Du lịch Huế 2025: Lấy Văn hóa Huế làm nền tảng
VHO - Mới đây tại Hội nghị triển khai công tác năm mới 2025 trên cơ sở những kết quả đạt được của ngành Du lịch Thừa Thiên Huế chuyển giao, Sở Du lịch TP. Huế đã xác định mục tiêu năm mới được xác định, là trên nền tảng Văn hóa Huế từ truyền thống đến hiện đại.
Với vị thế đô thị trực thuộc Trung ương, ngành Du lịch TP. Huế sẽ tập trung các giải pháp phát triển hiệu quả; cơ cấu các hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tăng cường các sản phẩm đặc trưng; thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; nâng tầm du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Truyền thông, đa dạng hóa năng lực thị trường
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP. Huế, với vai trò, vị thế mới, hoạt động du lịch địa phương, kể từ năm 2025, cần nhanh chóng thay đổi tư duy, cơ cấu các sản phẩm, dịch vụ, định hướng đầu tư; bứt phá khỏi dáng dấp cũ để đạt đến những tiêu chí hành động và thành công mới.
Du lịch Huế không chỉ còn khép kín trong khu vực quần thể Cố đô và những điểm đến truyền thống, mà phải mạnh dạn mở rộng đúng phạm vi hành chính quản lý, khai thác tích cực các cơ sở, giá trị mới với khuôn viên rộng lớn hơn, trải dài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cố hữu. Muốn vậy, du lịch Huế sẽ tập trung vào những điểm then chốt của năm 2025.
Đó là tổ chức giới thiệu truyền thông, quảng bá chuỗi lễ hội và các hoạt động Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025, hoạt động Festival Huế 2025 - Festival 4 mùa và các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trọng đại trong năm 2025.
Thứ hai, Sở Du lịch Huế phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tổ chức các chương trình khảo sát, xây dựng những tuyến, điểm du lịch mới; hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn; phối hợp các tổ chức, hiệp hội đẩy mạnh quảng bá điểm đến Huế với phạm vi cả nước và quốc tế.
Về nội địa, nghiên cứu phân khúc thị trường khách nội địa từng vùng, để có hoạt động xúc tiến phát triển thương hiệu du lịch Thành phố Huế với các sản phẩm phù hợp; tăng cường phát triển du lịch với các địa phương có quan hệ liên kết, nhằm cùng nhau thu hút và trao đổi du khách.
Về quốc tế và khu vực, phối hợp Cục Du lịch Quốc gia tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu với các doanh nghiệp lữ hành, các kênh báo chí nước ngoài, từng bước đi vào các thị trường trọng điểm, tiềm năng, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Bắc Mỹ và các nước trong khu vực ASEAN...
Thứ ba, đẩy mạnh kết nối các hãng lữ hành từ thị trường truyền thống đến thị trường mới, khai thác khách du lịch tàu biển, khách thuê chuyến (charter); liên kết các đối tác truyền thông, doanh nghiệp, các đơn vị vận chuyển... về quảng bá, xúc tiến thương hiệu Du lịch Huế ở tầm quy mô, chiến lược, có sức lan tỏa lớn; chủ động tham gia các sự kiện du lịch quốc tế lớn, triển khai kế hoạch truyền thông xúc tiến du lịch năm 2025, tầm nhìn đến 2030.
Giải pháp đáng chú ý, là toàn bộ những hoạt động xúc tiến, truyền thông, cần dựa vào các yếu tố chuyên nghiệp và chất lượng, đặt trên các nền tảng chuyển đổi số, hệ thống du lịch số thông minh, kênh quảng bá tương tác lớn. Cụ thể, cần hoàn thiện các kênh trực tuyến của Hệ thống Visit Huế với các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok, Zalo, Instagram, Youtube...
Văn hóa Huế là nền tảng
Theo bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch TP. Huế, vấn đề quan trọng từ những hoạt động quảng bá, truyền thông này, là ngành du lịch Huế xác định rõ, nền tảng xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo, có thương hiệu của địa phương, chính là Văn hóa Huế.
Ở góc độ truyền thống, phải tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống Huế, có vai trò thúc đẩy phát triển du lịch, như Nhã nhạc, Ca Huế, Ca kịch Huế, Ẩm thực Huế; dân ca, dân nhạc, dân vũ đồng bào các dân tộc miền núi. Cạnh đó, là xây dựng, bảo toàn các không gian xã hội, văn hóa cộng đồng của người dân Huế, từ các điểm sinh hoạt đời sống, đến hoạt động tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng…
Phải xác định cộng đồng con người Huế, với các phong tục, tập quán, tập tục đã có từ lâu, phương ngữ giao tiếp, văn hóa lễ giáo… chính là cơ sở văn hóa Huế, khi đưa vào các sản phẩm du lịch Huế, phải bảo đảm giữ được những nét tinh tế, hòa hợp, chân thực, vừa vận động người dân cùng tham gia xây dựng, vừa khơi gợi đúng nhu cầu trải nghiệm, cảm thấu của du khách…
Ở góc độ sản phẩm mới, cần phối hợp tổ chức các sự kiện, lễ hội, hoạt động văn hóa, du lịch tạo điểm nhấn giới thiệu, quảng bá du lịch Thành phố Huế, như Chung kết Hoa hậu Việt Nam, Năm Du lịch quốc gia...
Tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa đầu tiên, là chương trình Symphony Huế, trở thành sản phẩm du lịch định kỳ phục vụ du khách. Cạnh đó, là các hoạt động vận động sản phẩm công nghiệp văn hóa, như đề án Áo dài, đề án Kinh đô Ẩm thực, chiến lược Hàng thủ công mỹ nghệ Huế…
Khuyến khích đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch chuyên đề, như khảo cứu, nghiên cứu văn hóa, lịch sử; thể thao đua thuyền trên nước, trên bãi biển…; khám phá sinh thái gắn với suối thác, hồ đầm, các khu bảo tồn thiên nhiên, các điểm du lịch núi rừng…
Trước mắt, trong năm 2025, Huế cần phát triển, hoàn thiện các điểm đến, sản phẩm phục vụ khách tàu biển, đảm bảo phục vụ đón 50 chuyến du thuyền lớn, ở các điểm đến quy mô, như làng cổ Phước Tích, khu vực Cầu Ngói Thanh Toàn,...
Đặc biệt, địa phương sẽ khởi động đầu tư các loại hình du lịch MICE, du lịch tâm linh, chăm sóc sức khỏe; nhất là các sản phẩm du lịch từ y tế, theo định hướng xây dựng Thành phố Huế thành Trung tâm y tế chuyên sâu, trở thành một thương hiệu tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
“Tất cả phải tựu trung làm rõ những giá trị Văn hóa Huế - Điểm đến di sản hàng đầu Việt Nam”, bà Hoài Trâm nhấn mạnh.