vừa được đưa vào khai thác thời gian gần đây và đã mang lại những tín hiệu tích cực. Nhiều nông sản hữu cơ, sản phẩm OCOP của địa phương đã được kết nối và tiêu thụ như mật ong ruồi, cam, chuối, dứa, lợn bản, gà thả vườn… Ngoài ra, nhiều sản phẩm thủ công như đan lát, vải thổ cẩm, mộc mỹ nghệ cũng đã được quảng bá, giới thiệu và từng bước “được lòng” người tiêu dùng và du khách.

Nhiều người ở TP Huế và các vùng lân cận đã dành những khoảng thời gian cuối tuần để cùng gia đình, nhóm bạn bè ngược lên vùng cao để trải nghiệm không gian văn hóa của những phiên chợ vùng cao, cùng thưởng thức ẩm thực và mua sắm những mặt hàng của đồng bào các DTTS.

Khai thác các lợi thế để phát triển du lịch ở vùng cao - Anh 2

 Tái hiện lễ cưới truyền thống của đồng bào Pa cô ở huyện A Lưới là hoạt động văn hóa thu hút du khách

Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng

Song song với các hoạt động tại những phiên chợ vùng cao, nhiều điểm du lịch cộng đồng cũng được các huyện miền núi Nam Đông và A Lưới quan tâm hỗ trợ phát triển. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đa dạng với suối, thác và bầu không khí trong lành giữa rừng xanh, huyện A Lưới đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch cộng đồng.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng VHTT huyện A Lưới cho biết, thời gian qua, huyện A Lưới chú trọng bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa có nguy cơ bị mai một. Các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện được bảo tồn khá nguyên vẹn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các hoạt động dân ca, dân nhạc, dân vũ, lễ hội, ẩm thực… của đồng bào DTTS được phát huy, phục dựng, tái hiện và trở thành sản phẩm văn hóa bản địa hấp dẫn phục vụ du khách. Tại các điểm du lịch cộng đồng đã khai thác giá trị văn hóa của đồng bào DTTS qua các chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm ẩm thực và các trò chơi dân gian. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 làng du lịch cộng đồng, nổi bật là làng A Nôr - Việt Tiến (xã Hồng Kim), du lịch cộng đồng ở xã A Roàng..., với gần 30 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú, được đầu tư và tập huấn kỹ năng phục vụ khách du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp. Từ năm 2021 đến gần cuối năm 2023, lượng du khách đến A Lưới đạt gần 130.000 lượt, doanh thu khoảng 16,8 tỉ đồng.

Huyện A Lưới đưa ra mục tiêu tỉ lệ hộ nghèo sẽ còn khoảng 12% vào năm 2025 nên địa phương đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, triển khai đồng bộ các chính sách, dự án giảm nghèo; trong đó có các giải pháp về phát triển du lịch cộng đồng bền vững cho người dân địa phương. Tại huyện Nam Đông, việc vận dụng điều kiện tự nhiên và giá trị văn hóa làm du lịch đã tạo sức hút cho khách thập phương tìm đến nơi đây. Điểm du lịch cộng đồng ở thôn Dỗi (xã Thượng Lộ) với thế mạnh về khai thác giá trị văn hóa truyền thống và cảnh quan tự nhiên đã trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách thích trải nghiệm; cùng với đó là khu du lịch sinh thái tại thác Mơ của YesHue Eco cũng đón lượng lớn du khách vào các tháng nắng ráo. Theo thống kê, lượng khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm các loại hình dịch vụ du lịch tại huyện Nam Đông trung bình đạt 15.000 lượt khách/năm, trong đó khách lưu trú hơn 5.000 lượt, bình quân doanh thu đạt trên 5 tỉ đồng/năm. Việc phát triển du lịch đã tạo ra nhiều giá trị, không chỉ quảng bá cho mảnh đất, con người địa phương mà đáng chú ý là tạo sinh kế và cải thiện đời sống cho người dân, giúp họ thoát nghèo. Đồng thời, từ các mô hình làm du lịch hiệu quả đã góp phần gìn giữ nét đẹp bản sắc văn hóa, dân tộc của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Thừa Thiên Huế.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết trong 3 năm qua, việc triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã có những kết quả tích cực. Các địa phương đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm du lịch; trong đó thị xã Hương Thủy, các huyện Quảng Điền, Nam Đông, A Lưới đã phê duyệt dự án, bố trí vốn triển khai thực hiện với hơn 15 tỉ đồng. Qua đó, đã nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng và trang bị các dịch vụ thu hút du khách đến trải nghiệm, như điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy); điểm du lịch cộng đồng thôn Dỗi (huyện Nam Đông); làng du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr (huyện A Lưới); điểm du lịch cộng đồng xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền)...

Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, với bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất cố đô, vùng nông thôn ven thành phố, vùng cao của các đồng bào DTTS đã và đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy gần như khá nguyên vẹn. Ngoài ra, hệ sinh thái tự nhiên như sông, hồ, suối, ghềnh thác, đầm phá tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, các nghề và làng nghề truyền thống, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn… Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương về phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025 theo tinh thần của Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND, nhằm khai thác hiệu quả các loại hình du lịch, trong đó có phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc