Du lịch Việt Nam: Điểm sáng của nền kinh tế

NGUYỄN ANH; ảnh ANH DŨNG, LÊ KHÁNH

VHO - Với đà tăng trưởng ấn tượng 6 tháng đầu năm, ngành Du lịch đang ngày càng khẳng định vai trò là động lực phát triển mới, đóng góp thiết thực cho tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Du lịch Việt Nam: Điểm sáng của nền kinh tế - ảnh 1
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh báo cáo tại Hội nghị về công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 diễn ra chiều 9.7, trực tiếp tại Hà Nội, trực tuyến tới 34 đầu cầu Sở quản lý du lịch trên cả nước

Giữa “bức tranh” kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều gam màu u ám bởi căng thẳng địa chính trị, lạm phát leo thang, biến đổi khí hậu diễn biến khôn lường và cạnh tranh điểm đến ngày càng khốc liệt, du lịch Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 đã thực sự nổi bật như một điểm sáng hiếm hoi, góp phần lan tỏa niềm tin về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.

Báo cáo trung tâm tại Hội nghị về công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến toàn quốc, ngày 9.7, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Du lịch Việt Nam đang đứng trước những cơ hội để khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế, vươn lên khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”.

“Cơ hội đó bắt nguồn từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cho hoạt động du lịch. Thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa tăng trưởng trong điều kiện đã có các chính sách thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh. Đây chính là cơ sở để đưa du lịch Việt Nam lên một tầm cao mới, vươn tới các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi”, ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.

Du lịch Việt Nam: Điểm sáng của nền kinh tế - ảnh 2
Khách du lịch quốc tế 6 tháng đầu năm nay tăng trên 20% so với cùng kỳ

“Bức tranh” nửa đầu năm: Rực rỡ và đầy triển vọng

Tính đến hết tháng 6.2025, Việt Nam đã đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024 - một con số ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực vẫn đang loay hoay tìm động lực phục hồi.

Khách du lịch nội địa đạt 77,5 triệu lượt, tăng 8,5%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 518 nghìn tỉ đồng, hoàn thành gần 53% kế hoạch năm.

Cú hích lớn đầu tiên diễn ra ngay trong tháng 1.2025 với kỷ lục mới: Gần 2,1 triệu lượt khách quốc tế trong một tháng, vượt xa mức trước đại dịch.

Trong khi đó, các thành phố động lực, trung tâm du lịch như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long… tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng.

Song đáng chú ý là sự bứt phá mạnh mẽ từ các địa phương như: Nghệ An (tăng 113%), Kiên Giang (tăng 30,6%), Bình Thuận (tăng 18,48%), Thanh Hóa, Lâm Đồng, Ninh Bình đều tăng… cho thấy du lịch Việt Nam đang lan tỏa mạnh mẽ cả chiều sâu lẫn chiều rộng.

Không chỉ ở những con số, nửa đầu năm 2025 cũng ghi nhận dấu ấn về chất lượng phát triển: Hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp liên tục được bổ sung; sản phẩm du lịch gắn với văn hóa, điện ảnh, di sản, thiên nhiên, ẩm thực… không ngừng đổi mới; chính sách miễn visa, xúc tiến điện ảnh, quảng bá số… được triển khai đồng bộ, góp phần nâng tầm vị thế du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Du lịch Việt Nam: Điểm sáng của nền kinh tế - ảnh 3
Đẩy mạnh xúc tiến ở các thị trường quốc tế trọng điểm. Trong ảnh: Bộ VHTTDL tổ chức Lễ hội văn hoá - du lịch Việt Nam tại Ba Lan (tháng 6.2025) trong Chương trình xúc tiến du lịch châu Âu

Những chính sách tạo lực đẩy

Điểm then chốt cho sự bứt phá của du lịch trong 6 tháng qua chính là loạt chính sách đột phá được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành, từ mở rộng danh sách miễn thị thực cho công dân các nước châu Âu, cho đến việc điều chỉnh biểu giá điện giúp cơ sở lưu trú du lịch tiết kiệm chi phí, giảm gánh nặng vận hành.

Các nghị quyết của Chính phủ, các Công điện của Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy tăng trưởng hai con số, tăng trưởng kinh tế..., thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cùng với đó, việc cắt giảm phí, lệ phí hành chính cho doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến tại các thị trường trọng điểm, triển khai du lịch bằng du thuyền, đường sắt, phát triển du lịch y tế... đang mở ra cơ hội phát triển toàn diện cho ngành.

Đáng chú ý, chương trình “Việt Nam - Đi để yêu” được triển khai sâu rộng, cùng với hàng loạt sự kiện như: VITM Hà Nội, Ngày hội Du lịch TP.HCM, Năm Du lịch Quốc gia - Huế 2025... đã tạo ra sức hút lớn, không chỉ trên thị trường trong nước mà còn lan tỏa ra quốc tế.

Hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch phát triển:

+ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 15.1.2025 của Chính phủ về việc miễn thị thực theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025 cho công dân các nước: Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc và Liên bang Thụy Sỹ;

+ Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5.2.2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Trong đó, Chính phủ giao Bộ VHTTDL thực hiện mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế; 120-130 triệu lượt khách nội địa;

+ Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 7.3.2025 của Chính phủ về việc miễn thị thực cho công dân 12 nước;

+ Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10.4.2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số;

+ Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22.4.2025 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025;

+ Quyết định số 14/2025/QĐ-TTg ngày 29.5.2025 của Thủ tướng Chính phủ: Quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Những thách thức cần hóa giải

Dù đạt nhiều kết quả ấn tượng, ngành Du lịch vẫn đang đối diện không ít thách thức: Sự cạnh tranh gay gắt trong khu vực; sản phẩm du lịch tuy đa dạng hơn nhưng chưa thực sự đột phá; hạ tầng một số nơi còn yếu; giá vé máy bay cao vào mùa cao điểm; chất lượng dịch vụ thiếu đồng đều, đặc biệt trong các dịp lễ lớn do thiếu nhân lực du lịch chất lượng…

Chính sách pháp lý cho các loại hình du lịch mới như: Du lịch đêm, du lịch nông thôn… vẫn còn nhiều vướng mắc.

Chính những điểm nghẽn này là “phép thử” thực sự để du lịch Việt Nam chứng minh năng lực quản trị, khả năng thích ứng và quyết tâm đi sâu vào chất lượng, bền vững.

Du lịch Việt Nam: Điểm sáng của nền kinh tế - ảnh 4
Nhiều cơ hội phát triển sau khi sáp nhập, cả nước đi vào vận hành chính quyền 2 cấp

Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm: Tăng tốc để bứt phá

Trong bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều dư địa, nửa cuối năm 2025 được xác định là thời điểm tăng tốc để cán đích mục tiêu: Đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa và tổng thu du lịch đạt từ 980 - 1.050 nghìn tỉ đồng.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành Du lịch sẽ tập trung thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ lớn: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp, từ sửa đổi Luật Du lịch, chính sách thị thực đến quy định về thuế, đất đai, đầu tư hạ tầng.

Đổi mới mạnh mẽ xúc tiến quảng bá theo hướng hiện đại, số hóa và gắn với văn hóa - điện ảnh - nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt tại các thị trường mục tiêu như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, EU và Mỹ.

Việc thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài và chương trình quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới cũng sẽ là những chiến lược dài hơi.

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa trải nghiệm và liên kết chặt chẽ giữa các vùng, ngành.

Từng địa phương cần có sản phẩm đặc trưng riêng, phù hợp với tiềm năng và xu hướng mới. Doanh nghiệp cần được tiếp sức bằng cơ chế ưu đãi và hành lang pháp lý thông thoáng để đầu tư sáng tạo.

Tầm nhìn dài hạn: Việt Nam - điểm đến toàn cầu

6 tháng đầu năm 2025 là lời khẳng định rõ ràng cho tầm vóc và vai trò ngày càng lớn của ngành Du lịch trong nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là ngành cần tiếp tục duy trì đà tăng trưởng không chỉ bằng những con số mà bằng chất lượng trải nghiệm, bằng thương hiệu điểm đến có bản sắc, có chiều sâu văn hóa và khả năng cạnh tranh bền vững.

Nếu biết phát huy đúng thời điểm, đúng chính sách, đúng nguồn lực, liên kết chặt chẽ, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn mình trở thành trung tâm du lịch có đẳng cấp khu vực và thế giới, không chỉ với tầm nhìn chiến lược, đồng hành cùng thời đại.

10 nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn phát triển mới

Để tạo sự bứt phá cho ngành Du lịch bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng, Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và toàn ngành Du lịch sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong giai đoạn tới gồm:

1. Tham mưu hoàn thiện thể chế theo hướng “kiến tạo phát triển”: Sửa đổi Luật Du lịch 2017 và các văn bản pháp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và thuận lợi cho công tác quản lý.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp du lịch.

2. Nghiên cứu, tham mưu ban hành “chính sách, cơ chế đột phá”: Phối hợp với các ngành Ngoại giao, Công an để tham mưu, đề xuất mở rộng chính sách miễn thị thực, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh để tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế.

Phối hợp tham mưu xây dựng và ban hành chính sách thuế phù hợp, đặc biệt về thuế đất đối với các khu du lịch, thuế nhập khẩu trang thiết bị khách sạn, vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển khách du lịch.

Phối hợp ngành Hàng không đề xuất mở rộng kết nối với các thị trường quốc tế; với ngành Nông nghiệp, Đường sắt để khai thác hiệu quả loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch đường sắt.

3. Tiếp tục định hướng phát triển du lịch đi vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu: Xây dựng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp và sản phẩm đặc thù theo vùng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực… mang tầm của điểm đến thế giới.

Sản phẩm du lịch được xây dựng trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh quốc gia gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.

Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch đẳng cấp, mang lại những giá trị trải nghiệm thực sự đặc sắc, ấn tượng cho du khách; định hướng phát triển, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu.

4. Thúc đẩy thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối, quy chế hoạt động, kế hoạch hành động vùng, liên vùng trong hoạt động du lịch.

Chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam gắn với phát triển xanh, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.

5. Cơ cấu lại thị trường du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động trên thị trường du lịch thế giới. 

Rà soát, nhanh chóng phục hồi, củng cố vững chắc các động lực tăng trưởng của Ngành; nghiên cứu tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới, còn nhiều dư địa, phù hợp với bối cảnh mới.

6. Đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng du lịch, cải thiện khả năng cạnh tranh về chi phí logistics, nhân lực.

7. Chỉ đạo, định hướng ngành Du lịch các địa phương tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách.

8. Tiếp tục đổi mới cả về nội dung, phương thức thực hiện, kết hợp hài hòa nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội trong quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia.

Tập trung quảng bá theo chiến dịch trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch.

9. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, các nền tảng số kết nối hệ thống thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách và điều hành, quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế.

10. Định hướng phát triển, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu.