Du lịch nông nghiệp, nông thôn: Tạo sinh kế bền vững cho người dân

VHO - Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới không chỉ mở ra cho người nông dân cơ hội nâng cao thu nhập, mà còn góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn: Tạo sinh kế bền vững cho người dân - Anh 1

"Cao nguyên trắng" Bắc Hà được biết đến với nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Vùng đất này còn nguyên nét hoang sơ, độc đáo, đặc sắc, nổi bật với văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú và đa dạng, các nông sản đặc trưng, đặc hữu. Xác định thực hiện Chương trình OCOP gắn với Nghị quyết số 10 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng gắn liền với phát triển nông nghiệp hữu cơ, đòn bẩy xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch bền vững, thời gian qua, huyện Bắc Hà đã nỗ lực phát huy tiềm năng, thế mạnh xây dựng thành công một số sản phẩm OCOP tiêu biểu, trong đó đi đầu là những phụ nữ trẻ tuổi người dân tộc thiểu số với mong muốn chắp cánh thương hiệu nông sản địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống đồng bào, tạo sự khởi sắc nông thôn mới, ngày một thu hút đông đảo du khách đến với miền cao nguyên trắng Bắc Hà.

Sinh kế ổn định

Với ý tưởng phát triển nghề làm cốm truyền thống gắn với kinh doanh du lịch Bắc Hà, chị Lù Thị Tươi, sinh năm 1989, dân tộc Tày, thôn Na Lo, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã quyết tâm xây dựng thương hiệu cốm Bắc Hà. Việc phát triển nghề cốm còn nhằm tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho người dân tộc thiểu số. Từ đầu năm 2020, chị Tươi đã định hướng và kinh doanh sản phẩm cốm và khẩu rang, để giới thiệu sản vật vùng cao Bắc Hà tới du khách bốn phương. Chị Tươi chia sẻ: "Để làm ra đặc sản cốm Bắc Hà, gia đình chị đã lựa chọn những hạt lúa nếp đảm bảo về độ dẻo, thơm. Chọn những bông lúa đúng thời điểm để làm cốm dựa theo kinh nghiệm từ xa xưa truyền lại, sau đó tuốt hạt sạch sẽ, đem ngâm nước để loại bỏ những hạt lép, hạt hỏng.

Khi rang cốm, lửa phải vừa đủ, không to mà cũng không nhỏ. Rang đều tay, không để hạt chín, hạt sượng và rang đến khi thấy nếp dậy mùi thơm là chín. Sản phẩm của chúng tôi nói không với đột biến gene, chất bảo quản, chất hóa học tạo ngọt, tạo màu, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay trong việc đòi hỏi sự an toàn của các loại thực phẩm. Sản phẩm hướng tới đáp ứng mọi lứa tuổi, đặc biệt là khách hàng ở các thành phố lớn. Chúng tôi tập trung xây dựng chất lượng sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường nhằm thu hút sự chú ý, quan tâm của khách hàng tới sản phẩm". Sản phẩm cốm - khẩu rang của cơ sở chị Tươi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh - mở ra cơ hội mới phát triển thương hiệu này. Hiện, chị Lù Thị Tươi đang nỗ lực tiếp cận các thị trường tiềm năng như quảng cáo, bán hàng trên mạng xã hội: facebook, tiktok, zalo, các sàn thương mại điện tử và trưng bày sản phẩm tại các hội chợ nhằm bán và giới thiệu đến khách tham quan. Cùng với đó là xây dựng hệ thống phân phối nhằm mở rộng thị trường.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn: Tạo sinh kế bền vững cho người dân - Anh 2

Với việc phát triển đặc sản cốm và khẩu rang, chị Lù Thị Tươi đã tạo ra sản phẩm có giá trị, chất lượng. Đồng thời giúp cho người dân trong thôn thay đổi cách nghĩ, cách làm theo hướng sản xuất hàng hóa, vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập và mức sống của người dân tại địa phương, hạn chế tình trạng người dân đi lao động thuê xa nhà.

Nhờ chú trọng khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm được thực hiện tốt. Đến nay, Bắc Hà có 10 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó: 01 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao là Chè Shan hữu cơ Bắc Hà của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà; 01 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao- Rượu Bản Phố của HTX Duy Phong; 08 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, gồm: Trà túi lọc Linh chi - Astisô, Trứng gà đen Bắc Hà, Mận Tam hoa Bắc Hà sấy dẻo, Cải Kale Bắc Hà, Tinh dầu Quế Nậm Đét và Cốm Na Lo, Trà Shan tuyết cổ thụ Cao nguyên trắng của HTX Quang Tom và sản phẩm Tương ớt Bắc Hà của HTX Duy Phong.

Tạo nét đặc trưng riêng

Ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà chia sẻ, địa phương có nhiều nét riêng, hấp dẫn, hội tụ các yếu tố để trở thành khu du lịch đặc sắc của Lào Cai và khu vực Tây Bắc. Có thể kể đến, chợ văn hóa Bắc Hà với những nét nguyên sơ của chợ văn hóa vùng cao được Tạp chí Serendib (Sri Lanka) đánh giá là một trong 10 chợ hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á; Dinh thự cổ Hoàng A Tưởng - trung tâm duy nhất trên thế giới diễn giải về nghệ thuật kiến trúc của hai nền văn hóa Á - Âu. Bắc Hà còn sở hữu hàng trăm di tích, di sản, trong đó có một di sản của nhân loại như nghi lễ kéo co của người Tày, thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, 4 di sản cấp quốc gia và 4 di tích lịch sử cấp quốc gia.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn: Tạo sinh kế bền vững cho người dân - Anh 3

Đến với Bắc Hà, đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây thường đãi khách bằng sản vật địa phương như xôi ngũ sắc, bánh chưng đen, bánh dày, thắng cố, khẩu nhục, lợn cắp nách, gà bản, phở... đã tạo ấn tượng sâu đậm, sự hài lòng của du khách. Nay Bắc Hà còn được biết đến với nhiều đặc sản mới như gạo khẩu Nậm Xít, chè shan tuyết Bản Liền là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của Lào Cai; rượu ngô đặc sản Bản Phố - sản phẩm OCOP 4 sao, lạc đỏ địa phương. Các loại hoa quả đặc sản ngoài mận tam hoa, mận Tả Van, lê Tai Nung, lê xanh, Bắc Hà còn có trái hồng, trái bơ thơm ngon, các loại rau sạch đặc sản xứ lạnh như cải xoăn, cải làn, su hào, rau đương quy tươi và các loại cây dược liệu quý đặc trưng vùng có khí hậu mang tính chất ôn đới như sâm Ngọc Linh, atisô…

Bên cạnh yếu tố tự nhiên, các lễ hội diễn ra ở Bắc Hà tạo nên sự hấp dẫn riêng với du khách như: Lễ hội Gầu Tào (Say Nán) người Mông; Lễ hội xuống đồng của người Tày với làn điệu xòe được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia; Lễ hội cấp sắc người Dao; Lễ cúng rừng của người Mông, Tày, Nùng, Phù Lá... Với tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch vô cùng to lớn với cảnh sắc thiên nhiên 4 mùa tươi đẹp, bản sắc văn hóa đa dạng của 14 dân tộc anh em cùng sự thân thiện, mến khách, Bắc Hà đang trở thành điểm đến du lịch của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn: Tạo sinh kế bền vững cho người dân - Anh 4

Huyện Bắc Hà hiện đang xây dựng 10 nhóm sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với thương hiệu “cao nguyên trắng”. Đó là xây dựng không gian văn hóa đặc trưng của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng theo hướng đặc sắc, bền vững, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư; đảm bảo lợi ích của cộng đồng, người dân bản địa góp phần giảm nghèo bền vững. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; ứng dụng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn,... Ngoài ra phấn đấu mỗi huyện đạt chuẩn nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn mang đặc trưng của vùng.

* Trang thông tin  có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương

BẢO ĐAN

Ý kiến bạn đọc