Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Kon Tum năm 2024
VHO - Sáng 11.12, tại TP. Kon Tum, Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum phối hợp với Cục du lịch quốc gia Việt Nam tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch Kon Tum năm 2024. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hoá – Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS lần thứ II năm 2024.
Dự Hội nghị có: ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Kon Tum; bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, Trưởng Ban tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan Cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II, năm 2024; ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; cùng lãnh đạo Sở VHTTDL các tỉnh lân cận; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Kon Tum và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh.
Khách du lịch ngày càng biết đến Kon Tum
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc cho biết, trong những năm qua, du lịch tỉnh Kon Tum đã có bước phát triển khá, với lượng khách du lịch đến với địa phương tăng mạnh theo từng năm. Nếu như năm 2023, tỉnh Kon Tum đón hơn 1,3 triệu lượt khách, trong đó có 5.000 lượt khách quốc tế. Thì đến năm 2024, tổng lượt khách ước đạt hơn 2,3 triệu, với số lượng khách quốc tế tăng lên 8.500 lượt.
Đến nay, tỉnh đã công nhận 13 điểm du lịch và 1 khu du lịch cấp tỉnh. Tỉnh đang tích cực khảo sát, đánh giá để xem xét công nhận thêm các điểm du lịch mới, góp phần mở rộng các loại hình du lịch, tăng sức hấp dẫn của Kon Tum đối với du khách trong và ngoài nước.
Cùng với đó, các sản phẩm và dịch vụ du lịch của tỉnh ngày càng phong phú và đa dạng, có nhiều sản phẩm xây dựng được thương hiệu trong khu vực và cả nước. Tỉnh có những điểm nhấn du lịch nổi bật như: Du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng; du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng; du lịch tâm linh, cùng những trải nghiệm độc đáo như du lịch rừng gắn liền với sản phẩm sâm Ngọc Linh...
Đặc biệt, Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung tại Quyết định số 1128/QĐ-TTg ngày 8/10/2024 với những cảnh quan thiên nhiên, văn hóa độc đáo, giàu bản sắc... Theo thống kê, Kon Tum hiện đứng thứ 2 sau Lâm Đồng về lượt khách du lịch đến trong khu vực Tây Nguyên.
“Sự phát triển của ngành du lịch đã mang lại những chuyển biến tích cực trong cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Đặc biệt, không chỉ bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn giúp người dân tham gia tích cực vào các hoạt động du lịch cộng đồng, qua đó cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nói và nhấn mạnh.
“Thông qua các hoạt động tại Hội nghị, tỉnh Kon Tum mong muốn giới thiệu những nét đặc sắc về văn hóa, du lịch của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tạo điều kiện cho việc hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch, tăng cường kết nối tour, tuyến, thu hút du khách đến với tỉnh. Đồng thời là dịp để các đơn vị, địa phương ký kết, hợp tác xúc tiến đầu tư thương mại, phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội”.
Kon Tum có đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Bà Bạch Thị Mân, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum cho biết: Nằm ở độ cao trung bình 500 - 700m, khí hậu trong lành mát mẻ, Kon Tum là vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch, từ cảnh quan thiên nhiên độc đáo, văn hóa đặc sắc, đến hệ thống di tích lịch sử ý nghĩa.
Kon Tum sở hữu hệ sinh thái đa dạng gồm: Rừng, núi, sông, suối, thác nước và thảm thực vật phong phú; tỉnh có nhiều địa danh nổi bật như: Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen với khí hậu mát mẻ quanh năm; Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, và Rừng đặc dụng Đăk Uy - những báu vật thiên nhiên mang giá trị bảo tồn và khám phá.
Kon Tum còn tự hào là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa của 28 dân tộc anh em như: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Rơ Măm, Brâu và các dân tộc khác… Những lễ hội truyền thống, nghi thức văn hóa cộng đồng, trò chơi dân gian và đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã làm phong phú thêm vẻ đẹp văn hóa nơi đây.
Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum sở hữu hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc như: Nhà thờ Gỗ, Tòa Giám mục, Chùa Bác Ái, Cầu treo Kon Klor và nhà rông truyền thống là những biểu tượng không thể bỏ qua khi đến với Kon Tum; Di tích lịch sử Đăk Tô - Tân Cảnh; các làng du lịch cộng đồng như Kon Ko Tu và Kon Jơ Dri, đón gần 8.000 lượt khách mỗi năm, là điểm đến lý tưởng để tìm hiểu văn hóa của đồng bào Ba Na.
