Du lịch Caravan - Cửa rộng mở nhưng đường còn gập ghềnh (Bài cuối):

Cần một kế hoạch dài hơi tầm quốc gia

NGUYỄN ANH

VHO - Không chỉ là một loại hình du lịch, một hình thức di chuyển, caravan là biểu hiện của lối sống, triết lý dịch chuyển tự do, khám phá, kết nối sâu sắc giữa thiên nhiên và con người.

Trong bức tranh du lịch toàn cầu ngày càng đề cao trải nghiệm cá nhân hóa và du lịch bền vững, caravan sẽ phát triển bùng nổ nếu có môi trường thuận lợi.

Cần một kế hoạch dài hơi tầm quốc gia - ảnh 1
Cần phát triển các khu lưu trú dành riêng cho caravan. Ảnh: NAM PHƯƠNG

 Cần sự vào cuộc đồng bộ

Bà Trần Việt Hương, Giám đốc Trung tâm Caravan Việt Nam (Vietravel) cho rằng: “Đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng một kế hoạch dài hơi phát triển du lịch caravan mang tầm quốc gia. Không thể chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của doanh nghiệp, mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành và các địa phương trọng điểm, giàu tiềm năng phát triển loại hình du lịch này”.

Trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách phù hợp. Việt Nam nên nghiên cứu ban hành Bộ tiêu chuẩn quốc gia về du lịch caravan, bao gồm quy trình tiếp nhận, lưu hành xe du lịch nước ngoài, điều kiện về bảo hiểm, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn giao thông, trách nhiệm của doanh nghiệp tổ chức…

Đồng thời, cần thí điểm áp dụng “visa caravan” - một loại thị thực chuyên biệt dành cho đoàn xe du lịch đường dài, cho phép cấp nhanh tại cửa khẩu, linh hoạt về hành trình và thời hạn.

Hạ tầng cũng phải đi trước một bước. Chính phủ có thể đưa phát triển hệ thống trạm dừng chân, khu cắm trại caravan vào quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia, khuyến khích địa phương quy hoạch đất và kêu gọi đầu tư xã hội hóa.

Các tuyến như: Hà Nội - Lào Cai - Hà Giang - Cao Bằng, hay miền Trung - Tây Nguyên nối TP.HCM - Lâm Đồng - Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận, cung đường Tây Nguyên từ Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Lâm Đồng hoặc xuyên Việt từ Quảng Ninh - Nghệ An - Huế - Đà Nẵng - Bình Định - TP.HCM - Cà Mau hoàn toàn có thể trở thành “hành lang caravan” với đầy đủ dịch vụ hậu cần, nghỉ ngơi, tìm hiểu văn hóa bản địa, khám phá thiên nhiên...

Các tuyến đường tiềm năng như: Tây Bắc, Tây Nguyên hay ven biển miền Trung cần được đầu tư các trạm dừng chân hiện đại, cung cấp các tiện ích thiết yếu như: Khu vực đỗ xe rộng rãi, có mái che và hệ thống an ninh giám sát; khu cắm trại chuyên biệt với nguồn điện, nước sạch, khu vệ sinh tiêu chuẩn; dịch vụ hỗ trợ bảo trì xe như bơm lốp, thay dầu, sửa chữa cơ bản; nhà hàng, quán cà phê, siêu thị mini phục vụ du khách; trạm xăng dầu đặt tại các vị trí hợp lý, tránh tình trạng thiếu nhiên liệu trên hành trình…

Ngoài ra, cần phát triển các khu lưu trú dành riêng cho caravan. Trong đó, các khu nghỉ dưỡng, resort hoặc khu du lịch sinh thái có thể dành một phần diện tích để xây dựng khu lưu trú chuyên biệt cho xe caravan.

Những mô hình này đã rất thành công tại Thái Lan và Trung Quốc, nơi khách du lịch có thể đỗ xe qua đêm tại các bãi cắm trại ven hồ, bên bờ biển hoặc giữa những cánh rừng nguyên sinh.

Tại Việt Nam, các địa phương như: Đà Lạt, Mộc Châu, Hà Giang, Ninh Thuận… hoàn toàn có thể đón đầu xu hướng này nếu có chính sách khuyến khích đầu tư.

Một khía cạnh quan trọng không kém là xây dựng sản phẩm đặc thù. Caravan không đơn thuần là di chuyển, đó là nghệ thuật trải nghiệm. Các tour caravan nên gắn với những câu chuyện di sản, hành trình của cảm xúc như: “Theo dấu chân Bác Hồ”, “Cung đường Trường Sơn huyền thoại”, “Hành trình di sản miền Trung”, “Thiên đường nghỉ dưỡng biển miền Trung”, “Caravan mùa hoa Tây Bắc”, “Khám phá cao nguyên đá Đồng Văn”, “Dặm dài đất nước”...

Tại mỗi điểm đến, nên tích hợp các hoạt động bản địa: Lưu trú tại homestay, tham gia lễ hội truyền thống, học nấu ăn, làm nghề thủ công, leo núi, đạp xe, chèo thuyền… để du khách không chỉ đi mà còn thực sự hòa nhịp với cuộc sống ở vùng đất họ đi qua.

