Chính sách visa cởi mở- cơ hội cho du lịch Việt Nam (Bài cuối): Cần giải pháp tổng thể

VHO- Các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch đều cho rằng, cần phải có một giải pháp tổng thể với trọng tâm là xây dựng sản phẩm mới, chiến dịch truyền thông mới, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, mở rộng thị trường quốc tế, liên kết phát triển du lịch, phát triển du lịch đêm, mở rộng diện miễn thị thực đơn phương… để thu hút khách quốc tế.

Chính sách visa cởi mở- cơ hội cho du lịch Việt Nam (Bài cuối): Cần giải pháp tổng thể - Anh 1

 Doanh nghiệp cần chuẩn bị xây dựng hệ sinh thái sản phẩm mới sau khi khách quay trở lại Ảnh J.B.T

 Cần ngay kế hoạch truyền thông

Đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) mong muốn, cùng với việc thực hiện các chính sách visa mới, cần triển khai mạnh mẽ mô hình Văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài theo chiến lược tiếp thị du lịch quốc gia để chiến dịch quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế đạt được hiệu quả nhiều hơn. TAB đã trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL và Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề xuất vận hành Văn phòng Xúc tiến du lịch tại Anh (tên tiếng Anh là Visit Vietnam UK) theo mô hình đối tác công - tư. Theo đề xuất của TAB, văn phòng này hoạt động theo chỉ đạo của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, còn kinh phí hoạt động của văn phòng này là có sự phối giữa nguồn kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch và Quỹ của các doanh nghiệp TAB đóng góp. Hiện nay mỗi năm, TAB đã chi khoảng 3 tỉ đồng cho các hoạt động thường xuyên và vận hành văn phòng. Ngoài ra, khoảng 4 tỉ đồng cho các hoạt động theo sự kiện được ký hợp đồng riêng. “Để hoạt động của Văn phòng Xúc tiến du lịch đạt được hiệu quả cao nhất và có sức lan tỏa mạnh nhất và trở thành niềm tự hào của tất cả các bên, TAB đã đề xuất ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và TAB, có sự chứng kiến của Bộ VHTTDL và các nhà tài trợ”, đại diện TAB cho biết.

Trong tương lai, TAB mong muốn mô hình Văn phòng Xúc tiến du lịch tại nước ngoài sẽ được vận hành trên nguyên tắc đảm bảo có sự hợp tác của nhiều bên. Theo đó, các bên tham gia thuộc khu vực tư nhân (các doanh nghiệp) đóng vai trò thiết yếu trong việc đóng góp kinh phí vận hành, khu vực công (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) có cam kết mạnh mẽ trong việc xây dựng định hướng chiến lược, kế hoạch từng năm, nội dung cho từng chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài.

Đại diện TAB cũng cho biết, rất ủng hộ Bộ VHTTDL về việc xây dựng chiến lược điều chỉnh mới với các kế hoạch cụ thể nhằm thúc đẩy du lịch Việt Nam cất cánh. Dựa trên chiến lược phát triển du lịch này các Bộ, ngành liên quan như: Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Công thương… sẽ điều chỉnh kế hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành Du lịch như: Mở rộng công suất các sân bay, mở thêm các đường bay thẳng quốc tế, phát triển giao thông đường bộ; tạo thuận lợi hơn trong việc cấp thị thực, kể cả việc cấp thị thực tại cửa khẩu; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư, hội chợ…

Khi đó, Bộ VHTTDL với vai trò “nhạc trưởng” sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong quản lý điểm đến du lịch gồm: Xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của thị trường; quảng bá xúc tiến điểm đến du lịch; quản lý môi trường tự nhiên, văn hóa, xã hội tại các điểm đến; cơ cấu lại thị trường khách du lịch… “Chúng tôi tin tưởng với sự chỉ đạo và dẫn dắt của Bộ VHTTDL, các doanh nghiệp du lịch sẽ nắm bắt cơ hội này để triển khai một cách hiệu quả cao nhất trong việc đón và phục vụ khách du lịch quốc tế ở dài ngày, với chương trình tour phù hợp và hấp dẫn hơn. Cần có sự hợp tác có ý nghĩa hơn giữa các doanh nghiệp du lịch với các hãng hàng không, tàu biển… để triển khai các chương trình, sản phẩm du lịch mới hoặc quảng bá xúc tiến du lịch ở những thị trường mới”, đại diện TAB cho biết.

Việc quan trọng nhất trong lúc này, theo các doanh nghiệp là ngành Du lịch cần phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Ngoại giao trong việc tuyên truyền, cập nhật thông tin về chính sách miễn thị thực và áp dụng thị thực điện tử trên các trang web chính thức của Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài đến các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Cho đến khi chúng tôi thực hiện bài viết này, trên trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha vẫn không thông báo các nước này trong danh sách miễn thị thực của Việt Nam.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Đại diện các doanh nghiệp lữ hành, du lịch cho rằng, Việt Nam cần phải có những giải pháp tổng thể để nâng cao năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực và thế giới. Ngoài 13 quốc gia đã được Việt Nam miễn thị thực đơn phương hiện nay, TAB ủng hộ các đề xuất liên quan đến chính sách visa cởi mở của Bộ VHTTDL để thu hút khách quốc tế. Về phía các doanh nghiệp, TAB cũng đã đại diện gửi thư kiến nghị Bộ Ngoại giao xem xét bổ sung thêm một số quốc gia khác vào danh sách miễn thị thực như: Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, Israel, Thụy Sĩ, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Xê út, Cô oét, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất…

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị (Công ty du lịch Vietravel) cho biết: “Đứng ở góc độ là một doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Việt Nam, chúng tôi cho rằng việc điều chỉnh chính sách visa góp phần nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực trong việc thu hút khách du lịch quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi để khách quốc tế đến Việt Nam. Với chính sách visa mới đã được Quốc hội thông qua, Vietravel nói riêng, doanh nghiệp trong nước nói chung có thể linh hoạt sắp xếp lịch trình du lịch dài ngày cho khách quốc tế dễ dàng tham quan theo tuyến du lịch nghỉ dưỡng hoặc xuyên Việt, khám phá ba nước Việt Nam- Lào - Campuchia; thu hút khách ở lại Việt Nam lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, từ đó tăng nguồn thu từ khách du lịch quốc tế tại Việt Nam”.

Để tiếp cận, mở rộng xúc tiến thị trường, tuyên truyền chính sách visa linh hoạt, đột phá, từ đó thu hút khách quốc tế, lãnh đạo Vietravel cho rằng ngành Du lịch Việt Nam nên áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau để xúc tiến thị trường và phổ biến các chính sách thị thực linh hoạt, cởi mở của Việt Nam. Đặc biệt, cần tăng cường nỗ lực tiếp thị kỹ thuật số, tận dụng các nền tảng truyền thông xã hội, cộng tác với những người có ảnh hưởng (KOL) và blogger du lịch, tham gia các hội chợ và triển lãm du lịch quốc tế. Đồng thời đẩy mạnh quan hệ đối tác giữa các công ty du lịch và hàng không. Hơn nữa, các chiến dịch cần hướng tới mục tiêu làm nổi bật các điểm tham quan và trải nghiệm độc đáo, mới lạ mà Việt Nam mang lại, khác biệt so với các quốc gia trong khu vực, có thể giúp thu hút sự quan tâm của du khách tiềm năng.

Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Chi hội du lịch Xanh Việt Nam cho rằng, ngành Du lịch cần tích cực tham gia các hội chợ du lịch lớn như: ITB Berlin (Đức), WTM (Anh)… với các gian hàng hấp dẫn, chuyên nghiệp; tổ chức các roadshow (giới thiệu điểm đến) nhằm giới thiệu các sản phẩm du lịch mới và các chính sách visa mới.

Ngoài những giá trị về tài nguyên tự nhiên và văn hóa của các điểm đến, để nâng cao tính cạnh tranh, cần có hoạt động dịch vụ giải trí, mua sắm chất lượng cao và tiện nghi. Tăng cường chất lượng các sản phẩm du lịch về văn hóa, tạo sự khác biệt, trong đó phát triển công nghiệp văn hóa để tạo ra những đột phá cho du lịch trong việc thu hút khách đến. Tổ chức liên kết dịch vụ du lịch, liên kết doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp và hiệu quả; ứng dụng công nghệ số, tăng trải nghiệm của du khách ở điểm đến...

 NGUYỄN ANH

Ý kiến bạn đọc