Đà Nẵng: Nâng cao khả năng ứng dụng AI, vi mạch bán dẫn trong giáo dục
VHO - Hiện nay, TP Đà Nẵng đang hướng đến đào tạo, đẩy mạnh khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), vi mạch bán dẫn, cho các giáo viên, giảng viên trong ngành giáo dục.
Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn vừa tổ chức tập huấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và giới thiệu một số công cụ hỗ trợ trong công tác quản lý, dạy học cho 150 cán bộ ngành giáo dục.
Lớp tập huấn nhằm giúp các giáo viên nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức cơ bản về AI, ứng dụng AI trong công tác giảng dạy, quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, đối tượng được tập huấn là các quản lý và giáo viên các bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn quận.
Trong khuôn khổ chương trình, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của quận được nghe Tiến sĩ Kim Mạnh Tuấn, Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội giới thiệu tổng quan về giáo dục STEM AI và thiết kế bài học STEM AI.
Trong đó có nhiều nội dung cụ thể, như: biên soạn giáo án và phương pháp giảng dạy hiện đại; giới thiệu lập trình kéo thả và các tính năng; thiết kế chế tạo Robot; ứng dụng tạo sản phẩm và chia sẻ sản phẩm…
Chương trình tập huấn giúp giáo viên tự tin sáng tạo trong việc lựa chọn cách thức tổ chức dạy học; có khả năng thiết kế bài học STEM - nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức cơ bản về AI, ứng dụng AI trong công tác giảng dạy, quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục.
Đặc biệt, khi hoàn thành chương trình, giáo viên sẽ có khả năng thiết kế hoạt động học tập ứng dụng AI.
Cũng qua chương trình, giáo viên được giới thiệu nhiều ứng dụng, công cụ hữu hiệu trong việc thiết kế bài giảng, đánh giá học sinh, quản lý hệ thống…
Theo ông Tạ Tự Bình - Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) thì việc ứng dụng công nghệ vào dạy và học trở thành một trong những kỹ năng quan trọng của giáo viên.
Thông qua những nội dung được tập huấn nhằm giúp giáo viên tự tin ứng dụng công nghệ vào dạy và học, đổi mới hiệu quả phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn quận.
Tại các trường Đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ngoài đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch - bán dẫn, các trường đại học đang gấp rút chuẩn bị nguồn nhân lực cho công tác đào tạo ngành học này.
23 giảng viên của Trường ĐH Bách khoa và Trường Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng chuẩn bị kết thúc Khóa học “Thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản” kéo dài gần 4 tháng.
Nội dung của khóa học được xây dựng và giảng dạy bởi Nhóm chuyên gia Tresemi gốc Việt hiện đang làm việc tại các công ty thiết kế vi mạch hàng đầu trên thế giới tại Mĩ như Skyworks Solutions, Mediatek, Silicon Labs, NXP,… với trên 25 kinh nghiệm.
Nội dung khóa đào tạo “Thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản” nhằm mục đích nâng cao kỹ năng thiết kế vi mạch bán dẫn cho đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp ngành bán dẫn Việt Nam trong tương lai, nắm được quy trình và nguyên tắc của thiết kế vật lý cho vi mạch tích hợp quy mô lớn VLSI.
Trau dồi kỹ năng tối ưu hóa định thời, diện tích, năng lượng tiêu thụ, độ tin cậy và tính khả thi sản xuất của vi mạch bán dẫn và nắm vững các kiến thức thực tế chuyên sâu trong việc sử dụng các công cụ EDA chuẩn công nghiệp cho việc thiết kế và phân tích vật lý vi mạch.
Ngoài khóa học này, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn cũng phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức khóa đào tạo giảng viên nguồn cho chương trình đào tạo nhân lực ngành vi mạch.
Các khóa học này được dẫn dắt bởi các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, với nhiều kinh nghiệm, uy tín và đã làm việc, cộng tác với nhiều phòng thí nghiệm bán dẫn hàng đầu trên thế giới.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã có chuyến thăm, làm việc với ĐH Khoa học và Công nghệ Long Hoa (LHU) cùng các doanh nghiệp tại Đài Loan, Trung Quốc để ký kết hợp tác về đào tạo, nghiên cứu vi mạch bán dẫn.
Theo nội dung các văn bản thỏa thuận được ký kết, hai trường thành viên của ĐH Đà Nẵng sẽ hợp tác với LHU là đối tác có thế mạnh về công nghệ vi mạch bán dẫn. Qua đó thúc đẩy trao đổi giảng viên, sinh viên, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực mũi nhọn này.
Các giảng viên đã tham quan các phòng thí nghiệm về đóng gói và thử nghiệm mô-đun bán dẫn, bảng mạch kỹ thuật số 3D, điều chỉnh và thử nghiệm mô-đun truyền thông di động 5G cũng như các Trung tâm Công nghệ và đào tạo về thiết kế truyền dẫn điện tử tốc độ cao, Trung tâm Kỹ thuật số và truyền thông đa phương tiện.
Tìm hiểu thêm kinh nghiệm phát triển, nghiên cứu, ứng dụng trong các lĩnh vực công nghệ cao như vi mạch bán dẫn, thiết bị điều khiển thông minh, tiết kiệm năng lượng…
Từ trải nghiệm của khóa học đào tạo giảng viên nguồn, Thạc sĩ Phan Ngọc Kỳ, giảng viên Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cho rằng, để đào tạo sinh viên ngành vi mạch bán dẫn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp khi ra trường, thì chương trình đào tạo cũng phải linh động để sinh viên có nhiều học phần, nhiều thời gian liên tục được thực hiện ở doanh nghiệp.
Những trải nghiệm thực tế này sẽ giúp sinh viên áp dụng nhanh kiến thức được học vào thực tế công việc và phát triển kỹ năng thực hành hiệu quả.