Du lịch phải trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đột phá của Lào Cai

THUÝ HÀ; ảnh: HỒNG HÀ

VHO - Ngày 12.7, UBND tỉnh Lào Cai đã làm việc với Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam để trao đổi, bàn về việc phát triển du lịch tỉnh thời gian tới; tham vấn ý kiến chuyên gia, tìm ra những giải pháp để khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế, tài nguyên du lịch của tỉnh Lào Cai; thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn “đột phá”.

Du lịch phải trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đột phá của Lào Cai - ảnh 1

Toàn cảnh buổi làm việc giữa UBND tỉnh Lào Cai và HHDL Việt Nam

Tham dự có Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch danh dự HHDL tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung, Giám đốc Sở Du lịch Hà Văn Thắng, Chủ tịch HHDL Lào Cai Phạm Cao Vỹ và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Về phía đoàn công tác của HHDL Việt Nam có ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch HHDL Việt Nam, ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký HHDL Việt Nam, ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc HHDL Việt Nam, lãnh đạo một số doanh nghiệp du lịch.

Đứng đầu khu vực Tây Bắc mở rộng

Chủ tịch Trịnh Xuân Trường cho biết, trong những năm qua, trên cơ sở phát huy những lợi thế về tiềm năng tài nguyên du lịch, đặc biệt là cảnh quan, khí hậu, văn hóa dân tộc và hạ tầng du lịch, Lào Cai đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW ngày của Bộ Chính trị và Kế hoạch 186/KH-UBND của UBND Lào Cai ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 148-Ctr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW.

Du lịch Lào Cai dần đã khẳng định được vị thế trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, góp phần tích cực phát triển du lịch vùng Tây Bắc nói riêng và vùng Trung du miền núi phía bắc nói chung. Năm 2019, đóng góp trực tiếp vào GRDP của tỉnh là 12,3% và phát triển du lịch đã tạo được sức lan tỏa thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác cúng phát triển và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

Du lịch Lào Cai đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt 18,27%/năm (khách quốc tế: 9,6%/năm, khách nội địa 24,3%/năm); trong 10 năm trở lại đây 2009 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân là 22%/năm. Đây là mức tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng trung bình về khách du lịch đến vùng núi Tây Bắc.

Du lịch phải trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đột phá của Lào Cai - ảnh 2

Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch danh dự HHDL tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nêu nhiều trăn trở trong việc phát triển du lịch ở Lào Cai

Tỉnh Lào Cai cũng định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đột phá, tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy du lịch. Mục tiêu “Đến năm 2050 Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực, gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi, nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình”. Cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân Lào Cai đã và đang nỗ lực để đạt được mục tiêu đó.

6 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch đến với Lào Cai đạt 4,58 triệu lượt, trong đó: khách du lịch nội địa đạt 4,1 lượt, khách quốc tế đạt 466 nghìn lượt (khách lưu trú qua đêm đạt trên 3 triệu lượt); tăng 9% so với lũy kế cùng kỳ năm 2023 đạt 54% so với kế hoạch năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch đạt 15.005 tỉ đồng, tăng 12% so với lũy kế cùng kỳ năm 2023, đạt trên 55% so với kế hoạch năm 2024.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Văn Thắng cho biết: “Lào Cai đứng đầu khu vực cả về lượng khách và doanh thu du lịch. Về lượng khách, Lào Cai đứng thứ 12/63 tỉnh, thành trên cả nước; đứng 8/14 tỉnh có sở Du lịch; đứng đầu trong các tỉnh Tây Bắc mở rộng. Về doanh thu du lịch, Lào Cai đứng thứ 8/63 tỉnh, thành trên cả nước; đứng 6/14 tỉnh có sở Du lịch; đứng đầu trong các tỉnh Tây Bắc mở rộng”.

Du lịch Lào Cai tiếp tục được du khách đánh giá là điểm du lịch hấp dẫn, Sa Pa vào Top những 5/7 điểm đến thịnh hành nhất thế giới 2024 do nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor bình chọn, 6 tháng đầu năm du lịch Lào Cai giữ được đà tăng trưởng ổn định, lượng khách tăng hơn so với cùng kỳ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch từng bước được nâng lên.

Toàn tỉnh có 53 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 48 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 5 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Có 380 HDV du lịch đang hoạt động, trong đó có 141 HDV du lịch quốc tế, 127 HDV du lịch nội địa và 112 HDV tại điểm.

