Đà Nẵng trong top 7 tỉnh, thành có doanh thu du lịch cao nhất dịp Tết

NGUYÊN ĐỨC

VHO - Sở Du lịch Đà Nẵng vừa công bố kết quả hoạt động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ với những con số lạc quan, là địa phương lọt vào nhóm 7 tỉnh, thành có doanh thu cao nhất cả nước trong kỳ nghỉ lễ đầu Xuân.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, từ ngày 25.1 đến ngày 2.2, tổng lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt 470.000 lượt, tăng 16,7% so với Tết 2024; trong đó, khách quốc tế đạt 228.000 lượt (tăng 29%), khách nội địa đạt hơn 241.000 lượt. Riêng chuyến bay đến Đà Nẵng đạt 1.275 chuyến, tăng 58% so với Tết 2024.

Với kết quả này, Đà Nẵng đã lọt vào nhóm 7 tỉnh, thành có doanh thu du lịch cao nhất dịp Tết Nguyên đán: ước đạt 1.887 tỉ đồng, tăng 19,4% so với năm 2024. Danh sách các địa phương này, theo thống kê của toàn ngành du lịch cả nước, là TP. Hồ Chí Minh (7.690 tỉ đồng), Hà Nội (3.530 tỉ đồng), Quảng Ninh (2.665 tỉ đồng), Đà Nẵng (1.887 tỉ đồng), Kiên Giang (1.886 tỉ đồng), Khánh Hòa (1.246 tỉ đồng) và Lào Cai (1.201 tỉ đồng).

Đà Nẵng trong top 7 tỉnh, thành có doanh thu du lịch cao nhất dịp Tết - ảnh 1
Đường hoa Xuân Đà Nẵng là điểm đên thu hút du khách dịp tết Nguyên đán

Đáng chú ý là vùng duyên hải miền Trung chỉ có Đà Nẵng và Khánh Hòa đạt doanh thu cao, với sự chênh lệch khá rõ, cách biệt nhau gần 600 tỉ đồng doanh thu du lịch.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng nhìn nhận, kết quả vượt trội này của Đà Nẵng, cần thấy rõ qua ba điểm nỗ lực mà ngành du lịch địa phương đã rất cố gắng đầu tư, xây dựng trong thời gian qua, nhất là từ những ảnh hưởng hạn chế do mùa dịch bệnh gây ra.

Thứ nhất, trước mùa dịch bệnh Covid-19, Đà Nẵng đã có lợi thế một đô thị du lịch “bùng nổ” cùng “làn sóng” du khách đổ bộ vào điểm đến mới nổi này. Con số từng đoàn du khách trải nghiệm các điểm đến du lịch tại Đà Nẵng đã từng là niềm mơ ước của các địa phương xung quanh, từ đó tạo động lực để Đà Nẵng thu hút một lượng lớn hoạt động đầu tư vào hạ tầng đô thị phục vụ du lịch và phát triển đời sống thị dân phục vụ du khách.

Hệ thống sản phẩm, hạ tầng phục vụ du lịch của Đà Nẵng khá phong phú, từ nghỉ dưỡng biển, giải trí, ẩm thực đến các sự kiện, lễ hội đặc sắc, giúp thành phố này tạo dựng nên hình ảnh điểm đến hàng đầu của khu vực.

Thứ hai, sau giai đoạn dịch bệnh, du lịch Đà Nẵng có dấu hiệu thoái trào, là một thực tế không dễ chấp nhận của địa phương. Chính đây là động lực giúp Đà Nẵng nhìn nhận lại, kiểm điểm và thay đổi hoàn toàn về chất lượng hoạt động du lịch, chăm đón du khách và tìm kiếm những cơ hội bền vững hơn.

