Đề xuất thí điểm mô hình du lịch nông thôn tại Làng mộc Kim Bồng, Hội An

VHO- UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn số 8279 gửi Bộ NN&PTNT về việc đề xuất mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn (DLNT) trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại Làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An.

Đề xuất thí điểm mô hình du lịch nông thôn tại Làng mộc Kim Bồng, Hội An - Anh 1

Tỉnh Quảng Nam đề xuất triển khai thí điểm mô hình DLNT tại làng mộc Kim Bồng, Hội An

Căn cứ mục tiêu, yêu cầu xây dựng mô hình của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên triển khai tại Làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, TP Hội An và vùng phụ cận, thời gian thực hiện từ năm 2023-2025. 
Dự kiến kinh phí triển khai mô hình là 5 tỉ đồng, trong đó đề xuất hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước 4 tỉ đồng, số còn lại sẽ huy động từ tổ chức kinh tế, cộng đồng,…
Mô hình khi đi vào triển khai, dự kiến tạo thu nhập cho khoảng 100 hộ dân tại khu vực; mỗi năm thu hút khoảng 30.000 lượt khách, thu nhập từ du lịch ước đạt 2 tỉ đồng.
 Công văn nêu rõ, việc triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đối với tỉnh Quảng Nam là hết sức cần thiết, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch cộng đồng sẵn có của các địa phương, đặc biệt là những nơi có tiềm năng về du lịch nông nghiệp, nông thôn, miền núi, làng quê, làng nghề, tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia trực tiếp vào quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi từ hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần đưa xây dựng NTM đi vào chiều sâu, chất lượng và bền vững, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đề xuất thí điểm mô hình du lịch nông thôn tại Làng mộc Kim Bồng, Hội An - Anh 2

Du khách tham quan và tìm hiểu nghề đóng tàu ở làng mộc Kim Bồng

Làng mộc Kim Bồng là làng nghề thủ công nổi tiếng nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn chảy qua Hội An, Quảng Nam. Hiện làng có gần 1000 hộ dân và vẫn bảo tồn, lưu truyền kỹ thuật và duy trì hoạt động sản xuất, chạm khắc gỗ, đóng đồ gỗ dân dụng, làm nhà; bên cạnh đó, còn có các nghề truyền thống khác như đan chiếu, đan thúng chai, tráng bánh, lồng đèn cùng với các ngôi đình, nhà thờ cổ. Có khoảng 10 ngôi nhà cổ còn lưu giữ, thể hiện được nét tinh hoa của nghề Mộc Kim Bồng. Tuy nhiên, tình trạng hoạt động cung cấp sản phẩm trong phạm vi địa phương, chưa thể khai thác phát huy hết được tiềm năng, vốn quý sẵn có.
Về sản phẩm du lịch, làng mộc Kim Bồng đang được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề như: trải nghiệm làng nghề Mộc và các nghề khác như làm chiếu, tráng bánh, lồng đèn, đan thúng, nấu rượu; thưởng thức ẩm thực đặc trưng như cao lầu, mì Quảng, …Các nghệ nhân đã phát huy được tiềm năng của mình trong phát triển các sản phẩm OCOP, các sản phẩm điêu khắc làm quà tặng lưu niệm du lịch.

Đề xuất thí điểm mô hình du lịch nông thôn tại Làng mộc Kim Bồng, Hội An - Anh 3

Sản phẩm được thiết kế tinh xảo của làng mộc Kim Bồng 

Theo báo cáo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam, với những tiềm năng và lợi thế nói trên, việc xây dựng mô hình thí điểm thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM mới là phù hợp với định hướng, mục tiêu và yêu cầu của chương trình nhằm liên kết điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch và phục hồi phát triển du lịch.
Tuy nhiên, có một số khó khăn, mặc dù hoạt động du lịch tại làng nghề đã được đầu tư nhưng mức độ, quy mô thấp, chủ yếu người dân tự đầu tư, sản phẩm du lịch còn nghèo chưa đáp ứng nhu cầu của khách, công tác quảng bá xúc tiến, kỹ năng phục vụ khách du lịch còn yếu, lượng khách đến nguồn khách chủ yếu từ công ty lữ hành. Người dân địa phương chưa chủ động được nguồn khách. 
Định hướng phát triển về du lịch nông thôn trong thời gian tới sẽ hình thành mô hình Hợp tác xã Du lịch hoặc Ban Quản lý để vận hành mô hình với sự tham gia của người dân địa phương; đồng thời kết nối với các doanh nghiệp du lịch trong việc đưa khách và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch.
Mục tiêu chung của mô hình nhằm cải thiện sinh kế người dân thông qua phát triển du lịch nông thôn bền vững dựa trên cơ sở phát huy các giá giá trị văn hóa truyền thống và tài nguyên thiên nhiên; góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại địa phương; Bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và tài nguyên thiên nhiên
Theo đó, 3 mục tiêu cụ thể đặt ra gồm: Nâng cao nhận thức và năng lực cho cộng đồng để tham gia có hiệu quả vào hoạt động kinh doanh du lịch và công tác bảo tồn bảo tồn tài nguyên tại làng quê, làng nghề truyền thống tại Cẩm Kim.
Xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng trên cơ sở các tài nguyên sẵn có; kết nối thu hút khách du lịch đến với làng nghề; Tổng kết, đánh giá, bài học kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

Đề xuất thí điểm mô hình du lịch nông thôn tại Làng mộc Kim Bồng, Hội An - Anh 4

Chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở làng mộc Kim Bồng 

5 nội dung cụ thể sẽ thực hiện gồm: Xây dựng dự án phát triển du lịch cộng đồng đảm bảo khoa học và hiệu quả, các hạng mục trong dự án phải đáp ứng các tiêu chí du lịch xanh, bền vững; xây dựng quy chế quản lý và bảo vệ kiến trúc, cảnh quan.
Xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng như tour trải nghiệm làng nghề truyền thống tại Làng Mộc Kim Bồng; tour trải nghiệm cộng đồng khai thác thủy sản trên sông tại thôn Phước Trung; tour trải nghiệm loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp…, Phục dựng các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, lễ hội, ẩm thực truyền thống, các sản phẩm du lịch sinh thái…
Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng; Công tác quảng bá, xúc tiến; Công tác bảo vệ môi trường. 

THU HOÀI

Ý kiến bạn đọc