Cả tỉnh có 1.574 cơ sở lưu trú, với khoảng 16.000 phòng. Trong đó có 4 khách sạn hạng 5 sao; 9 khách sạn hạng 4 sao; 13 khách sạn hạng 3 sao; 61 khách sạn hạng 2 sao; 129 khách sạn hạng 1 sao; 890 cơ sở lưu trú không xếp hạng (khách sạn, nhà nghỉ) và 468 homestay.

Toàn tỉnh Lào Cai có 36 khu, điểm du lịch, trong đó 1 khu du lịch quốc gia Sa Pa, 2 khu du lịch cấp tỉnh, 33 điểm du lịch. Lào Cai có khoảng 2.436 cơ sở gồm (dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch).

Tỉnh lào Cai có khoảng 28.600 lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 13.600 lao động trực tiếp đang làm việc trong lĩnh vực du lịch, lĩnh vực lưu trú khoảng 6.500 lao động; lĩnh vực lữ hành 1.700 lao động, hướng dẫn viên 361 lao động; khu, điểm du lịch 358 lao động; cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp 95 lao động; tổ chức xã hội nghề nghiệp du lịch: 105 lao động; lĩnh vực dịch vụ du lịch khác (vui chơi, giải trí, mua sắm, ăn uống, thể thao, chăm sóc sức khoẻ khoảng 4.550 lao động); vận chuyển 3.088 lao động và khoảng 15.000 lao động gián tiếp.

Du lịch phải trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đột phá của Lào Cai - ảnh 3

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch HHDL Việt Nam và các thành viên đoàn công tác đã nêu nhiều ý kiến nhằm phát triển du lịch Lào Cai thời gian tới

Du lịch Lào Cai vẫn đầy rẫy khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được đó, ông Hà Văn Thắng cho rằng, du lịch Lào Cai vẫn còn nhiều khó khăn, chưa khai thác thực sự hiệu quả tiềm năng, lợi thế cực lớn về du lịch của tỉnh.

Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động phát triển du lịch có mặt còn hạn chế. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, Đề án, Chỉ thị về quản lý, nâng cao chất lượng du lịch trong lĩnh vực du lịch chưa đạt hiệu quả cao... Nhận thức về bảo tồn, khai thác phát huy tài nguyên du lịch, trách nhiệm quản lý và hỗ trợ phát triển du lịch của một số địa phương còn yếu.

Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật còn khó khăn, nhiều tuyến đường xuống cấp, một số tuyến đầu tư nâng cấp chậm hoàn thành, nhiều tuyến đường tiếp cận điểm đến du lịch (nhất là các đỉnh núi thác nước) chưa được đầu tư.

Hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn du lịch, sơ đồ du lịch, điểm dừng chân ngắm cảnh, bãi đỗ xe phục vụ du lịch tại các vùng trọng điểm du lịch (Sa Pa, thành phố Lào Cai, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên) còn thiếu. Các cơ sở lưu trú phần lớn là các cơ sở đạt tiêu chuẩn tối thiểu phục vụ khách du lịch, thiếu những cơ sở lưu trú chất lượng cao.

Sản phẩm du lịch, môi trường du lịch, cạnh tranh điểm đến của Lào Cai cũng còn nhiều tồn tại cần giải quyết. Cụ thể là khả năng làm mới điểm đến của Lào Cai diễn ra chậm; thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù tạo sự khác biệt hấp dẫn khách qua đó hạn chế khả năng cạnh tranh của điểm đến Lào Cai.

Việc triển khai du lịch nông thôn, hướng dẫn, quản lý sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ (du lịch leo núi, leo thác...) tại địa phương còn lúng túng.

Tình trạng ô nhiễm rác thải, tiếng ồn, ánh sáng, suy giảm tài nguyên du lịch; xây dựng trái phép tại các khu, điểm du lịch, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; các tiểu dự án chỉnh trang đô thị nhất là tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa chưa phù hợp; việc bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch đã ảnh hưởng đến ấn tượng của khách du lịch khi đến Lào Cai.

Các hoạt động quảng bá, xúc tiến đối với các thị trường quốc tế chưa được chú trọng (hiện nay chủ yếu bằng hình thức trực tuyến, thông qua hệ thống internet); chưa có hoạt động liên kết với các hãng truyền thông quốc tế để quảng bá do thiếu kinh phí và cơ chế tài chính chi trả cho các hoạt động này. Kinh phí tổ chức xúc tiến tại các thị trường quốc tế, quảng bá trên các hãng truyền thông quốc tế lớn và không có quy định, định mức để thẩm định dự toán kinh phí thực hiện.

Nhân lực du lịch chưa đáp ứng về số lượng, thiếu nhân lực có trình độ cao. Tại các địa phương (đặc biệt các địa phương phát triển du lịch) còn thiếu cán bộ có chuyên môn trong lĩnh vực du lịch. Đội ngũ tham mưu công tác phát triển du lịch tại các địa phương mỏng và yếu nên chưa tham mưu được hoạt động phát triển du lịch tại địa phương. Phòng Văn hoá Thông tin của các địa phương, một cán bộ phụ trách nhiều mảng hầu hết là cán bộ chuyên ngành Văn hóa, không có riêng biên chế cho lĩnh vực du lịch.

Du lịch phải trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đột phá của Lào Cai - ảnh 4
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai báo cáo về tình hình hoạt động của du lịch Lào Cai thời gian vừa qua và đề xuất các nội dung, nhiệm vụ phát triển thời gian tới

Ông Hà Văn Thắng chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, tồn tại nêu trên là do du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, việc triển khai Đề án, nghị quyết, kế hoạch phát triển du lịch cần có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, của các địa phương liên quan. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách địa phương đầu tư cho việc triển khai còn hạn chế, chủ yếu phải dựa vào việc lồng ghép các nguồn xã hội hóa và nguồn vốn khác nên dẫn tới tình trạng một số nhiệm vụ chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch đòi hỏi vốn lớn, song nguồn hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch của Trung ương đối với tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương. Sự khó khăn về nguồn lực cũng ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô đầu tư, phạm vi đầu tư bên cạnh đó, do lợi thế cạnh tranh giữa khu vực trung tâm và các vùng phụ cận nên các dự án chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm.

Các cơ sở lưu trú chất lượng cao, các khu nghỉ dưỡng thường được đầu tư bởi các nhà đầu tư lớn, chi phí cao, thời gian hoàn thành dự án dài, thời gian thu hồi vốn lâu. Một phần do chế độ ưu đãi các nhà đầu tư của địa phương chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư.

Nguồn lực đầu tư cho du lịch còn hạn chế, sự tham gia của các doanh nghiệp và các địa phương vào việc xây dựng sản phẩm du lịch hạn chế, mới chú trọng đến việc khai thác sản phẩm du lịch mà chưa chú trọng công tác xây dựng sản phẩm du lịch.

Đến nay, Bộ VHTTDL chưa có hướng dẫn về văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai du lịch nông thôn, xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về du lịch nông thôn gắn với công tác quản lý nhà nước về du lịch (theo Quyết định 922/QĐ-TTg); chưa có quy định cụ thể và chi tiết về tiêu chuẩn biện pháp đảm bảo an toàn khi kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của khách du lịch đối với từng sản phẩm du lịch được quy định tại Điều 8, Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31.12.2017 của Chính phủ. Vì vậy, việc triển khai du lịch nông thôn, hướng dẫn, quản lý sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ (du lịch leo núi, leo thác...) còn nhiều khó khăn.

Các chế tài xử phạt chưa cao và các địa phương còn quyết liệt trong công tác quản lý đô thị, quản lý các công trình xây dựng cũng là nguyên nhân khiến du lịch gặp khó khăn trong phát triển. Số lượng các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn nhiều trong khi lực lượng thanh tra mỏng.

Các đề xuất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không do tỉnh quyết định mà chủ yếu liên quan đến việc sửa đổi những quy định, thông tư của Trung ương như: Luật đất đai, quy định về phòng cháy chữa cháy.... Việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật phải thực hiện theo đúng quy trình, nội dung văn bản liên quan đến nhiều cơ quan đơn vị nên cần nhiều thời gian xin ý kiến, tổng hợp ý kiến.

