Đảm bảo tính kế thừa và phát triển bền vững
VHO - Với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS); tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, truyền dạy về bảo tồn, phát huy giá trị di sản cho cán cán bộ văn hóa, cho những người nắm giữ di sản, quản lý di sản..., UBND tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nguồn lực thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (viết tắt là Dự án 6).
Nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc
Kế hoạch cụ thể năm 2024- 2025 để thực hiện Dự án 6 cũng đặt mục tiêu hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Cụ thể đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; 100% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng (nhà văn hóa - khu thể thao thôn) phù hợp với văn hóa truyền thống của cư dân trong thôn; 50% số thôn, bản có đội (câu lạc bộ) văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.
Quảng Ninh là tỉnh được đánh giá có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc thiểu số. Việc bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong thời gian qua đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Hiện tỉnh có 21 thành phần dân tộc thiểu số với khoảng 162.000 người. Trong đó, có 5 thành phần dân tộc sống tập trung thành cộng đồng làng bản như: Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay (gồm Cao Lan và Sán Chỉ), Hoa. Mỗi dân tộc thiểu số đều có những nét văn hóa độc đáo riêng, thể hiện qua trang phục, ẩm thực, kiến trúc, sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, văn nghệ dân gian...
Với hơn 2.800 di sản văn hóa phi vật thể, 64 lễ hội truyền thống mang đặc trưng của từng vùng miền như: Ngữ văn dân gian (sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đối, truyện cổ tích, truyện trạng...); nghệ thuật trình diễn dân gian (âm nhạc, múa hát, sân khấu); tập quán xã hội (luật tục hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác)…
Đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu
Thực hiện Dự án 6, Quảng Ninh sẽ khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Trong đó, lập 3 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ cầu mùa dân tộc Sán Chỉ, trang phục truyền thống dân tộc Sán Chay (Sán Chỉ) tỉnh Quảng Ninh, Trang phục truyền thống dân tộc Dao Thanh Y.
Quảng Ninh sẽ tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch.
Tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội đình Lục Nà huyện Bình Liêu và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Lễ hội truyền thống đền Cửa Ông, Lễ hội đình Cẩm Hải, Lễ hội đình Cộng Hòa, thành phố Cẩm Phả.
Tổ chức và phát huy giá trị Lễ hội Bàn Vương trên địa bàn huyện Ba Chẽ gắn với phát triển Du lịch.
Nghiên cứu, xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận.
Một nội dung cũng rất quan trọng là tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể. Tổ chức 2 hội nghị tập huấn, phổ biến, nâng cao công tác quản lý, bảo tồn và truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể Then Tày tỉnh Quảng Ninh.
Tổ chức 10 lớp (5 lớp/1 năm) bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ du lịch gắn với việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống tại các điểm đến du lịch tiêu biểu vùng dân tộc thiểu số và miền núi: văn hoá giao tiếp ứng xử, kỹ năng đón tiếp phục vụ khách du lịch; kỹ năng, phương pháp chế biến món ăn; kỹ năng phục vụ lưu trú du lịch; kỹ năng điều hành tour; kỹ năng hướng dẫn du lịch.
Tổ chức 1 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy nghề thêu thổ cẩm của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y, thành phố Uông Bí. Tổ chức truyền dạy thêu may trang phục truyền thống dân tộc Dao trên địa bàn huyện Bình Liêu.
Thực hiện công tác truyền dạy, giáo dục văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc cho thế hệ trẻ trong trường học gắn với phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí huyện Bình Liêu.
Tổ chức 5 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho 5 xã có đồng bào dân tộc thiểu số: Quảng An, Quảng Lâm, Quảng Tân, Tân Bình, xã Dực Yên huyện Đầm Hà.
Tổ chức lớp truyền dạy các giá trị văn hóa dân tộc Dao xã Quảng Đức, Quảng Sơn; Tày xã Quảng Phong, huyện Hải Hà.
Truyền dạy tiếng nói dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, truyền dạy làm một số loại bánh: bánh trưng dài, bánh bạc đầu, bánh lồng gà địa bàn các xã Dương Huy, phường Quang Hanh.
Tổ chức mở 4 lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, diễn xướng của người Dao, Tày, Sán Chay trên địa bàn huyện Ba Chẽ.
Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một: Nghiên cứu, bảo tồn, tổ chức trình diễn Then nghi lễ của người Tày tỉnh Quảng Ninh; Tổ chức lễ hội Cầu May Bản Dao xã Quảng Đức, huyện Hải Hà; Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Sán Dìu xã Bình Dân, huyện Vân Đồn.
Xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số: Mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản cộng đồng các dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu; Xây dựng trưng bày phòng truyền thống dân tộc Sán Dìu tại nhà văn hóa xã Bình Dân, huyện Vân Đồn.
Trong năm 2024 - 2025, tỉnh cũng sẽ triển khai đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xây dựng nhà trưng bày không gian văn hóa đồng bào dân tộc Dao Thanh Y tại xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí).
Hình thành Đội văn nghệ thôn Châu Hà, xã Quảng Tân; thôn Làng Ngang, xã Quảng An, thôn Bình Hải, xã Tân Bình, thôn Yên Sơn, xã Dực Yên, bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm, thị trấn Đầm Hà thuộc miền núi huyện Đầm Hà.
