Chinh phục du khách Pháp bằng chiều sâu văn hóa và trải nghiệm bản địa
VHO - Mới đây, trong khuôn khổ chương trình phát động thị trường tại 3 nước châu Âu, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã chủ trì tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Paris, thủ đô nước Pháp.

Chương trình có sự phối hợp của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch (Bộ VHTTDL), UBND TP. Huế, một số cơ quan quản lý địa phương, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch.
Thị trường khách Pháp: Phục hồi mạnh mẽ, tiềm năng lâu dài
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh tại sự kiện này nhấn mạnh: “Pháp luôn được xác định là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam, không chỉ nhờ mối quan hệ song phương sâu sắc mà còn bởi thị hiếu du lịch đặc trưng của du khách Pháp rất phù hợp với thế mạnh của điểm đến Việt Nam”.
Số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, năm 2024, Việt Nam đón gần 279.000 lượt khách Pháp, đạt 97% so với thời điểm trước đại dịch. Đáng chú ý, quý I.2025 ghi nhận hơn 102.000 lượt khách, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy nhu cầu du lịch Việt Nam của người Pháp đang bật tăng rõ rệt.
Chính sách miễn thị thực, kéo dài thời gian tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày kể từ tháng 8.2023, cùng với hệ thống đường bay thẳng thường xuyên của Vietnam Airlines giữa hai nước, đã tháo gỡ những “nút thắt” quan trọng, tạo điều kiện để dòng khách Pháp đến Việt Nam gia tăng ổn định và bền vững.

Nhu cầu tinh tế, thiên về chiều sâu trải nghiệm
Phân tích hành vi tiêu dùng du lịch cho thấy, du khách Pháp đề cao trải nghiệm văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên. Họ ưa thích các hành trình dài ngày, có yếu tố du lịch chậm, gắn với giá trị bền vững và trải nghiệm cá nhân hóa.
Đặc biệt, họ mong muốn được hòa mình vào đời sống bản địa, hơn là “ngắm nhìn từ xa”. Đây là nhóm khách có nhu cầu tinh tế, không ồn ào, đề cao sự thật, sâu và khác biệt. Điều này đòi hỏi sản phẩm du lịch Việt Nam cần vượt ra khỏi “điểm đến phổ thông”, để chạm tới cảm xúc và giá trị mà khách tìm kiếm.
Đa dạng hóa và nâng cấp sản phẩm theo thị hiếu đặc thù
Đáp ứng xu hướng cá nhân hóa và bền vững, du lịch Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, tập trung phát triển các sản phẩm chuyên sâu, hướng đến những trải nghiệm giàu cảm xúc và gắn bó lâu dài với cộng đồng địa phương.
Trong đó, trải nghiệm - yếu tố được du khách Pháp đặc biệt quan tâm đang trở thành trung tâm của chiến lược sản phẩm mới.
Một trong những điểm nhấn nổi bật là du lịch di sản và văn hóa, với các điểm đến như: Hà Nội, Huế, Hội An hay Ninh Bình. Tại đây, du khách không chỉ tham quan mà còn được “sống trong lịch sử”, từ kiến trúc cổ kính, không gian làng xã truyền thống, đến những buổi biểu diễn nghệ thuật dân gian, lớp học ẩm thực, hay trải nghiệm đời sống thường nhật của người dân địa phương.
Đây chính là chiều sâu văn hóa mà du khách Pháp luôn tìm kiếm trong hành trình của mình.