Du lịch phải trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đột phá của Lào Cai - ảnh 5
Thị trấn Sa Pa xưa bồng bềnh trong mây trắng. Ảnh tư liệu

Sa Pa không thể gồng gánh được cho toàn bộ du lịch Lào Cai

Với tinh thần cầu thị, “nói thật, nghĩ thật, hành động thật, hiệu quả thật”, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết: “Tỉnh Lào Cai định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đột phá, tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy du lịch. Mục tiêu “Đến năm 2050 Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi, nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình”. Toàn thể hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân Lào Cai đã và đang nỗ lực để đạt được mục tiêu đó”.

Xác định Lào Cai là địa bàn trọng điểm về du lịch của cả nước. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong du lịch ngày càng khắc nghiệt, đòi hỏi chất lượng ngày càng cao. Trong khi đó, Lào Cai chưa có nhiều sản phẩm du lịch mới. Lợi ích thu được từ du lịch chủ yếu nằm ở doanh nghiệp, chính quyền thu thuế ít, người dân địa phương chưa được hưởng lợi nhiều. 1 năm Lào Cai thu ngân sách hơn 10 nghìn tỉ đồng, nhưng du lịch chỉ được 400 tỉ đồng.

Băn khoăn về môi trường du lịch ở Lào Cai, ông Trịnh Xuân Trường cho biết ước mơ có môi trường du lịch Bình thân thiện như ở Ninh Bình, người dân hoà nhã, vui vẻ, vui mừng đón khách. Hà Giang cũng có môi trường du lịch tốt, người dân tham gia vào hoạt động du lịch và hưởng lợi nhiều từ du lịch. Trong khi đó, Lào Cai vẫn còn tình trạng chèo kéo, ăn xin, đeo bám khách để bán hàng; vệ sinh môi trường nhiều nơi chưa đảm bảo, chưa giải quyết được. Tỉnh cũng không có cơ chế hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch.

Tốc độ tăng trưởng du lịch lớn, đạt 55%, đóng góp GRDP lớn, khách du lịch thật và nhưng nguồn thu ngân sách từ du lịch không tăng so với năm trước. Ông Trịnh Xuân Trường cho biết đang rà soát lại toàn bộ các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, với các điểm du lịch tự phát, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, vi phạm quy định về đất đai, gây thất thu ngân sách… sẽ thu hồi hoặc có biện pháp xử lý thích đáng.

Ông Trịnh Xuân Trường cũng trăn trở về việc quảng bá, xúc tiến du lịch của Lào Cai, đặc biệt là ẩm thực của Lào Cai rất phong phú, đa dạng, đặc sắc nhưng cũng chưa khai thác được.

Lâu nay, khách du lịch tới Lào Cai chủ yếu biết tới Sa Pa và thành phố Lào Cai chứ ít biết những điểm du lịch hấp dẫn khác như: Bắc Hà, Y Tý. Hơn 120 năm hình thành và phát triển, Sa Pa từ một Trạm nghỉ dưỡng cho người Pháp đã thành một Khu du lịch quốc gia. Nhưng đến nay, Sa Pa đã quá chật chội, ngột ngạt. Một mình Sa Pa cũng không thể gồng gánh cho du lịch cả tỉnh Lào Cai nữa.

Mong muốn kéo giãn khách khỏi Sa Pa để giảm tải cho thị xã này nhưng ông Trịnh Xuân Trường thừa nhận, thành phố Lào Cai chưa có gì đáng níu chân du khách. Bảo tàng chưa xây dựng xong, 4-5 công viên đang làm dở, chợ đêm và phố đi bộ đưa vào khai thác nhưng chưa thành công, khách quốc tế ngủ ở khách sạn gần biên giới thì mất 10 usd và có giấy phép của công an mới được lưu trú…. Bắc Hà chưa đông, Y Tý cũng vậy, các điểm đến khác ở Lào Cai chưa đủ hấp dẫn để hút khách khỏi Sa Pa. Cùng lắm là từ thị xã Sa Pa, khách chạy xuống thành phố ngó cái cửa khẩu xong về.

Du lịch phải trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đột phá của Lào Cai - ảnh 6
Thị xã Sa Pa sôi động, lấp lánh ánh đèn, cửa hàng san sát ngày nay

Làm rõ đóng góp của du lịch với kinh tế của tỉnh

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch HHDL Việt Nam cho rằng, thực ra du lịch là một ngành kinh tế non trẻ, mới thực sự phát triển 20 năm nay. Kinh nghiệm phát triển du lịch của tỉnh, thành này chưa chắc đã áp dụng được cho tỉnh, thành khác vì nó gắn chặt với công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo dõi sự phát triển của du lịch Lào Cai từ lâu, ông Bình cho rằng Lào Cai có nguồn tài nguyên đa dạng và quý giá để phát triển du lịch. Ví dụ như du lịch mạo hiểm du lịch Lào Cai đầy tiềm năng, rất nhiều ngọn núi đẹp, hùng vĩ nhưng đến nay chưa phát triển nhiều.

