Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong “ngành công nghiệp không khói”
VHO - Ứng dụng trí tuệ nhân tạo là giải pháp mà các doanh nghiệp phục vụ du lịch cần đầu tư trong tương lai để mang lại sức hút mới.
Theo đó, trong lĩnh vực khách sạn có 3 loại robot ứng dụng phổ biến là robot lễ tân, robot phục vụ bàn và robot vận chuyển hàng. Robot lễ tân đứng ở mặt tiền - là bộ mặt thể hiện cơ sở này đã ứng dụng công nghệ ở mức độ nào.
Khi có khách, robot chào hỏi và giới thiệu về khách sạn, đồng thời đề nghị được hỗ trợ, sau đó hướng dẫn khách đến quầy lễ tân, thang máy hoặc phòng theo nhu cầu.
Năm 2024, tại Triển lãm và Diễn đàn Công nghệ đổi mới sáng tạo lĩnh vực khách sạn tổ chức ở thành phố Đà Nẵng vừa qua, các doanh nghiệp đã đưa nhiều robot phục vụ trình diễn đã gây ấn tượng đặc biệt cho quan khách, đại biểu tham dự.
Trên khán đài, một robot "lễ tân" trong trang phục nón lá, áo dài cổ phục tương tác với người dẫn chương trình. Robot này thực hiện các động tác chào đón khách một cách thành thục, chuyên nghiệp.
Tự giới thiệu với hơn 2.000 đại biểu, robot Ms Ariyan tự tin giới thiệu bản thân là nhân viên chính thức của Cung hội quốc tế Ariyana Đà Nẵng mà không cần qua thời gian thử việc.
Trong không gian trưng bày, một mẫu robot phục vụ khác cũng đon đả như một nhân viên mẫn cán, phục vụ đồ ăn, nước uống cho quan khách.
Ông Hồ Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý khách sạn Tam Tam (Đà Nẵng) cho biết, đây là robot phục vụ trong khách sạn. Dựa trên lập trình sẵn, robot có thể mang đồ ăn, nước uống và dụng cụ tới tận các vị trí theo yêu cầu. Quanh robot có các cảm biến nên sẽ tự điều hướng hành trình, tự động tránh khi gặp vật cản.
Một robot “shipper” ra mắt quan khách với 4 bánh xe chắc chắn, trên lưng là khoang chứa hàng khá to được đậy kín, di chuyển được cả trong những ngày nắng, mưa. Người sử dụng chỉ cần nhập địa chỉ đến dựa trên hệ thống định vị cài đặt, robot “shipper” sẽ giao hàng nhanh, chính xác.
Bệnh viện 199 - Bộ Công an mang tới robot vận chuyển mẫu máu, mẫu nước tiểu. Robot này thường đứng nhận mẫu ở cửa thang máy, nhân viên mang mẫu tới đây sẽ được robot vận chuyển đến phòng xét nghiệm, giúp nhân viên y tế tiết kiệm thời gian, quãng đường di chuyển.
Tham dự sự kiện, chị Trần Thị Lài (du khách) cho rằng, AI đã hiện diện rất sâu trong ngành du lịch, từ tìm kiếm thông tin, hỗ trợ lên kế hoạch chuyến đi, phục vụ du khách tại sân bay, khách sạn, phòng ngủ… đến các trải nghiệm mang tính cá nhân khác.
“Bản thân tôi đã trải nghiệm các tính năng của robot AI và thấy AI là xu hướng bắt buộc để lĩnh vực khách sạn nói riêng và du lịch nói chung là điều hiển nhiên phải làm trong thời đại 4.0”, chị Lài chia sẻ.
Ngành du lịch thành phố Đà Nẵng cũng đã ứng dụng công nghệ AI thí điểm xây dựng hệ thống giám sát du lịch bằng camera tại 3 khu điểm du lịch: Bảo tàng Đà Nẵng, Chùa Linh Ứng Sơn Trà, Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Chức năng của ứng dụng tại các địa điểm này giúp nhận dạng, giám sát hướng dẫn viên du lịch, các đối tượng trộm cắp, bán hàng rong, đếm số lượng khách...
Bên cạnh đó tăng cường hoạt động của ứng dụng chatbot để hỗ trợ du khách tìm hiểu về địa phương, phát triển đồng loạt các kênh mạng xã hội để truyền thông, quảng bá du lịch Đà Nẵng, giúp khách có những trải nghiệm sâu sắc hơn và chuyến hành trình thú vị hơn.