Truyền thông và xúc tiến cũng cần chuyên biệt. Việt Nam nên tổ chức các giải caravan quốc tế thường niên giống như giải đua xe địa hình xuyên Việt nhưng dành cho cộng đồng du lịch, kết nối các tay lái khắp thế giới đến khám phá.

Đồng thời, cần hợp tác với các travel blogger, youtuber nổi tiếng trong cộng đồng caravan quốc tế để quảng bá Việt Nam như một điểm đến thân thiện với xe du lịch.

Một nền tảng số chuyên về caravan Việt Nam tích hợp bản đồ tuyến đường, trạm dừng, điểm du lịch, nơi sửa xe, thông tin thủ tục cũng là một hạ tầng thiết yếu cần sớm xây dựng.

Bên cạnh đó, hợp tác công - tư là giải pháp bền vững. Các địa phương nên mời gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng và vận hành các trạm dừng caravan, khu cắm trại, dịch vụ hậu cần, kết hợp ưu đãi về đất đai, thuế và thủ tục hành chính.

Những đơn vị lữ hành lớn cũng có thể hợp tác với các hãng xe, nhà đầu tư khu du lịch, cộng đồng địa phương để phát triển sản phẩm caravan đẳng cấp và khác biệt.

Để thu hút các doanh nghiệp tham gia phát triển cơ sở hạ tầng, Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi như: Miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư bãi đỗ xe, khu cắm trại caravan; hỗ trợ tài chính để xây dựng trạm dừng chân, cơ sở dịch vụ; tạo điều kiện cấp phép nhanh cho các dự án liên quan đến dịch vụ caravan.

Cần một kế hoạch dài hơi tầm quốc gia - ảnh 2
Đẩy mạnh hợp tác công - tư để du lịch caravan phát triển bền vững. Ảnh: THANH CHU

Caravan - mạch chảy mới của du lịch Việt Nam

Ông Trương Đức Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông cho rằng: “Du lịch caravan chính là một trong những mạch chảy mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, kéo dài thời gian lưu trú, thúc đẩy chi tiêu và lan tỏa dòng khách đến những vùng đất xa trung tâm, nơi ít người biết nhưng giàu bản sắc và tiềm năng. Quan trọng hơn, đây là loại hình du lịch có khả năng kết nối mạnh mẽ giữa các nước trong khu vực - phù hợp với chiến lược mở rộng thị trường, hội nhập khu vực, đón đầu làn sóng khách chất lượng cao”.

Để thu hút caravan quốc tế, Việt Nam cần cấp phép nhập cảnh xe nhanh gọn hơn, áp dụng hình thức đăng ký trực tuyến; cho phép lưu hành xe nước ngoài với thời gian dài hơn, ký kết thỏa thuận liên kết du lịch caravan với các nước trong khu vực để xe có thể di chuyển qua lại dễ dàng hơn.

“Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh, đăng ký phương tiện, cũng như các quy định liên quan đến việc di chuyển của các đoàn caravan quốc tế vào Việt Nam. Tạo điều kiện tốt nhất cho khách du lịch caravan quốc tế tới Việt Nam”, đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết.

Muốn du lịch caravan phát triển bền vững, cũng cần kết nối doanh nghiệp và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, phát triển hệ sinh thái caravan hoàn chỉnh.

Hệ sinh thái này có sự tham gia của các công ty lữ hành chuyên tổ chức caravan; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xe tự lái; hệ thống bãi đỗ xe, đặc biệt là dạng xe Motorhome (RV) có chỗ ngủ và bếp nấu ăn di động; khu lưu trú; hệ thống các điểm đến; hỗ trợ cứu hộ 24/7; gói bảo hiểm cho các hành trình dài; các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần như: trạm xăng, gara sửa chữa, nhà hàng, điểm dừng nghỉ…

Xây dựng cơ chế bảo hiểm và cứu hộ caravan. Các công ty bảo hiểm cần phát triển gói bảo hiểm caravan xuyên biên giới, bao gồm bảo hiểm phương tiện, tai nạn và dịch vụ cứu hộ.

Mô hình hợp tác có thể theo hình thức liên minh du lịch caravan, nơi các doanh nghiệp cùng nhau xây dựng tuyến đường, chia sẻ dữ liệu điểm dừng chân, cung cấp gói dịch vụ trọn gói cho khách du lịch caravan. Hình thành các tuyến caravan quốc tế kết nối Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Trung Quốc… để mở rộng thị trường.

Theo đại diện của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam: “Ý tưởng “Một hành trình - Ba điểm đến: Việt Nam - Lào - Campuchia” đang được 3 nước quan tâm triển khai. Đây sẽ là lợi thế rất lớn trong việc thu hút du khách quốc tế, tạo ra các tour du lịch liên kết 3 quốc gia, giúp du khách khám phá cả ba nền văn hóa và cảnh quan đa dạng của khu vực Đông Nam Á”.