Từ truyền thống của gia đình đến điểm đến văn hóa du lịch:

Đau đáu giữ nghề gốm nung của gia đình

KHÁNH CHI

VHO - Năm 2016, công trình kiến trúc đặc biệt nằm bên dòng sông Thu Bồn (thôn Đông Khương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) của gia đình Nghệ nhân Ưu tú Lê Đức Hạ đã gây ấn tượng mạnh trên trường quốc tế và vinh dự được tạp chí kiến trúc danh tiếng Archdaily (Mỹ) đánh giá là một trong những thiết kế độc đáo, đầy cảm hứng.

Không chỉ vậy, công trình còn chinh phục hàng loạt giải thưởng kiến trúc quốc tế uy tín như Brick Award, ARCASIA, Fritz Höger Award, A+ Award…

Mang hình khối lập phương lạ mắt, được xây dựng hoàn toàn từ gạch đất sét nung, chất liệu truyền thống gắn liền với văn hóa Chăm Pa, tạo nên một không gian mang đậm dấu ấn di sản, công trình không chỉ là nơi làm việc và sáng tạo nghệ thuật, mà còn là chốn lưu giữ hành trình bền bỉ gìn giữ và phát triển nghề gốm của nghệ nhân Lê Đức Hạ - người đã dành trọn đời mình để “vọc đất” và thổi hồn vào đất sét sông Thu Bồn.

Đau đáu giữ nghề gốm nung của gia đình - ảnh 1
Nghệ nhân Lê Đức Hạ sáng tác tại không gian xưởng đất nung

Khởi nghiệp từ lò đất xưa cũ của gia đình

Nghệ nhân Lê Đức Hạ sinh năm 1960, lớn lên trong gia đình có truyền thống làm gốm sứ. Cha ông, cụ Lê Tuất, Bí thư chi bộ đầu tiên của huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), một trong những người tiên phong làm sứ trên đất Quảng Nam, đồng sáng lập ra lò chén Việt Quảng - cơ sở tài chính cho Xứ ủy Trung Kỳ thời đó.

Tình yêu nghệ thuật, niềm say mê với gốm truyền thống của nghệ nhân Lê Đức Hạ đã được nhen nhóm, kế thừa từ cha mình từ những ngày còn thơ ấu.

Năm 1978, Lê Đức Hạ lên đường nhập ngũ; năm 1982, ông về làm việc tại Xí nghiệp sành sứ Thăng Bình. Khi Xí nghiệp tan rã, ông mưu sinh, lăn lộn với nhiều nghề, nhưng niềm đam mê “vọc đất” vẫn đau đáu trong ông.

“Năm 1990, tôi quyết tâm khởi nghiệp lại với nghề làm đất nung ngay tại quê nhà, tại cái lò đất xưa cũ của gia đình. Bắt đầu từ những mẫu tượng nhỏ trang trí tiểu cảnh, đến các mẫu đèn vườn, đồ trang trí được ra đời.

Sau những ngày “ôm lò khóc hu hu”, nụ cười hạnh phúc khi tìm được con đường thăng hoa trên chất liệu đất nung đã nở sau 35 năm chúng tôi lăn lộn thăng trầm, chỉ đôi lời kể lại khó cóthể nói hết được”, ông Hạ bồi hồi nhớ lại.

Xưởng đất nung của nghệ nhân Lê Đức Hạ nằm ở khu vực bến Xích của sông Thu Bồn, gần Trà Kiệu - kinh đô của Vương quốc Champa từ thế kỷ IV đến thế kỷ VII và cũng gần lò gốm Thanh Hà, gắn liền với thương cảng Hội An, nơi các học giả như Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes... đến ở và ký âm Latin tiếng Việt.

Đất - lửa - người gặp gỡ giữa làng quê di sản

“Sản phẩm của tôi là con của đất sét sông Thu Bồn”, Nghệ nhân Ưu tú Lê Đức Hạ vẫn thường nói như vậy. Với hơn 35 năm gắn bó cùng nghề, ông là một trong số ít người chế tác thành công gạch Chăm cổ, từ chính vùng đất làm nên Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương - những thánh địa rực rỡ của văn hóa Chăm Pa xưa.

Đam mê và kiên trì, ông Hạ đã phát triển dòng sản phẩm gốm nung thô không tráng men, nung ở nhiệt độ thấp (900-1.000°C), sử dụng đất sét thuần từ vùng đất Quảng Nam.

Không pha màu, không dùng hóa chất, tất cả màu sắc đều được tạo nên từ kỹ thuật dùng lửa để “vẽ” lên gốm - một nghệ thuật đòi hỏi sự tinh tế, nhẫn nại và am hiểu sâu sắc về chất liệu.

Đau đáu giữ nghề gốm nung của gia đình - ảnh 2
Du khách trải nghiệm “Vọc đất sét” tại xưởng đất nung của ông Hạ

Gốm của ông được sản xuất thủ công theo phương pháp “đổ hồ rót”. Ngoài các sản phẩm mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu thị trường, xưởng còn duy trì dòng sản phẩm nghệ thuật độc bản, tạo hình hoàn toàn bằng tay.

Đất sét được để khô tự nhiên trước khi nung, tạo nên những mảng màu đa dạng, thần thái riêng cho từng tác phẩm, dù chỉ từ một chất đất.

Không dừng ở kỹ thuật, ông Hạ còn liên tục sáng tạo với tượng chân dung danh nhân, nghệ sĩ nổi tiếng, thể hiện dấu ấn cá nhân mạnh mẽ trong từng tác phẩm. Đó là hành trình vừa giữ truyền thống, vừa làm mới nghề gốm bằng tinh thần thời đại.

Năm 2016, xưởng đất nung của ông tại thôn Đông Khương (Điện Bàn, Quảng Nam) được tạp chí kiến trúc Archdaily (Mỹ) đánh giá là công trình có kiến trúc độc đáo và truyền cảm hứng.

Công trình sau đó tiếp tục chinh phục nhiều giải thưởng quốc tế danh giá và được xem là điểm đến văn hóa - nghệ thuật của giới yêu gốm trong và ngoài nước.

Được chia làm hai không gian chính: Xưởng Đất Nung, nơi sản xuất, bán hàng, trải nghiệm “vọc đất”; Terra Cotta Studio, không gian sáng tạo, trưng bày các tác phẩm đất nung độc bản, không gian này được xây dựng ngay trên nền ngôi nhà và lò gốm xưa của cha ông - cụ Lê Tuất, người đầu tiên đặt nền móng cho nghề gốm của gia đình.

Kết nối làng nghề truyền thống thành điểm đến văn hóa - du lịch

Với thiết kế hiện đại trên nền chất liệu truyền thống, xưởng đất nung của nghệ nhân Lê Đức Hạ đã trở thành điểm đến độc đáo, thu hút đông đảo du khách và giới trẻ đến trải nghiệm sáng tạo cùng “đất - lửa - nước”.

Tại đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật từ đất nung của hai thế hệ nghệ nhân, mà còn được trực tiếp “vọc đất”, nặn gốm và khám phá quá trình làm ra một sản phẩm thủ công tinh xảo.

Tất cả các sản phẩm đều được chế tác từ đất sét địa phương, qua bàn tay của những người thợ làng gắn bó với xưởng hơn 20 năm. Mỗi thiết kế đều mang hơi thở của đời sống và di sản văn hóa bản địa, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của đất và người xứ Quảng.

Cùng với đó, xưởng đất nung của ông Hạ còn đóng vai trò như một mắt xích quan trọng trong mạng lưới du lịch làng nghề - du lịch sinh thái tại thị xã Điện Bàn.

Xưởng kết nối chặt chẽ với các điểm đến nổi bật như làng mộc Đông Khương, làng đúc đồng Phước Kiều, làng sinh thái Triêm Tây, dinh trấn Thanh Chiêm… tạo nên một hành trình khám phá đa sắc màu của văn hóa và thủ công truyền thống.