Đối thoại về du lịch cộng đồng APEC
VHO- Ngày 23.11, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức “Đối thoại về du lịch cộng đồng APEC” kết hợp trực tuyến tới các điểm cầu ở trong nước và quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng giữa các nền kinh tế APEC, nguyên tắc, giải pháp phát triển du lịch cộng đồng.
“Đối thoại về du lịch cộng đồng APEC” kết hợp trực tuyến tới các điểm cầu ở trong nước và quốc tế
Tham dự sự kiện có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc, đại diện các Vụ, đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch; lãnh đạo các Sở quản lý du lịch; các cơ quan du lịch của các nền kinh tế APEC; các doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo du lịch, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và các làng cộng đồng du lịch của Việt Nam và các nền kinh tế APEC.
Đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia du lịch
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc nhận định đại dịch Covid-19 đã làm đình trệ hoạt động ngành Du lịch trong khoảng thời gian hơn hai năm qua. Vấn đề đặt ra cho mỗi điểm đến, các đơn vị, cá nhân làm du lịch, nhà quản lý… phải làm sao vừa ứng phó với thực trạng trên, vừa phục hồi và nâng cao chất lượng điểm đến đảm bảo sự an toàn, thỏa mãn được nhu cầu du lịch cho du khách.
Phó Tổng cục trưởng cho biết: Theo UNWTO, du lịch là ngành kinh tế đóng góp trực tiếp vào thực hiện 3 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững; du lịch là ngành kinh tế sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là lao động nữ. Du lịch cũng là ngành kinh tế mà các doanh nghiệp du lịch siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm đa số, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Trong khi nhiều vùng nông thôn có tài nguyên thiên nhiên trù phú và giàu bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại đây gặp khó khăn về tiếp cận với đối tác, thu hút khách đến tham quan và quảng bá giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp tới các đối tác và du khách.
Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có sáng kiến đề xuất và được Ban Thư ký APEC thông qua dự án “Gia tăng triển vọng kết nối doanh nghiệp du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng và quảng bá mạng lưới các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa về du lịch cộng đồng tại khu vực nông thôn APEC’’.
Du lịch cộng đồng phát triển ở Việt Nam những năm gần đây
Theo đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa hưởng lợi từ dự án bao gồm các chủ nhà nghỉ có phòng cung cấp cho khách, các hộ gia đình và nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống cho khách, các cá nhân làm hướng dẫn, thuyết minh viên, người dẫn đường, các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, các trung tâm văn hóa tại cộng đồng có sản phẩm nghệ thuật phục vụ khách… trong đó bao gồm cả đối tượng lao động là nữ. Sản phẩm của dự án là trang web vệ tinh của website APEC nhằm giới thiệu thông tin, kết nối các cộng đồng làm du lịch ở khu vực nông thôn, từ đó hình thành mạng lưới về du lịch cộng đồng khu vực APEC.
Phó Tổng cục trưởng tin rằng trong thời gian không xa, với lợi thế về đa dạng văn hóa, hấp dẫn tài nguyên du lịch, ngành Du lịch của 21 nền kinh tế APEC sẽ phục hồi mạnh mẽ, khẳng định vị thế là một điểm đến chung hấp dẫn đối với du khách quốc tế.
Về xu hướng du lịch sau đại dịch, TS. Lê Thị Thu Phượng, Giảng viên Học viện hành chính Quốc gia cho rằng xu thế phát triển du lịch tất yếu hiện nay là du lịch bền vững, có trách nhiệm. Đồng thời, thay đổi từ khai thác phát triển du lịch chỉ dựa vào những tiềm năng sẵn có sang hướng tiêu dùng du lịch có trách nhiệm và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia du lịch, đặc biệt là cộng đồng. Do đó, phát triển du lịch cộng đồng là một hướng ưu tiên trong phát triển du lịch ở các nước APEC và đang được xem như là hướng đi, một điều kiện quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm.
Trong đó, một số giải pháp hỗ trợ du lịch cộng đồng được đưa ra như nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là các nhà quản lý; tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng có thể tham gia vào quá trình quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch phát triển du lịch tại những nơi gắn liền với cuộc sống của cộng đồng; nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của du lịch và trách nhiệm cộng đồng; tăng cường phổ biến, giải thích các quy định hiện hành về du lịch, về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch đến cộng đồng; xây dựng cơ chế/chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương...
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng
Còn những rào cản khi phát triển du lịch cộng đồng trong khu vực
Tại Đối thoại, ông Jutamas Wisansing, Người sáng lập, Giám đốc điều hành tập đoàn tư vấn Perfect Link, Cơ quan đổi mới cộng đồng Thái Lan chia sẻ thực trạng phát triển du lịch cộng đồng khu vực APEC.
Ông Mohd Hafiz Mohd Hanafiah, Khoa Quản lý Khách sạn và Du lịch, Đại học Teknologi MARA, Malaysia cho rằng: Việc phát triển du lịch cộng đồng vẫn còn những rào cản đối với sự tham gia của cộng đồng trong quá trình lập kế hoạch và phát triển bởi tại các bản làng điều kiện sống. Nhận thức của người dân về làm du lịch cộng đồng còn thấp cùng sự phân biệt quyền lực và hoài nghi của địa phương với cơ quan chức năng. Trong các quốc gia đang phát triển, những thách thức trong tương lai là sự không đồng nhất trong thái độ và hành vi của cộng đồng địa phương. Cùng với đó là sự thiếu hợp tác giữa cộng đồng và các bên liên quan du lịch khác.
Xu hướng du lịch bền vững, có trách nhiệm ngày càng cao, đặc biệt là sau dịch Covid-19
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á cho rằng, việc phát triển cộng đồng ở Việt Nam hiện nay chủ yếu tự phát, phát triển theo phong trào chứ không có sự nghiên cứu, phân tích và lựa chọn. Những người tham gia làm du lịch cộng đồng chưa thực sự hiểu về du lịch cộng đồng. Hoặc có những người học nhưng không biết phân tích, áp dụng tại địa phương cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, phong tục tập quán… Thậm chí, có sự hiểu lầm giữa phát triển homestay là du lịch cộng đồng.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, cần có sự đánh giá tổng quan về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam và đưa ra định hướng phát triển. Trong đó, cần làm rõ tiềm năng du lịch độc đáo khác biệt, tiềm năng du lịch tự nhiên, tiềm năng du lịch văn hóa, cơ sở hạ tầng du lịch hiện tại và cơ sở vật chất, phương tiện; khả năng tiếp cận và kết nối tuyến đường; thị trường du lịch tiềm năng; các hoạt động và dịch vụ du lịch khả thi; các chương trình du lịch khả thi…
Tại Đối thoại, các đại biểu đã nghe các chuyên gia trao đổi về xu hướng du lịch sau Covid-19, thực trạng phát triển du lịch cộng đồng và điển hình thành công khu vực APEC, những nguyên tắc và tiêu chuẩn du lịch cộng đồng và các giải pháp để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.
Trước đó, các chuyên gia của APEC đã có buổi hướng dẫn cập nhật dữ liệu trang web du lịch cộng đồng APEC cũng như hướng dẫn sử dụng ảnh, sử dụng phương thức “kể chuyện” để quảng bá du lịch.
NGUYỄN ANH