Lắp đặt biển chỉ dẫn du lịch đối với những điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với với điểm du lịch đã được công nhận và những điểm du lịch chưa được công nhận nhưng có tiềm năng phát triển kinh tế địa phương mà chưa có biển chỉ dẫn du lịch.
Tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số.
Tăng cường tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa tiêu biểu, xúc tiến du lịch, khảo sát tiềm năng, lựa chọn các sản phẩm du lịch đặc trưng của đồng bào dân tộc Sán Dìu, dân tộc Dao tại Cộng Hòa, xã Dương Huy, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả; Chợ phiên Văn hóa vùng Cao xã Lương Mông.
Tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng
Việc tổ chức các lễ hội trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch không chỉ tạo không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, mới mẻ, độc đáo, thu hút du khách đến tham quan, khám phá, trải nghiệm.
Đây được coi là hướng đi để phát triển du lịch bền vững cho các địa phương miền núi, hải đảo của tỉnh, tạo thêm việc làm và thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa từ chính giá trị văn hóa của họ, giúp đồng bào các dân tộc nâng cao hơn ý thức gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa trong cuộc sống hiện đại.
Với quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển, trong những năm qua, Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, dành nhiều nguồn lực quan trọng đầu tư, xây dựng và phát triển văn hóa toàn diện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ với những dấu ấn đặc sắc.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Dự án đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tại Quảng Ninh. Nhiều làng nghề truyền thống và các địa điểm văn hóa được đầu tư cải tạo, trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch.
Các dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống đã được thực hiện, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Chẳng hạn, làng văn hóa dân tộc Dao ở huyện Bình Liêu đã trở thành một điểm du lịch nổi bật, thu hút lượng lớn du khách tới tham quan, trải nghiệm các hoạt động văn hóa truyền thống như: lễ hội, ẩm thực và thủ công mỹ nghệ.
Các doanh nghiệp du lịch đã nhận thấy tiềm năng lớn từ việc kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. Các tour du lịch cộng đồng không chỉ mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách mà còn góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Các lễ hội, nghi lễ truyền thống như Lễ hội Tết Nguyên Đán của dân tộc Dao, lễ hội cầu mùa của người Tày, các làn điệu dân ca và nhạc cụ truyền thống như đàn tính, sáo Mông, được tổ chức thường xuyên hơn, thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng và khách du lịch. Điều này không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn tăng cường sự kết nối giữa các thế hệ.
Một trong những điểm nhấn của Dự án là việc tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho người dân về kỹ năng làm du lịch cộng đồng, kỹ năng giao tiếp, và quản lý dịch vụ. Điều này giúp người dân hiểu rõ hơn về giá trị của di sản văn hóa và cách biến nó thành nguồn lực kinh tế. Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hơn 500 người dân tham gia các khóa đào tạo này, và nhiều hộ gia đình đã bắt đầu khởi nghiệp với các dịch vụ du lịch nhỏ lẻ, tạo ra nguồn thu nhập ổn định.
Dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng Dự án vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề duy trì tính bền vững của các giá trị văn hóa trong bối cảnh phát triển du lịch. Việc khai thác du lịch quá mức có thể dẫn đến sự biến dạng và thương mại hóa văn hóa, mất đi giá trị nguyên bản.
Các chuyên gia nhận định, trong một số trường hợp, du lịch có thể làm thay đổi bản sắc văn hóa, biến các lễ hội và phong tục truyền thống thành các màn trình diễn phục vụ du khách, dẫn đến sự suy giảm giá trị tinh thần. Vì thế, cần phải thận trọng để cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa.
Ngoài ra, vấn đề hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất tại nhiều địa phương còn thiếu thốn, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của du khách. Một số làng văn hóa dân tộc thiểu số vẫn còn gặp khó khăn trong việc duy trì dịch vụ du lịch do thiếu vốn đầu tư và quản lý chuyên nghiệp.
Thu hút sự tham gia chủ động của người dân
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch bền vững, Quảng Ninh sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng điểm. Trong đó, cần tăng cường mô hình du lịch cộng đồng với sự tham gia chủ động của người dân địa phương.
Các doanh nghiệp du lịch cần hợp tác chặt chẽ với cộng đồng để đảm bảo lợi ích được chia sẻ công bằng, đồng thời hỗ trợ người dân trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đa dạng và chất lượng hơn.
Cần có những chương trình đào tạo chuyên sâu hơn cho người dân về cách quản lý, bảo tồn văn hóa và làm du lịch. Đặc biệt, cần chú trọng đến việc truyền dạy các giá trị văn hóa nguyên bản cho thế hệ trẻ, đảm bảo tính kế thừa và phát triển bền vững.
Tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông và các dịch vụ du lịch đi kèm. Đồng thời, tăng cường quảng bá hình ảnh Quảng Ninh như một điểm đến văn hóa đặc sắc với các hoạt động truyền thông, sự kiện văn hóa du lịch nhằm thu hút nhiều hơn nữa du khách trong và ngoài nước.
Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” tại Quảng Ninh đã và đang đem lại những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cần có sự chung tay từ các cấp quản lý, doanh nghiệp và người dân. Chính sự đồng lòng này sẽ tạo nên sức mạnh để văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại Quảng Ninh không chỉ được bảo tồn mà còn tỏa sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.