Hành động thực chất, tư duy chiến lược để du lịch Việt Nam vươn tầm

NGUYỄN ANH; ảnh: NGỌC HOA

VHO - Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của ngành Du lịch do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 9.7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì, các tham luận tâm huyết từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam và đại diện địa phương đã "phác họa bức tranh" nhiều khát vọng, phản ánh tinh thần quyết liệt trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

Hành động thực chất, tư duy chiến lược để du lịch Việt Nam vươn tầm - ảnh 1
Hội nghị trực tuyến tới 34 đầu cầu Sở quản lý du lịch trên toàn quốc

Các ý kiến tham luận cũng tập trung vào việc tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, đổi mới phương thức xúc tiến du lịch, xây dựng các sản phẩm mới, cơ hội phát triển sau sáp nhập và khi thực hiện chính quyền 2 cấp trên cả nước.

Tư duy dài hạn, hành động quyết liệt

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: “Trong bối cảnh du lịch thế giới và khu vực đang phục hồi nhanh, Việt Nam cần có tư duy xúc tiến linh hoạt, hành động đồng bộ và chiến lược rõ ràng để tận dụng thời cơ, tạo bứt phá về chất lượng và hiệu quả”.

Theo ông, kết hợp hài hòa giữa xúc tiến truyền thống và hiện đại là hướng đi tất yếu. Không thể chỉ chạy theo công nghệ mà bỏ qua xúc tiến trực tiếp, cũng không thể mãi dùng cách cũ mà bỏ lỡ xu hướng số hóa toàn cầu.

Trong đó, xúc tiến trực tiếp vẫn giữ vai trò quan trọng, nhất là tại các thị trường trọng điểm. Văn phòng Xúc tiến Du lịch đầu tiên tại nước ngoài sẽ được Hiệp hội Du lịch Việt Nam khai trương tại Seoul (Hàn Quốc) vào ngày 16.7.2025.

Văn phòng này không chỉ quảng bá hình ảnh điểm đến mà còn tiếp thị, bán sản phẩm du lịch một cách chuyên nghiệp và dài hạn.

Ông Vũ Thế Bình đặc biệt nhấn mạnh hai trụ cột cốt lõi trong chiến lược phục hồi hậu Covid-19: Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Ông đề xuất ngành Du lịch sớm xây dựng hệ thống tiêu chí du lịch xanh thực tiễn, đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quản lý, xúc tiến, điều hành, phù hợp với xu thế tiêu dùng số và yêu cầu trải nghiệm của khách quốc tế.

Bên cạnh đó, ông khẳng định: “Sản phẩm là vấn đề cốt lõi trong phát triển du lịch. Sản phẩm du lịch phải độc đáo, hấp dẫn, khác biệt. Văn hóa Việt Nam cực kỳ phong phú và giàu bản sắc, cần được chuyển hóa thành những sản phẩm du lịch đặc trưng”.

Ông đề nghị các tỉnh, thành cần kiểm kê lại toàn bộ tài nguyên du lịch, đánh giá sản phẩm hiện có, từ đó xây dựng chiến lược phù hợp, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương đang thực hiện sáp nhập hành chính.

Về tổ chức bộ máy, ông nhấn mạnh: “Không thể chờ có đủ đội ngũ mới làm, mà cần bồi dưỡng cấp tốc nguồn nhân lực quản lý du lịch mới tại địa phương để kịp thời đáp ứng yêu cầu”.

Việc nâng cao chất lượng cán bộ, vừa về năng lực chuyên môn vừa về tư duy thị trường là điều kiện bắt buộc nếu muốn phát triển chuyên nghiệp và bền vững.

Hành động thực chất, tư duy chiến lược để du lịch Việt Nam vươn tầm - ảnh 2
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Ở góc độ thể chế, ông đề xuất rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính, song lưu ý “không được cực đoan theo hướng xóa bỏ toàn bộ”.

Mọi cải cách phải gắn với hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ. Đồng thời, cần nghiêm túc đánh giá lại việc thực thi Luật Du lịch 2017, ở đó còn nhiều nội dung tiến bộ chưa được triển khai thực chất.

Ông cũng đặt vấn đề: “Con số tăng trưởng hiện nay có thực sự mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước?”. Theo ông, cần làm rõ chất lượng tăng trưởng để tránh tình trạng địa phương chạy theo số lượng mà bỏ qua giá trị bền vững, hiệu quả xã hội và năng lực cạnh tranh dài hạn.

Cuối cùng, ông Vũ Thế Bình tái khẳng định vai trò trung tâm của xúc tiến quảng bá, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm. Xúc tiến không thể chỉ trông chờ ngân sách, mà phải có chiến lược, sự chủ động và chuyên nghiệp.