Bên cạnh đó, du lịch thiên nhiên cũng mang lại sức hút mạnh mẽ. Những vùng đất như: Vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, Sa Pa, Hà Giang hay Tây Nguyên… mở ra không gian rộng lớn cho các hoạt động khám phá, trekking, hòa mình vào khung cảnh hoang sơ, kỳ vĩ, cùng cơ hội tìm hiểu đời sống của các dân tộc thiểu số.
Với những du khách yêu thích “du lịch chậm”, thích lắng nghe và trải nghiệm thay vì chỉ ngắm nhìn, đây là lựa chọn lý tưởng.
Trong khi đó, du lịch biển gắn với văn hóa bản địa đang được làm mới để vượt ra khỏi khuôn mẫu nghỉ dưỡng thông thường. Những điểm đến như: Phú Quốc, Nha Trang, Côn Đảo hay Hội An, Cù Lao Chàm không chỉ có nắng vàng, biển xanh mà còn mang đến những trải nghiệm rất “người Việt”.
Khách có thể tham gia đánh bắt cá cùng ngư dân, thưởng thức lễ hội dân gian ven biển, đến tìm hiểu các tín ngưỡng, phong tục truyền đời nơi làng chài cổ.
Đặc biệt, xu hướng du lịch theo chuyên đề đang được nhiều doanh nghiệp và địa phương đầu tư phát triển nhằm phục vụ nhóm du khách Pháp yêu cầu cao về trải nghiệm và chiều sâu văn hóa.
Từ các lớp học nấu món ăn Việt, trải nghiệm làm gốm ở Bát Tràng, dệt lụa ở Vạn Phúc, đến các tour nhiếp ảnh, hành hương, đạp xe qua làng cổ, học yoga hay tiếng Việt bản địa, tất cả tạo nên hành trình giàu cảm xúc, mang tính cá nhân hóa rõ nét.
Không thể không nhắc tới du lịch cộng đồng và mô hình homestay, vốn rất được lòng du khách Pháp. Việc lưu trú trong những ngôi nhà truyền thống, sinh hoạt cùng gia chủ, cùng đi chợ, nấu ăn, thăm ruộng nương hay nghe chuyện làng… là cách để du khách thật sự “hòa vào đời sống” của người Việt.
Những mô hình như vậy hiện đang phát triển mạnh tại các làng du lịch vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Hồng.

Tận dụng chất liệu Pháp trong văn hóa Việt để kết nối cảm xúc
Với bề dày quan hệ lịch sử và văn hóa, nhiều địa danh như Hà Nội, Huế, Đà Lạt, TP.HCM... mang đậm dấu ấn kiến trúc và văn hóa Pháp.
Đây là lợi thế đặc biệt để tạo nên cảm giác vừa thân quen, vừa mới lạ với du khách Pháp điều mà không phải điểm đến nào ở châu Á cũng có.
Ẩm thực Việt Nam với sự giao thoa giữa Á - Âu cũng là một “đại sứ mềm” hiệu quả. Các hoạt động như lớp học nấu ăn, tour ẩm thực đường phố, hay ẩm thực cung đình Huế chính là kênh kết nối rất mạnh mẽ với gu ẩm thực cầu kỳ và tinh tế của người Pháp.
Xúc tiến đúng thị trường, truyền thông đúng cảm xúc
Sự kiện giới thiệu du lịch Việt Nam tại Paris mới đây, do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chủ trì, phối hợp với Vietnam Airlines, TP.Huế và các địa phương, doanh nghiệp du lịch tổ chức, đã mang lại hiệu ứng tích cực trong việc kích hoạt thị trường Pháp.
Đặc biệt, việc lồng ghép quảng bá du lịch vào các sự kiện văn hóa quốc tế như Liên hoan phim Cannes 2025 là chiến lược thông minh để quảng bá hình ảnh Việt Nam qua điện ảnh - lĩnh vực có sức lan tỏa mạnh, gắn với cảm xúc và hình ảnh bền lâu trong tâm trí du khách.

Chương trình kết nối doanh nghiệp du lịch Việt Nam - Pháp được tổ chức tại Paris đã tạo cơ hội để các công ty lữ hành hai nước trao đổi thông tin thị trường, xây dựng sản phẩm phù hợp, mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư và thúc đẩy trao đổi khách hai chiều.
Thị trường Pháp là thị trường “khó nhưng xứng đáng” với giá trị chi tiêu cao, độ gắn kết lớn nếu trải nghiệm tốt và khả năng lan tỏa mạnh qua truyền miệng, mạng xã hội và báo chí.
Việc đầu tư phát triển sản phẩm du lịch phù hợp, truyền thông đúng nhu cầu thị hiếu và tăng cường xúc tiến sẽ là chìa khóa để Việt Nam gia tăng lượng khách, xây dựng hình ảnh điểm đến tinh tế, đậm bản sắc, chạm đúng kỳ vọng của du khách Pháp - một trong những thị trường khó tính nhưng giàu tiềm năng nhất của du lịch Việt Nam.