Cảnh báo rủi ro từ mô hình "sở hữu kỳ nghỉ” (Bài cuối): Tăng cường thanh tra, xử lý
VHO- Theo Tổng cục Du lịch và Thanh tra Bộ VHTTDL, thực trạng tình hình hoạt động kinh doanh kỳ nghỉ du lịch đang có một số vấn đề cần lưu ý trong đó xuất hiện nhiều đơn thư khiếu nại, tố giác liên quan đến “sở hữu kỳ nghỉ”. Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi ký giao kết hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” để tránh rủi ro, thiệt hại.
Khu nghỉ dưỡng A (Khánh Hòa)
Mô hình “Sở hữu kỳ nghỉ” đã xuất hiện từ thập niên 60 tại châu Âu và phát triển lan rộng trên thế giới. Ở Việt Nam, mô hình này đã xuất hiện những năm gần đây, có nhiều đơn vị đầu tư, kinh doanh bán “Sở hữu kỳ nghỉ” như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn Crystal Bay, Công ty Cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay, Thương hiệu Paday thuộc Tập đoàn PCorp, Công ty Cổ phần Khách sạn và Du lịch Mandala…, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố du lịch trọng điểm: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quy Nhơn, Ninh Thuận…. Trong đó, tiên phong triển khai mô hình này là Công ty TNHH Khu du lịch V.T.Đ (chủ đầu tư khách sạn nghỉ dưỡng A tại tỉnh Khánh Hòa).
Đề nghị Công ty V.T.Đ tạm dừng ký hợp đồng
Thông thường, người “Sở hữu kỳ nghỉ” (bên mua) ký hợp đồng dài hạn với bên bán “Sở hữu kỳ nghỉ”. Người mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán khoản tiền theo hợp đồng, ngoài ra còn phải đóng phí thường niên (phí duy trì hàng năm) và các khoản phí khác.
Từ năm 2020, Tổng cục Du lịch đã nhận được các đơn thư của công dân (chủ sở hữu kỳ nghỉ) phản ánh đến việc cung cấp dịch vụ của bên bán “Sở hữu kỳ nghỉ” là khách sạn nghỉ dưỡng A, tổ hợp Du lịch và Giải trí Cocobay (Công ty Oh Vacation)... Những đơn thư trên đã được xử lý theo trình tự, thủ tục giải quyết đơn thư, Tổng cục Du lịch đã ban hành các công văn trả lời đơn của công dân. Đến nay, Tổng cục Du lịch không nhận được những đơn thư tương tự liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ tại các cơ sở lưu trú du lịch cung cấp “Sở hữu kỳ nghỉ”. Tuy nhiên, số đơn thư phản ánh việc tăng phí thường niên không phù hợp; cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác về sản phẩm; các điều khoản hợp đồng mập mờ.... gửi đến các cơ quan chức năng, trong đó có Tổng cục Du lịch, ngày càng tăng lên.
Trong đơn kiến nghị khẩn thiết ngày 29.5.2023, bà T.T.T.B (Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Cuối năm 2015 và 2018, tôi có mua 2 tuần nghỉ gồm các căn A, G với Công ty TNHH Khu du lịch V.T.Đ tại khu nghỉ dưỡng A (Bãi Dài, Cam Ranh, Khánh Hòa) thông qua 2 hợp đồng số: PBRC-H-022183 và H-032315. Khi mua, tôi không được tư vấn phí thường niên. Do khu nghỉ dưỡng A chưa xây dựng xong nên khoản này lúc đó chưa thu, tôi không để ý. Tính từ ngày khai trương đến năm 2020, 2021, chúng tôi phải đóng phí thường niên, nếu 3 năm không đóng thì hợp đồng bị hủy. Phí thường niên tạm thu năm 2022, 2023 theo thông báo mới nhất của A cao bất thường so với thu nhập cá nhân của tôi. Thế nhưng, chủ “Sở hữu kỳ nghỉ” không có quyền lợi gì ngoài việc đi đúng tuần nghỉ và nộp tiền đóng phí, không được lên tiếng, không được lắng nghe, không có quyền quyết định...”. Bà T.T.T.B cũng cho biết, số tiền gốc để mua kỳ nghỉ ở 2 căn của mình hơn 840 triệu đồng đến nay chưa có đồng lãi nào, nếu tăng phí mất thêm 10 triệu một tuần. Chỉ với 2 căn này của bà T.T.T.B, phía Công ty V.T.Đ thu tăng lên 530 triệu đồng/năm (53 tuần nghỉ x 10 triệu đồng). Nếu với hàng chục, hàng trăm căn ở khu nghỉ dưỡng A thì số tiền phí thường niên tăng thêm sẽ lên tới nhiều chục tỉ đồng mỗi năm.
Khách hàng này và nhiều khách hàng khác của Công ty V.T.Đ cho rằng, mô hình “Sở hữu kỳ nghỉ” (timeshare) là khá mới, cần kiểm soát rủi ro, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Vì thế, đề nghị tổ chức họp giữa người tiêu dùng và người có thẩm quyền quyết định tại Công ty V.T.Đ xem xét toàn bộ sự việc của Công ty V.T.Đ; thanh tra việc phân bổ các chi phí vận hành cho các chủ sở hữu một cách hợp tình, hợp lý; làm rõ trách nhiệm của Công ty V.T.Đ về việc xin phê duyệt hợp đồng khung trở về trước và trách nhiệm, quyền hạn của công ty theo luật pháp Việt Nam, quốc tế. Đối với các hợp đồng đã ký, khách hàng đề nghị Công ty xây dựng phụ lục hợp đồng điều chỉnh các điều khoản không hợp lý đối với người tiêu dùng. Đối với các hợp đồng mới: tạm dừng ký, giao cho một đơn vị chủ quản lý hoạt động kinh doanh của Công ty V.T.Đ, kiểm soát các nội dung, điều khoản trên hợp đồng khung của Công ty V.T.Đ trước khi ban hành mẫu hợp đồng ký kết với khách hàng. Sau khi mẫu mới được duyệt thì Công ty V.T.Đ có thể tiếp tục hoạt động ký mới.
Nhiều ý kiến đề nghị, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương) tham mưu, đề xuất đưa hợp đồng liên quan đến “Sở hữu kỳ nghỉ” vào danh sách các loại hợp đồng bắt buộc theo mẫu, hợp đồng phải kiểm tra trước (danh sách hợp đồng này do Thủ tướng Chính phủ quyết định). Lý do là vì hiện nay, hợp đồng của Công ty V.T.Đ và một số đơn vị bán “Sở hữu kỳ nghỉ” quá dài, thông tin đưa ra như “ma trận”, thiếu chính xác; các điều khoản hợp đồng bất lợi cho khách hàng, những nội dung quan trọng rơi hết vào phần phụ lục, câu từ không rõ ràng, có thể hiểu nhiều nghĩa, ....
Cần xem xét, quy định nội dung liên quan đến “Sở hữu kỳ nghỉ”
Trong đơn tố giác Công ty TNHH Khu du lịch V.T.Đ có dấu hiệu lừa đảo khi dẫn dụ khách hàng mua kỳ nghỉ, bà N.T.T.B (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nêu rõ: “Gia đình tôi có giao dịch bị lừa mua 3 tuần nghỉ (A24, G23, A36) ở khu nghỉ dưỡng cao cấp A tại Bài Dài, Cam Ranh, Khánh Hòa với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng. Để sử dụng kỳ nghỉ, chúng tôi phải trả hết số tiền cho tổng số năm tối đa sử dụng, ngoài ra, phải đóng phí thường niên hay phí duy trì cho từng năm”.
Tố cáo Công ty V.T.Đ có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và có các hành vi lừa đảo tất cả những người mua kỳ nghỉ tại Khu du lịch A, bà N.T.T.B cho hay: “Công ty V.T.Đ đã quảng cáo sai sự thật để bán hàng; đưa các điều khoản bất lợi cho khách hàng vào hợp đồng; cung cấp thông tin cá nhân của người mua kỳ nghỉ cho các công ty khác tiếp tục lừa khách hàng...”.
Trước tình trạng đơn thư tố giác, khiếu kiện liên quan đến “Sở hữu kỳ nghỉ” quá nhiều, ngày 23.5 vừa qua, Thanh tra Bộ VHTTDL đã ban hành công văn số 65/TTr- DL và 206/TTr-DL gửi các Sở quản lý du lịch, các cơ quan liên quan về việc tuyên truyền việc tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ”. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương) cũng đưa ra những lưu ý, khuyến cáo cho người tiêu dùng khi muốn mua mô hình nghỉ dưỡng “Sở hữu kỳ nghỉ”.
Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Lê Thanh Liêm cho biết: “Ngoài việc tuyên truyền việc tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ”, Thanh tra Bộ cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị có cung cấp dịch vụ này nhằm đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp tới người tiêu dùng; tiếp nhận và giải quyết kịp thời các đơn thư, phản ánh của công dân theo thẩm quyền. Về lâu dài, cần phải tính toán, sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch vì hiện nay trong Luật mới chỉ quy định các nội dung về dịch vụ lưu trú, chưa có nội dung quy định liên quan đến giao dịch “Sở hữu kỳ nghỉ””, ông Lê Thanh Liêm nói. Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, trong thời gian tới sẽ có biện pháp nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành Du lịch thông qua việc tăng cường công tác truyền thông trên các trang tin tức, báo, tạp chí chuyên ngành nhằm nâng cao nhận thức của công dân về “sở hữu kỳ nghỉ”.
Tổng cục Du lịch cũng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú du lịch, đơn vị khác có cung cấp dịch vụ “Sở hữu kỳ nghỉ” quảng bá, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác; thiết lập hợp đồng mua bán kỳ nghỉ phải rõ ràng, không có các điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng như hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua... Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ VHTTDL trong việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Đồng thời, triển khai công tác kiểm tra chất lượng kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú du lịch trên toàn quốc theo kế hoạch nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách hàng.
Ngoài việc tuyên truyền việc tìm hiểu thông tin trước khi giao kết hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ”, Thanh tra Bộ cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị có cung cấp dịch vụ này nhằm đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp tới người tiêu dùng; tiếp nhận và giải quyết kịp thời các đơn thư, phản ánh của công dân theo thẩm quyền. Về lâu dài, cần phải tính toán, sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch vì hiện nay trong Luật mới chỉ quy định các nội dung về dịch vụ lưu trú, chưa có nội dung quy định liên quan đến giao dịch “Sở hữu kỳ nghỉ”. (Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL LÊ THANH LIÊM) |
NGUYỄN ANH