 “Muốn du lịch Việt Nam thực sự vươn tầm, cần hành động thực chất với quyết tâm cao; cần kế hoạch dài hạn, không chỉ ứng biến ngắn hạn. Và trên hết, cần sự vào cuộc đồng bộ, từ trung ương đến địa phương, từ thể chế đến thị trường, từ con người đến sản phẩm”, ông cho biết.

Du lịch Thủ đô đồng hành cùng cả nước tăng tốc

Tham luận của bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đã mang đến cái nhìn toàn diện và quyết liệt về vai trò, kỳ vọng cũng như định hướng phát triển của du lịch Thủ đô trong giai đoạn cuối năm.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh tinh thần quyết tâm và chủ động của ngành Du lịch Hà Nội trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển, đồng hành cùng cả nước thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Thủ đô Hà Nội đã đón hơn 15,5 triệu lượt khách, trong đó có 3,66 triệu lượt khách quốc tế, tăng lần lượt 11,8% và 21,8% so với cùng kỳ năm 2024.

Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 62.300 tỉ đồng, tăng 14,6%. Đây là kết quả ấn tượng, đặt trong bối cảnh ngành Du lịch đang đối mặt với áp lực cạnh tranh khu vực và yêu cầu chuyển đổi nhanh theo hướng bền vững, chất lượng.

Hành động thực chất, tư duy chiến lược để du lịch Việt Nam vươn tầm - ảnh 3
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội

Bà Giang cho biết, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 8% trở lên, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ trên 31 triệu lượt khách, trong đó có hơn 7,5 triệu lượt khách quốc tế. Trên cơ sở đó, ngành du lịch Thủ đô sẽ tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm.

Cụ thể là Sở sẽ tham mưu hoàn thiện hệ thống quy hoạch phát triển du lịch; kiến nghị Bộ VHTTDL phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (Chùa Hương), nơi có tiềm năng trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu của cả nước và khu vực.

Phát triển sản phẩm du lịch mới, tăng tính trải nghiệm và bản sắc. Trong đó, Hà Nội đang đẩy mạnh khai thác tour du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch đêm gắn với giá trị di tích, không gian văn hóa và biểu diễn nghệ thuật.

Một số sản phẩm, sự kiện du lịch nổi bật được đề cập gồm: Du lịch Hà Nội chào 2025 - Get on Hanoi, Lễ hội Du lịch Hà Nội 2025, tour trải nghiệm Con đường đạo học tại Hà Đông - Ứng Hòa - Phú Xuyên (cũ), các sản phẩm du lịch làng nghề tại Bát Tràng, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn (cũ)…

Tổ chức các chuỗi sự kiện tầm cỡ: Từ Festival Áo dài Hà Nội, Festival mùa thu Hà Nội, Lễ hội đồ uống Hà Nội, Liên hoan du lịch ẩm thực và làng nghề, phố nghề Hà Nội 2025; hướng tới phối hợp tổ chức các sự kiện chào mừng 80 năm Quốc khánh 2.9 tất cả đều được định hướng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hấp dẫn, mang đậm dấu ấn Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá thị trường quốc tế với việc tập trung nhóm thị trường trọng điểm, tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh và ẩm thực, đồng thời phát triển chiến dịch truyền thông số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong xúc tiến du lịch.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, Hà Nội đề xuất xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số trong ngành Du lịch, phát triển nền tảng quản trị và chia sẻ dữ liệu liên vùng. Đồng thời chú trọng đào tạo chuyên sâu nhân lực chất lượng cao để phục vụ định hướng phát triển bền vững.

Bên cạnh các nhiệm vụ cụ thể, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đã đưa ra một số đề xuất then chốt: Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương.

Đề nghị Bộ VHTTDL tham mưu trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 45/2019/NĐ-CP để làm rõ thẩm quyền xử phạt hành chính sau khi chuyển Thanh tra Sở về Thanh tra Thành phố, đảm bảo hiệu lực quản lý.

Ban hành Thông tư về định mức kinh tế - kỹ thuật cho nhiệm vụ điều tra đánh giá tài nguyên du lịch, yếu tố nền tảng để quy hoạch và đầu tư phát triển bền vững.

Phát biểu của bà Đặng Hương Giang không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị và năng lực tổ chức của Hà Nội mà còn là tiếng nói đồng hành cùng ngành Du lịch cả nước trong hành trình nâng cao vị thế quốc gia.

Với tư duy đổi mới, cách tiếp cận linh hoạt, nhạy bén, cùng sự hỗ trợ từ Trung ương, Hà Nội kỳ vọng sẽ tiếp tục là điểm sáng trong bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc