Chiến dịch quảng bá du lịch “Bắc Giang đa sắc”
VHO- Ngày 22.6, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang đã tiếp và làm việc với các KOL của TikTok (người nổi tiếng, nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok). Cùng dự có lãnh đạo Sở VHTTDL; Tỉnh đoàn Bắc Giang, Văn phòng UBND tỉnh; TikTok Việt Nam và một số doanh nghiệp du lịch.
Các nhà sáng tạo nội dung tham quan Chùa Bổ Đà - ngôi chùa cổ kính nhất miền Kinh Bắc
Tham gia buổi làm việc có hơn 70 người sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok đến từ các vùng miền trên đất nước. Mục đích của đoàn là trải nghiệm, quảng bá giới thiệu về vùng đất, con người và những sản phẩm đặc trưng của Bắc Giang.
Trong ba ngày ở tại Bắc Giang, đoàn đã đi thăm một số điểm như: Chùa Bổ Đà (Việt Yên); chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng); Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động); trải nghiệm hái vải thiều và thăm làng mỳ Chũ, hồ Cấm Sơn tại huyện Lục Ngạn. Bên cạnh đó, đoàn sẽ trải nghiệm hái vải đêm cùng người dân bản địa và thưởng thức ẩm thực địa phương.
Hơn 70 người sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok đến từ các vùng miền trên đất nước đến khảo sát, quảng bá du lịch Bắc Giang
Trong ngày 24.6, các thành viên trong đoàn tham gia Hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng quảng bá điểm đến du lịch và bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn; tham gia Diễn đàn chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ này, ông Mai Sơn khẳng định: “TikTok là một nền tảng xã hội có tính tương tác cao, thu hút đông giới trẻ. Vì vậy, việc quảng bá du lịch, nông sản của tỉnh trên nền tảng TikTok sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả”.
Ông Mai Sơn cũng tin rằng Bắc Giang sẽ là nguồn cảm hứng để sáng tác nhiều nội dung hay, ý nghĩa trên mạng xã hội.
Phó chủ tịch Mai Sơn tại buổi làm việc với hơn 70 nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok
Hành trình trải nghiệm của các nhà sáng tạo nội dung nằm trong chiến dịch “Bắc Giang đa sắc”. Đây là một chiến dịch mang tính toàn diện trong quảng bá, xúc tiến du lịch. “Bắc Giang đa sắc” kể những câu chuyện đặc sắc về Bắc Giang thông qua cảm nhận thực tế của KOL (nhóm trải nghiệm có ảnh hưởng trên mạng xã hội) để từ đó truyền cảm hứng cho công chúng về một điểm đến du lịch mới, hướng tâm, hướng văn hoá, đáp ứng các nhu cầu của du khách về du lịch thiền, du lịch chữa lành,...qua văn hoá bản địa, ẩm thực, thiên nhiên và con người địa phương.
Những năm gần đây, Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế trong top 10 cả nước. Các chỉ số xã hội khác cũng đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tỉnh có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Với các yếu tố đó, nội lực và sự quyết tâm, Bắc Giang mong muốn thời gian tới sẽ quảng bá nhiều hơn nữa những hình ảnh đẹp nhất, chân thật nhất về con người, vùng đất, di sản văn hóa, sản vật Bắc Giang đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, tạo điểm nhấn cho du lịch Bắc Giang
Mới đây, Sở VHTTDL Bắc Giang cũng đã tổ chức khảo sát điểm đến dịch vụ du lịch và Tọa đàm giới thiệu chương trình du lịch Bắc Giang. Dự chương trình có đại diện lãnh đạo Hội Du lịch xanh Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Bắc Giang và hơn 70 doanh nghiệp lữ hành, phóng viên cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Các đại biểu đã đi khảo sát, trải nghiệm tại làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên); đền Chúa Then, xã Hương Sơn (Lạng Giang); thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, chùa Am Vãi, làng nghề mỳ Chũ và vườn vải thiều tại xã Thanh Hải (Lục Ngạn)...
“Bắc Giang nói chung, huyện Lục Ngạn nói riêng đang hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó tập trung vào các sản phẩm du lịch tiêu biểu như: Văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng, thể thao”, đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL tại Tọa đàm cho biết.
Phó giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang cho biết tỉnh này đang hướng tới việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Đại diện các đơn vị lữ hành tham dự khảo sát và tọa đàm đều đánh giá, tỉnh Bắc Giang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp mà vải thiều là cây chủ lực. Đoàn đã tới nhiều vườn cây đẹp, lạ mắt, trĩu quả và đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao. Đồng bào các dân tộc tại đây khá cởi mở, thân thiện, du khách được tiếp đón nồng hậu và có thể hái vải trong vườn thưởng thức tại chỗ.
Nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh Bắc Giang muốn phát triển du lịch thì phải có sản phẩm tốt; cải thiện vệ sinh môi trường; kết nối giao thông, cơ sở lưu trú, nhà hàng và hệ thống dịch vụ vui chơi giải trí… Vấn đề quy hoạch cũng cần được quan tâm hơn, thực hiện theo đúng quy hoạch. Đẩy mạnh công tác truyền thông du lịch, thường xuyên cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp lữ hành để chủ động giới thiệu, chào bán sản phẩm với du khách. Chú trọng quảng bá, xúc tiến, đầu tư du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, tạo điểm nhấn, nét khác biệt của du lịch Bắc Giang đến với du khách…
Các nhà vườn, cơ sở lưu trú, điểm tham quan cần niêm yết giá bán các sản phẩm rõ ràng, minh bạch. Đồng thời có hình thức thông tin rõ ràng hơn về quá trình sản xuất, chăm sóc, tiêu thụ các loại cây ăn quả; mời người nổi tiếng tham gia quảng bá du lịch nhằm tạo hiệu ứng và sức lan tỏa mạnh mẽ.
LỤC GIANG