Du lịch địa phương, với sự cộng hưởng của các doanh nghiệp, tổ chức trong ngành và nỗ lực triển khai các chính sách, giải pháp kích cầu, vận động đổi mới, gia tăng sản phẩm, chất lượng do sở Du lịch Đà Nẵng đề xướng, đã lập tức thoát khỏi “khủng hoảng”, cuốn hút được du khách quay lại.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, cái khó của Đà Nẵng là đã phát triển rất nhanh trong một khoảng thời gian ngắn, nên hầu hết sản phẩm đều gần như có tính thời vụ, khó chọn được những nhóm du khách có yêu cầu và chất lượng đặc thù hơn. Song cũng chính bởi thấy rõ nhược điểm này, mấy năm qua, Đà Nẵng đã nhanh chóng động viên, khơi gợi các doanh nghiệp trong ngành, đồng tâm đầu tư, tạo ra những nhóm sản phẩm du lịch đặc hữu, độc đáo, chất lượng cao hơn, nhất là mảng du lịch sự kiện, thể thao tiêu chuẩn cao.

Việc địa phương mạnh dạn giao công tác đầu tư, xây dựng các điểm đến mới, sự kiện du lịch văn hóa lớn, cho một số đơn vị, nhà đầu tư có năng lực thực sự, cũng là một tác nhân làm chất lượng sản phẩm du lịch địa phương thay đổi.

Qua đó, diện mạo một Đà Nẵng khởi sắc về du lịch có chọn lọc, có điểm nhấn đã định hình. Chỉ tính riêng năm 2024, bước vào năm 2025, Đà Nẵng đã nhận được các danh hiệu quốc tế quan trọng như “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á” và “Top 11 điểm đến tốt nhất châu Á”. Đặc biệt, tạp chí Time Out (Anh) đưa Đà Nẵng vào danh sách 8 điểm đến đáng ghé thăm nhất châu Á năm 2025, trong khi Michelin Guide chọn Đà Nẵng là điểm đến ẩm thực của năm nay.

Thứ ba, trực tiếp trong những ngày tháng qua, ngành du lịch Đà Nẵng đã chủ động “làm mới hơn” chính mình, với hàng loạt hoạt động xúc tiến nhằm thu hút du khách quốc tế ở các thị trường trọng điểm và tiềm năng, cũng như lôi cuốn du khách nội địa quan tâm đến địa phương vào kỳ lễ tết. Những sáng kiến như Hộ chiếu Ẩm thực, hay chọn những điểm đến tiêu biểu đầu tư các sự kiện lễ hội độc đáo, như Bà Nà Hills, Danang Downtown, Công viên nước Mikazuki, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài…, đã làm Đà Nẵng trở nên hấp dẫn hơn.

Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, kết quả một mùa Tết Nguyên đán, Đà Nẵng vượt trội lên với sức hút du khách là điều đáng ghi nhận và có cơ sở bền vững. Theo thống kê, tháng 1.2025, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ở Đà Nẵng đạt 2.387 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 885 tỷ đồng, tăng 30,8%, còn doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 1.502 tỈ đồng, tăng 11,2%. Số khách lưu trú tháng 1 đạt 719.700 lượt, tăng 19,3%; trong đó, khách quốc tế đạt 393.100 lượt, tăng 29,4%, còn khách nội địa đạt 326.700 lượt, tăng 9%. Những con số này, cho thấy sức hút du lịch của Đà Nẵng, trước kỳ nghỉ Tết, đã rất tích cực.

Do đó, mùa Tết Ất Tỵ, với hàng loạt sự kiện, điểm đến khơi gợi du khách hưởng thụ hơn về du lịch Đà Nẵng, như các dự án đường hoa biển, đường hoa Xuân, rồi chính hạ tầng hiện đại nhưng rất trật tự, sạch sẽ của thành phố, đã cuốn hút rất đông du khách nội địa cùng các đoàn du khách quốc tế từ Hàn quốc, Đài Loan… Đặc biệt hơn nữa, Đà Nẵng còn có một lợi thế cộng đồng người dân thân thiện, tích cực, có tinh thần hợp tác, hỗ trợ du khách rất lớn. Theo bà Hồng Hạnh, đây là điểm khác biệt quan trọng, mà ngành Du lịch Đà Nẵng có quyền tự hào, tự tin để định hướng phát triển tốt hơn nữa!

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc