Phố cà phê đường tàu Hà Nội:

Công khai hoạt động, thách thức lệnh cấm

ĐẠI ĐỊNH; ảnh: HƯƠNG GIANG - GIA BẢO

VHO - Phố cà phê đường tàu Hà Nội từng là một địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, lực lượng chức năng Hà Nội và ngành Đường sắt đã liên tục ban hành lệnh cấm hoạt động từ năm 2019 đến nay.

Dù vậy, cảnh tượng du khách tập nập ra vào, các quán cà phê hoạt động công khai vẫn tiếp diễn, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý và đảm bảo an toàn, đặc biệt là hình ảnh du lịch Hà Nội đối với du khách.

Tình trạng nhếch nhác, mất an toàn

Dù chính quyền Hà Nội đã nhiều lần ra quân xử lý và yêu cầu đóng cửa các quán cà phê dọc đường ray, thực tế cho thấy tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.

Công khai hoạt động, thách thức lệnh cấm - ảnh 1
Công khai hoạt động, thách thức lệnh cấm - ảnh 2
Phố cà phê đường tàu tấp nập du khách dù lực lượng chức năng đã có biển cảnh báo

Nhiều hộ kinh doanh vẫn lén lút mở cửa đón khách, đặc biệt vào buổi tối hoặc những khung giờ ít có sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Những quán cà phê này bày bàn ghế sát đường ray, du khách vô tư ngồi chụp ảnh, thưởng thức cà phê mà không lường trước nguy hiểm. Khi tàu chạy qua, nhiều người vội vã thu dọn đồ đạc, nép sát vào tường hoặc đứng cách tàu chỉ vài chục centimet.

Công khai hoạt động, thách thức lệnh cấm - ảnh 3
Du khách thản nhiên chụp ảnh và ngồi uống cà phê ngay cạnh đường ray

Cảnh tượng hỗn loạn này không chỉ gây nguy hiểm cho chính du khách mà còn làm mất trật tự giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động của ngành Đường sắt.

Bên cạnh vấn đề an toàn, phố cà phê đường tàu còn đang trở thành một điểm nhếch nhác với rác thải vương vãi, bàn ghế xếp lộn xộn dọc đường ray. Nhiều hộ kinh doanh còn tận dụng không gian vỉa hè để đặt thêm bàn ghế, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Công khai hoạt động, thách thức lệnh cấm - ảnh 4
Rất đông du khách tỏ ra thích thú khi chụp ảnh ngay trên đường ray

Lệnh cấm của chính quyền Hà Nội yêu cầu các hộ kinh doanh dọc phố cà phê đường tàu phải dừng hoạt động để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, nhiều chủ quán vẫn tìm cách lách luật bằng nhiều hình thức khác nhau.

Một số quán mở cửa vào những giờ vắng, sử dụng “chim lợn” để theo dõi lực lượng chức năng và thông báo khi có kiểm tra. Một số khác hướng dẫn du khách vào khu vực cấm qua những con ngõ nhỏ nhằm tránh sự kiểm soát.

Công khai hoạt động, thách thức lệnh cấm - ảnh 5
Khi có tàu đến, rất nhiều du khách ùa ra chụp ảnh

Họ còn đăng tải thông tin trên mạng xã hội nhằm thu hút khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế. Nhiều du khách, dù đã được cảnh báo về nguy cơ mất an toàn, vẫn cố tình tìm đến địa điểm này để trải nghiệm cảm giác ngồi sát đường ray khi tàu chạy qua.

Dù có biển cảnh báo nguy hiểm bằng nhiều thứ tiếng, nhưng sự tò mò và tâm lý thích mạo hiểm khiến nhiều người phớt lờ quy định.

Ấn tượng xấu về du lịch Hà Nội

Ghi nhận của phóng viên tại phố cà phê đường tàu đoạn Phùng Hưng vào trưa ngày 4.4 cho thấy, mặc dù có biển cấm, nhiều du khách và cơ sở kinh doanh vẫn phớt lờ quy định. Ngay cả khi tàu chạy qua, nhiều du khách vẫn cố gắng chụp ảnh, thậm chí có người còn cố vươn tay để ghi lại khoảnh khắc nguy hiểm.

Công khai hoạt động, thách thức lệnh cấm - ảnh 6
Lực lượng chức năng cảnh báo người dân và du khách khi có tàu tới

Theo ông T, đại diện một công ty lữ hành, hầu hết du khách đến phố cà phê đường tàu đều là khách tự do, không do các công ty lữ hành đưa tới, mà chủ yếu biết thông tin qua mạng xã hội hoặc tư vấn của lái xe taxi, xe công nghệ.

Phố cà phê đường tàu không nằm trong các chương trình tour chính thức do các công ty lữ hành cung cấp, bởi nó không đảm bảo an toàn và không phù hợp với định hướng phát triển du lịch bền vững.

Công khai hoạt động, thách thức lệnh cấm - ảnh 7
Tuy nhiên, du khách tỏ ra phớt lờ với cảnh báo và ngồi chỉ cách đoàn tàu vài centimet. (Ảnh chụp 12h05 ngày 4.4)

Trong khi đó, Hà Nội đã triển khai nhiều điểm du lịch mới, được đầu tư bài bản, đảm bảo an ninh, an toàn như phố đi bộ Hồ Gươm, công viên Thống Nhất, phố cổ Hà Nội về đêm…

Đây là những điểm đến văn minh, giúp du khách trải nghiệm văn hóa và đời sống của người dân Hà Nội một cách an toàn và ý nghĩa.

“Việc để phố cà phê đường tàu tiếp tục tồn tại trong tình trạng nhếch nhác, lộn xộn không chỉ gây nguy hiểm mà còn làm xấu đi hình ảnh của du lịch Hà Nội. Du khách không thể mang về ấn tượng về một thành phố văn minh, lịch sử nếu điểm đến họ ghé thăm là một khu vực vi phạm an toàn giao thông và bị cấm hoạt động", ông T bức xúc nói.

Chính quyền nỗ lực nhưng vi phạm vẫn tiếp diễn

Trước tình trạng vi phạm kéo dài, lực lượng chức năng Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Rào chắn, biển cảnh báo và lực lượng chốt chặn đã được triển khai để ngăn chặn du khách tiếp cận khu vực nguy hiểm.

Công khai hoạt động, thách thức lệnh cấm - ảnh 8
Mái hiên của các hộ kinh doanh cũng chỉ cách đoàn tàu vài centimet

Đồng thời, chính quyền cũng thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với những hộ kinh doanh tái vi phạm.

Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố không giới thiệu, tổ chức các tour đưa khách đến phố cà phê đường tàu.

Các công ty lữ hành, vận chuyển khách du lịch cũng được yêu cầu tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức về nguy cơ tai nạn giao thông tại khu vực này.

Năm 2022, cơ quan chức năng đã lập rào chắn và chốt chặn hai đầu lối vào khu vực cà phê đường tàu trên đường Trần Phú và Phùng Hưng. Tuy nhiên, các quán cà phê trên đoạn đường sắt ở phố Phùng Hưng vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp quy định.

Cục Đường sắt Việt Nam đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội có biện pháp mạnh tay hơn để xử lý vi phạm.

Phố cà phê đường tàu Hà Nội, dù độc đáo, vẫn là một vấn đề nan giải về an toàn giao thông và trật tự đô thị. Để đảm bảo an toàn, cả chính quyền, người dân và du khách cần có ý thức tuân thủ các quy định hiện hành.

Nếu không có sự quản lý chặt chẽ, phố cà phê đường tàu sẽ là một điểm nóng về an toàn và trật tự đô thị. Hà Nội cần hướng đến những giải pháp bền vững và an toàn hơn để vừa phát triển du lịch, vừa bảo vệ tính mạng du khách.