Sở Du lịch Lào Cai mới thành lập nhưng làm khối lượng công việc rất lớn, có tới 4.100 văn bản, báo cáo, đề án, tờ trình, kế hoạch… chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024. Đáng tiếc, các đề án, dự lại lại chưa được thực hiện nhiều vì thiếu nguồn kinh phí và nhân lực; cũng chưa đủ người để kiểm tra việc thực hiện này.

Phân tích các con số, ông Bình cho rằng, có thể có việc trốn thuế trong ngành du lịch của tỉnh và Lào Cai đang thất thu khá nhiều. Tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đã đạt trên 15.000 tỉ đồng, trong khi thuế nộp ngân sách cả năm của ngành là 400 tỉ đồng thì quá vô lý. Nếu làm một cách quyết liệt, thu có nguyên tắc, kiểm soát chi tiêu, chắc chắn nguồn đóng góp cho ngân sách của tỉnh từ du lịch sẽ tăng. Ông Bình cho rằng, tỉnh Lào Cai cần làm rõ vấn đề thu thuế trong hoạt động du lịch và đóng góp của du lịch đối nền kinh tế địa phương để thấy rõ hơn vị thế, tác động của ngành tới đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh.

Theo ông Bình, Sở Du lịch Lào Cai có rất nhiều sáng kiến, nhiệt huyết để phát triển du lịch và cần UBND tỉnh hỗ trợ, ủng hộ nhiều hơn để phát triển. Tuy nhiên, ông Bình đề nghị tỉnh Lào Cai chọn những nội dung, vấn đề trọng tâm, khả thi để đầu tư, phát triển, không làm lan man, mỗi nơi một tí và tốt nhất là thực hiện tốt Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết của Ban thường vụ tỉnh ủy về phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23.2.2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới…

Ông Bình đề xuất tỉnh Lào Cai nghiên cứu xu thế của du lịch trong nước và thế giới khi nhu cầu của khách thay đổi, quan điểm của người làm thay đổi, sản phẩm du lịch thay đổi. Tập trung phát triển du lịch MICE, du lịch thể thao, du lịch golf, du lịch văn hoá. Ông Bình nhấn mạnh, văn hoá là yếu tố cốt lõi để phát triển du lịch, văn hoá là nguyên liệu, là nội lực của du lịch. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao. Vì thế, phải biến những giá trị đó thành sản phẩm du lịch cụ thể, phù hợp với thị hiếu của khách. Người làm du lịch phải hiểu biết văn hoá, yêu văn hoá, tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá.

Khẳng định nếu mất văn hoá sẽ không làm du lịch được, ông Bình đề nghị tỉnh Lào Cai lưu tâm khi phát triển du lịch “nóng”; kiên quyết giữ lại các điểm du lịch, không xây dựng nhà cao tầng vì đầu tư quá nhiều, bê tông hoá có thể làm hỏng các điểm đến.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thị trường, sản phẩm du lịch; sản phẩm tập trung vào các thị trường trọng điểm đó; tăng cường quản lý điểm đến và quảng bá, xúc tiến với cách thức, nền tảng đa dạng để thu hút khách nhiều nhất. Lào Cai vẫn phải hướng tới việc thu hút khách du lịch quốc tế đến. Ngoài thị trường gần là Trung Quốc, cần tập trung vào khai thác các thị trường mới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và  khách từ các thị trường quen thuộc như châu Âu…

Ông Bình cho rằng, với những tiềm năng, định hướng phát triển như hiện nay, Lào Cai cần phát triển thành điểm đến du lịch xanh tiêu biểu của cả nước. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ thế mạnh của tỉnh để phát triển cộng đồng sinh thái, ở đó người dân địa phương là chủ thể, hưởng lợi từ phát triển du lịch cộng đồng, phân chia lợi ích hài hoà giữa người dân - doanh nghiệp - chính quyền.