Hệ sinh thái "3 chân kiềng" của Sun Group đem lại điều gì cho du lịch Quảng Ninh?

VHO- Năm 2016, Quảng Ninh đón 8,3 triệu du khách. Đến năm 2019, con số này tăng gần gấp đôi, đạt 14 triệu lượt. Mức chi tiêu bình quân một du khách cũng tăng 9% so với năm 2018. Nhưng những con số trên không được tạo nên chỉ bởi những danh lam thắng cảnh mà tỉnh này vốn dĩ có thừa…

Những chiếc tàu thăm vịnh từ thế kỷ trước

Một thế kỷ trước, người Pháp đã không bỏ lỡ cơ hội khai thác tiềm năng du lịch từ vịnh Hạ Long của Quảng Ninh. Họ tổ chức các chuyến tham quan vịnh vào các dịp lễ các Thánh, Giáng sinh, Tết Nguyên đán của người Việt… Một trong những hãng du lịch lớn nhất trên Vịnh Hạ Long khi đó là hãng P.Roque- sở hữu một đội tàu hơi nước hạng sang, đặt tên theo các loại ngọc như: Perle (ngọc trai), Emeraude (ngọc lục bảo), Rubis (hồng ngọc), Saphir (ngọc lam)… Mỗi tàu phục vụ được ít nhất là 20 người. Trên tàu có phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, quạt điện, buồng tắm, tủ lạnh, buồng tối dành cho nghề ảnh.

Một góc Hạ Long, Quảng Ninh

Với hành trình 2 - 4 ngày, du khách sẽ được đưa tham quan các hang động trên Vịnh, cảng Vạn Hoa, lên bộ tham quan các mỏ than ở Hà Tu, Cẩm Phả, thậm chí đi tàu thuỷ đến tận cảng Mũi Ngọc (Móng Cái). Ngoài đi tàu hạng sang theo các tour kể trên, du khách có thể thuê xuồng gắn máy khám phá vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long hoặc thuê thuyền tam bản (thuyền nan) để tham quan các hang động.

Cho đến tận những năm 90, du lịch Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung vẫn cứ duy trì cách thức làm cũ đó. Các cơ sở lưu trú rất ít, nghèo nàn và trang bị lạc hậu, trong đó vai trò chủ đạo là các doanh nghiệp nhà nước. Cả khu vực Bãi Cháy chỉ có một vài khách sạn như Vườn Đào, Bạch Đằng, Hạ Long, Giao Tế… có thể phục vụ khách nước ngoài và các đoàn khách của Chính phủ. Một số khách sạn của các ngành như: Công đoàn, Than, Điện lực... chỉ phục vụ cán bộ, công nhân của ngành đến nghỉ dưỡng và chủ yếu vào mùa hè. Dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, ăn uống... còn nghèo nàn, giá cả thì chặt chém vô tội vạ. Sở hữu vịnh biển đẹp như tranh, nhưng kinh tế Quảng Ninh lại sống nhờ vào… than đá. Cả một vùng vịnh lúc nào cũng nhuốm màu bụi than đen mờ mịt.

Premier Village Ha Long Bay Resort bên bờ biển Bãi Cháy. 

Khi Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần đầu năm 1994 và lần hai năm 2000, tình hình tốt hơn, nhưng mọi hoạt động du lịch vẫn chỉ loanh quanh ở cái thời cả vài chục năm trước, vẫn là đi thuyền thăm vịnh, ăn hải sản rồi… về. Năm 2015 tăng lên, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh mới đạt 7,7 triệu lượt, doanh thu 6.548 tỷ đồng. 

Công cuộc “chuyển màu” và những dấu ấn không nơi nào có được

Cuộc cách mạng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, thay thế màu bụi than và sự phụ thuộc khai khoáng bằng “ngành công nghiệp xanh” - du lịch đã được Quảng Ninh bắt đầu hơn 10 năm trước. Chiến lược kêu gọi những tên tuổi lớn như Sun Group, Vingroup, BIM Group… đầu tư vào du lịch đã mang tới những sản phẩm du lịch “độc nhất vô nhị”. 

Một hệ sinh thái du lịch đã được tập đoàn du lịch hàng đầu châu Á Sun Group mang tới cho Quảng Ninh. Và tính đến giờ, đây có lẽ là tỉnh duy nhất sở hữu đầy đủ nhất các sản phẩm trong hệ sinh thái của Sun Group. 

Tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đẹp như tranh vẽ

Một hệ thống giao thông đồng bộ và mang đẳng cấp quốc tế trên cả đường không (với sân bay quốc tế Vân Đồn), đường thủy (với Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long) và đường bộ (với các cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và Vân Đồn – Móng Cái) đưa du khách tới Quảng Ninh theo một cách tiện nghi nhất. Bãi tắm Bãi Cháy được cải thiện, cát trắng, nước trong sạch sẽ.

Một tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Ha Long ra đời, quy mô lớn nhất miền Bắc, với tuyến cáp treo Nữ Hoàng đạt 2 kỷ lục thế giới băng qua eo biển lên đỉnh Ba Đèo, nơi có khu đồi kỳ bí với rất nhiều những khám phá mang đậm chất Nhật Bản và tổ hợp 2 công viên chủ đề lần đầu tiên có ở miền Bắc. 

Tổ hợp Sun World Ha Long thu hút đông đảo du khách. 

Năm 2020, Premier Village Ha Long Bay Resort - khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên ở Hạ Long mở cửa đón khách. Cũng năm đó, khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh chính thức vận hành, tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc, giúp Quảng Ninh có bước tiến dài để phá thế du lịch mùa vụ.  

Tính đến năm 2019, khách du lịch tới Quảng Ninh đạt trên 14 triệu lượt, tức là gần gấp đôi lượng khách năm 2015, khi Quảng Ninh chưa có sự xuất hiện của hàng loạt sản phẩm du lịch mới. Mức chi tiêu bình quân cho một du khách cũng thay đổi tích cực, tăng 9% so với năm 2018, đạt 2,1 triệu đồng/lượt khách. Tổng doanh thu từ khách du lịch năm 2019 đạt 29.487 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần con số năm 2015. 

Cuộc “chuyển màu” đã giúp du lịch Quảng Ninh ghi những dấu ấn thăng hạng xuất sắc hơn bất cứ tỉnh nào ở Việt Nam khi đó.

Sân bay quốc tế Vân Đồn do Sun Group đầu tư. 

Sau đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đang cùng các doanh nghiệp du lịch lớn nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới, tăng thêm trải nghiệm cho du khách, để chạm tới mục tiêu đón 15 triệu lượt khách. Tĩnh cũng đã xác định sẽ đưa vào khai thác trong năm nay 39 sản phẩm du lịch mới. Trong đó, thành phố Hạ Long dẫn đầu với 8 sản phẩm, một số sản phẩm đã từng thử nghiệm từ những năm trước như “Phố đêm du thuyền,” du lịch thể thao, vui chơi giải trí thuyền buồm trên vịnh Hạ Long, nghe nhạc trên vịnh Hạ Long hay tuyến phố đêm, phố đi bộ ở khu vực chùa Long Tiên (phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long)… Ngay trong hệ sinh thái của Sun Group, các thương hiệu cũng đã liên kết chặt chẽ, cho ra mắt những combo du lịch nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí – chăm sóc sức khỏe với tắm onsen vừa độc đáo lại vừa có mức giá hấp dẫn tại Quảng Ninh. 

“Mỗi tập đoàn đều có vai trò nâng tầm du lịch Quảng Ninh, nhưng Sun Group có vai trò đặc biệt khác hẳn. Sun Group không chỉ kiến tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp, khác biệt mà còn xây dựng hạ tầng giao thông bài bản, hiện đại để kết nối Quảng Ninh với thế giới, với các địa phương khác để tạo ra hoạt động thông thương. Với cách tiếp cận du lịch 4 mùa, Sun Group cũng tiên phong đi đầu. Hay việc phát triển kinh tế ban đêm cũng là sáng kiến thực thi với lực lượng chính là Sun Group”, TS Trần Đình Thiên đánh giá.

Định hướng của Chính phủ về sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam đã được tóm tắt thành khẩu hiệu: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Và cái cách mà Quảng Ninh và Sun Group đã tạo dấu ấn trong thập kỷ qua có thể sẽ trở thành một ví dụ điển hình, để nhiều điểm đến tham khảo, trong quá trình hiện thực hóa khẩu hiệu trên. 

H.H
 

Ý kiến bạn đọc