Để đạt được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, tỉnh Kon Tum đã đặt ra các định hướng phát triển cụ thể, gắn với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nhiệm vụ chính cụ thể như: Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; tăng cường đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường.
“Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tỉnh Kon Tum sẽ cung cấp các chính sách hỗ trợ ưu đãi nhằm thu hút các dự án lớn. Đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng và nông nghiệp; tập trung phát triển hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất ngành du lịch, nâng cao năng lực phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách; xây dựng cơ chế hợp tác công tư, huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch”, Phó giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum cho biết.
Cũng theo Phó giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum, giai đoạn từ năm 2022 đến nay, Kon Tum đã hỗ trợ, hướng dẫn hơn 110 lượt nhà đầu tư, doanh nghiệp đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Kết quả là đã thu hút được 18 dự án mới với tổng vốn đầu tư hơn 2.214 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đang còn hiệu lực lên 153 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 36.602 tỷ đồng.
"Tỉnh Kon Tum trân trọng mời gọi các nhà đầu tư để cùng khai thác tiềm năng, xây dựng những sản phẩm du lịch chất lượng, góp phần đưa Kon Tum trở thành một trung tâm du lịch xanh, bền vững, và hiệu quả. Tỉnh cam kết luôn tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính; cung cấp các chính sách hỗ trợ ưu đãi; tập trung phát triển hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất ngành du lịch", Phó giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum cho hay.
Tại Hội nghị, các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển du lịch; giới thiệu các tour, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, bày tỏ mong muốn phối hợp với các tỉnh bạn, các tổ chức, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú mở rộng kết nối để cùng phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Các đại biểu tham gia Hội nghị cũng thảo luận, đưa ra giải pháp nhằm đưa du lịch Kon Tum phát triển một cách bền vững, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước trong thời gian đến.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá, tỉnh Kon Tum có khí hậu mát mẻ, hệ sinh thái độc đáo, đa dạng và nơi lưu giữ đa dạng nền bản sắc văn hóa các dân tộc. Tuy vậy, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa đám ứng yêu cầu, sản phẩm du lịch chưa đa dạng và hấp dẫn nên chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đề nghị: “Tỉnh Kon Tum chú trọng thực hiện các giải pháp để khắc phục hạn chế, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh du lịch tại địa phương. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của vùng như du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch với các tỉnh khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung; đầu tư phát triển hạ tầng cũng như các sản phẩm, dịch vụ du lịch để nâng cao chất lượng du lịch trên địa bàn tỉnh”.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum Nguyễn Văn Bình đánh giá, Hội nghị đã được nghe ý kiến phát biểu, định hướng sâu sát của Lãnh đạo Ủy ban, Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ý kiến thảo luận, trao đổi, chia sẻ, đóng góp nhiệt tình, đầy tâm huyết, trách nhiệm của Lãnh đạo các cơ quan ban ngành Trung ương; các địa phương, nhà quản lý, nhà đầu tư, các doanh nghiệp đánh giá tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch cũng như các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, quảng bá xúc tiến và liên kết phát triển du lịch trong thời gian tới.
"Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch lần này tập trung kết nối hành trình di sản miền Trung và Tây Nguyên để phát huy lợi thế của cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Ngọc Hồi; tạo chuỗi liên kết có tính hệ thống nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch.
Thông qua đó tạo môi trường và cầu nối cho các doanh nghiệp, nhà quản lý có cơ hội giao lưu, trao đổi, đề xuất, những giải pháp quảng bá cho du lịch Kon Tum và đề xuất xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích hợp tác giữa du lịch điện ảnh - thể thao, tạo thế kiềng ba chân vững chắc để tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá thu hút đầu tư du lịch;
Kết nối tour, tuyến điểm du lịch Kon Tum với các tỉnh, thành trong cả nước để quảng bá, thu hút khách du lịch đến Kon Tum, kết nối xây dựng các tour du lịch đến với Kon Tum, tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong cả nước để trao đổi nguồn khách đến và đi góp phần đưa du lịch Kon Tum phát triển", Giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum khẳng định.