MICE EXPO 2025:

Di sản và công nghệ - Động lực phát triển du lịch MICE Việt Nam

NGUYỄN ANH; ảnh: THANH HẢI

VHO - Ngày 15.7, tại Hà Nội, Chi hội Du lịch MICE Việt Nam (VMA) chính thức công bố tổ chức MICE EXPO 2025 với sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đại diện Sở Du lịch Hà Nội, các doanh nghiệp du lịch và phóng viên báo chí.

 Di sản và công nghệ - Động lực phát triển du lịch MICE Việt Nam - ảnh 1
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu

MICE EXPO 2025 - Sự kiện tạo dấu mốc chiến lược

Theo Ban tổ chức, MICE EXPO 2025 sẽ diễn ra vào ngày 26.9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Sự kiện dự kiến quy tụ hơn 800 doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng 1.500 đại biểu và buyer (người mua) quốc tế, khẳng định bước tiến mới trong chiến lược đưa Việt Nam trở thành điểm đến MICE mang đậm bản sắc văn hóa nhưng vẫn hiện đại, hội nhập.

Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Chi hội Du lịch MICE Việt Nam cho biết: “Với chủ đề “Di sản và Công nghệ trong kỷ nguyên mới”, MICE EXPO 2025 thể hiện rõ tầm nhìn kép: Khai thác di sản làm nền tảng bản sắc và ứng dụng công nghệ để bứt phá”.

Đây cũng là thông điệp xuyên suốt mà Chi hội Du lịch MICE Việt Nam theo đuổi ngay từ khi thành lập.

MICE EXPO 2025 không phải là một hội chợ du lịch giao thương đơn thuần, mà là một sự kiện chiến lược được thiết kế dựa trên ba trụ cột chính.

Thứ nhất, định vị bản sắc MICE Việt Nam thông qua việc khai thác sâu các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, biến chúng thành chất liệu sáng tạo để xây dựng các sản phẩm MICE độc đáo, khác biệt so với các điểm đến khác trong khu vực.

Thứ hai, tạo ra cuộc cách mạng công nghệ trong lĩnh vực MICE bằng cách ứng dụng các nền tảng số, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo và các giải pháp tổ chức sự kiện thông minh, giúp nâng cao trải nghiệm và tối ưu hóa quy trình vận hành.

Thứ ba, mở rộng kết nối toàn cầu khi sự kiện quy tụ tới 1.500 buyer trong nước và quốc tế, cùng hơn 50 đối tác nước ngoài và các văn phòng du lịch quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.

Sự kết hợp giữa bản sắc, công nghệ và mạng lưới kết nối quốc tế này chính là chìa khóa để ngành MICE Việt Nam bứt phá, tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành điểm đến MICE mới của châu Á.

 Di sản và công nghệ - Động lực phát triển du lịch MICE Việt Nam - ảnh 2
Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Chi hội Du lịch MICE Việt Nam phát biểu

Khác biệt lớn từ cách tiếp cận mới

Trao đổi với báo chí tại buổi lễ, Ban tổ chức cho biết: MICE EXPO 2025 không chỉ là hội chợ giao thương thông thường. Đây là diễn đàn chiến lược để hoạch định con đường phát triển lâu dài cho du lịch MICE Việt Nam, góp phần phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững.

Điểm nhấn của sự kiện là: Hội thảo chuyên đề “Di sản và Công nghệ - Động lực phát triển du lịch MICE trong kỷ nguyên mới”.

Phiên kết nối B2B đẳng cấp, với sự tham gia của 150 sellers và hơn 1.500 buyers; Khu trải nghiệm công nghệ (Tech Zone), nơi các doanh nghiệp có thể tiếp cận công nghệ tổ chức sự kiện hiện đại nhất hiện nay.

Các hoạt động bên lề: Giải Pickleball Cup lần thứ nhất và giải chạy trực tuyến “Một vòng Việt Nam” kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam.

Di sản - Chìa khóa định vị bản sắc MICE Việt Nam

Trong khi các trung tâm MICE lớn của khu vực như: Singapore, Bangkok hay Seoul phát triển theo hướng hiện đại hóa hạ tầng, Việt Nam có thể tạo nên lợi thế riêng bằng cách kết hợp yếu tố bản sắc.

Việt Nam có hệ sinh thái di sản phong phú, từ các di sản thế giới như: Tràng An, vịnh Hạ Long, Huế, Hội An…, đến các di sản phi vật thể như: Nhã nhạc, Ca trù, Múa rối nước. Những giá trị đó có thể trở thành chất liệu để thiết kế các chương trình hội họp, gala dinner, incentive tour độc đáo.

“Không chỉ là hội trường hay phòng họp, MICE Việt Nam cần mang đến hành trình trải nghiệm khác biệt, đưa khách MICE hòa mình vào không gian văn hóa sống động”, ông Nguyễn Đức Anh nhấn mạnh.

Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng, ngoài các hoạt động giao thương, MICE EXPO 2025 sẽ là Diễn đàn thực chất, nơi các đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, chuyên gia MICE, lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành, cơ quan quản lý điểm đến và các đơn vị truyền thông cùng ngồi lại để trao đổi, đề xuất giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch MICE Việt Nam”.

Theo bà Lan, điểm khác biệt lớn nhất của MICE EXPO 2025 là việc xác định rõ định hướng kết hợp di sản với công nghệ, xem đây là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của du lịch MICE Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới.

“Chủ đề của sự kiện không chỉ là kim chỉ nam cho MICE EXPO 2025, mà còn sẽ định hướng cho các hoạt động của ngành du lịch MICE Việt Nam trong năm nay và những năm tới, gắn chặt với công nghiệp văn hóa và quá trình chuyển đổi số toàn diện”, bà Cao Thị Ngọc Lan nhấn mạnh.

 Di sản và công nghệ - Động lực phát triển du lịch MICE Việt Nam - ảnh 3
Ban tổ chức cho biết, sự kiện dự kiến quy tụ hơn 800 doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng 1.500 đại biểu và buyer (người mua) quốc tế

Công nghệ bứt phá để du lịch MICE phát triển

Trong kỷ nguyên số, công nghệ đang làm thay đổi hoàn toàn cách tổ chức sự kiện. Các hình thức hội nghị trực tuyến, thực tế ảo, hybrid event (kết hợp trực tiếp và online), AI hỗ trợ lên lịch trình, chatbot tư vấn sự kiện… đều là xu thế không thể đảo ngược.

Tại Tech Zone của MICE EXPO 2025, lần đầu tiên doanh nghiệp du lịch Việt Nam được tiếp cận các giải pháp công nghệ mới như: Nền tảng tổ chức hội nghị ảo; công nghệ thực tế ảo (VR/AR) giúp khách tham quan các điểm MICE từ xa; AI hỗ trợ xây dựng hành trình sự kiện cá nhân hóa; AI phiên dịch; hệ thống quản lý sự kiện thông minh; hệ sinh thái số hóa toàn bộ chuỗi MICE, từ lên kế hoạch, tiếp cận khách hàng đến tổ chức, vận hành…

“Chúng tôi kỳ vọng MICE EXPO 2025 không chỉ là nơi giao thương mà còn là nơi doanh nghiệp chuyển mình số hóa và giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ mang bản sắc Việt”, Tổng thư ký Chi hội Du lịch MICE Việt Nam Lưu An Hòa chia sẻ.

Để MICE Việt Nam bứt phá: Cần những giải pháp đồng bộ

MICE EXPO 2025 ngoài ý nghĩa xúc tiến thương mại còn mở ra các cuộc thảo luận nghiêm túc về tương lai của MICE Việt Nam.

Muốn bứt phá, cần đồng bộ 5 nhóm giải pháp: Chiến lược phát triển, sản phẩm đặc thù, chuyển đổi số toàn diện, chính sách visa thuận lợi cho khách MICE và đẩy mạnh truyền thông.

Đã đến lúc cần một chiến lược quốc gia riêng cho ngành MICE, gắn với quy hoạch điểm đến, phát triển cơ sở hạ tầng (trung tâm hội nghị, khách sạn, giao thông). MICE không thể phát triển mạnh nếu thiếu các trung tâm hội nghị hiện đại, tiện ích đồng bộ và hạ tầng kết nối thuận tiện.

Việt Nam cần tạo ra sản phẩm MICE đặc trưng, khác biệt với các nước khác. Đó là sự kết hợp giữa hội họp, nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa di sản và trải nghiệm địa phương. Các điểm đến không chỉ là thành phố lớn mà có thể mở rộng ra các vùng văn hóa đặc sắc như: Huế, Ninh Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang…

Ứng dụng công nghệ vào tổ chức MICE là xu thế tất yếu. Doanh nghiệp cần đầu tư vào các nền tảng số, học hỏi mô hình hybrid event, sử dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Đối với các đoàn MICE quốc tế, cần có cơ chế visa riêng, đơn giản hóa thủ tục, cấp visa nhanh cho đoàn khách lớn, khách dự hội nghị, triển lãm chuyên đề. Điều này sẽ giúp Việt Nam cạnh tranh với các trung tâm MICE trong khu vực.

Việt Nam cần được định vị trên bản đồ MICE châu Á như một điểm đến hàng đầu, có bản sắc riêng. Truyền thông trong nước và quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa hình ảnh này.

 Di sản và công nghệ - Động lực phát triển du lịch MICE Việt Nam - ảnh 4
Các đại biểu dự Lễ công bố thông tin MICE EXPO 2025

Kết nối để lan tỏa: Sự vào cuộc của truyền thông và doanh nghiệp

MICE EXPO 2025 sẽ không dừng lại ở sự kiện một ngày. Điều quan trọng là làm sao để tạo thành hiệu ứng lan tỏa lâu dài. Ban tổ chức cho biết sẽ tiếp tục xây dựng MICE Vietnam Hub - một mạng lưới kết nối doanh nghiệp MICE trên toàn quốc, duy trì xúc tiến, cập nhật công nghệ và mở rộng hợp tác quốc tế.

Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông để lan tỏa các mô hình hay, câu chuyện thành công, giúp cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương nhận thấy giá trị thực sự của ngành công nghiệp MICE.

Thế giới đang thay đổi cách tổ chức sự kiện. Khách MICE không chỉ cần không gian hội họp tiêu chuẩn, mà còn cần những trải nghiệm văn hóa, cảm xúc khó quên. Việt Nam có đầy đủ lợi thế để trở thành một điểm đến MICE khác biệt: Giàu bản sắc, ứng dụng công nghệ, thân thiện với môi trường.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc