Du lịch Caravan - Cửa rộng mở nhưng đường còn gập ghềnh (Bài 2):
Lợi thế chưa được khai thác hết
VHO - Từ những cung đường uốn lượn giữa đại ngàn Tây Bắc, đến dải cát vàng rực nắng miền Trung hay những con đường biên giới đầy hứa hẹn nối liền các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam mang trong mình đầy đủ tiềm năng để phát triển du lịch caravan thành một sản phẩm chiến lược. Thế nhưng đến nay, loại hình du lịch này ở Việt Nam vẫn như viên ngọc chưa được mài giũa.

Xu thế không thể đảo ngược
Trong bối cảnh du lịch toàn cầu ngày càng đề cao tính cá nhân hóa, tự do trải nghiệm và gần gũi với thiên nhiên, du lịch caravan với đặc trưng là hành trình khám phá bằng xe tự lái, kết hợp lưu trú linh hoạt đã trở thành lựa chọn lý tưởng cho phân khúc du khách cao cấp, các nhóm gia đình, bạn bè và giới trẻ ưa dịch chuyển.
Việt Nam sở hữu lợi thế địa lý vô cùng thuận lợi đó là nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây, có đường biên giới trên bộ tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia và hệ thống cửa khẩu quốc tế dày đặc.
Cùng với đó là mạng lưới đường bộ ngày càng hoàn thiện: Cao tốc Bắc - Nam đang dần nối liền cả nước, cao tốc Hà Nội - Lào Cai giúp hành trình đến Tây Bắc dễ dàng hơn bao giờ hết, trong khi quốc lộ 1A, quốc lộ 14, quốc lộ 27 mở ra những cung đường mê hoặc dọc miền Trung - Tây Nguyên.
Từ Hà Giang - Cao Bằng với những cung đèo hùng vĩ, đến miền Trung thơ mộng (Quảng Bình - Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam), rồi xuống Phan Thiết - Ninh Thuận - Nha Trang - Quy Nhơn với biển trời lộng gió, hay Tây Nguyên đại ngàn vang tiếng cồng chiêng… tất cả tạo thành một bản đồ caravan đầy hấp dẫn.
Không chỉ vậy, cộng đồng yêu thích xe hơi và du lịch tự lái tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Các hội nhóm như: VietCaravan, Caravan VN, Otofun… thường xuyên tổ chức các chuyến đi quy mô lớn xuyên Việt, xuyên quốc gia: Lào, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Myanmar; xa hơn là Ấn Độ, Mỹ, châu Âu…
Nhiều doanh nghiệp du lịch lớn như: Saigontourist, Vietravel, Nam Phương Tour, Hòn Ngọc Viễn Đông… đã bắt đầu khai thác thị trường này, tuy nhiên vẫn chưa tạo thành hệ sinh thái đồng bộ, đủ sức lan tỏa.

Loay hoay trong “bài toán cũ”
Trong khi Việt Nam còn đang dò dẫm tìm đường phát triển du lịch caravan thì các quốc gia trong khu vực và thế giới đã đưa caravan trở thành trụ cột của chiến lược phát triển du lịch.
Thái Lan - điểm đến hàng đầu Đông Nam Á về du lịch caravan đã xây dựng mạng lưới đường cao tốc chất lượng cao, trạm dừng nghỉ dày đặc, khu cắm trại đạt chuẩn quốc tế và chính sách nhập cảnh xe cởi mở.
Mỹ được coi là thiên đường của du lịch tự lái có tới hàng triệu du khách caravan mỗi năm, với hệ thống RV Parks tiện nghi và cơ chế hỗ trợ linh hoạt từ chính phủ.
Ông Phùng Gia Tuấn, Giám đốc Công ty America Discovery Travel & Transportation (chuyên tổ chức tour caravan ở Mỹ) cho biết: “Nhiều đoàn khách đi tour caravan chúng tôi tổ chức tại Mỹ đã rất ấn tượng và vỡ òa cảm xúc khi lần đầu trải nghiệm caravan roadtrip Mỹ. Chưa bao giờ họ nghĩ có thể tự lái xe rong ruổi khắp nước Mỹ, dừng ở bất cứ đâu mình thích, ngắm hoàng hôn trên xa lộ huyền thoại. Với những tour caravan, khách không còn gò bó với lịch trình chặt chẽ, không cần theo tour đông người, hoàn toàn làm chủ hành trình của mình, lái xe trên những con đường đẹp nhất nước Mỹ, khám phá văn hóa địa phương theo cách riêng”.
Trung Quốc phát triển hàng nghìn khu nghỉ dưỡng dành riêng cho caravan, khuyến khích tư nhân đầu tư vào các dịch vụ trạm dừng, khu lưu trú di động và hạ tầng kỹ thuật.
Ngay cả Campuchia, nước láng giềng nhỏ bé, cũng đang đi nhanh với những cung đường xuyên suốt từ Phnom Penh - Sihanoukville hay từ Phnom Penh đến Siem Reap, kết nối chặt chẽ với Việt Nam qua hành lang kinh tế Đông - Tây.
Trái lại, Việt Nam vẫn thiếu một hành lang pháp lý rõ ràng cho xe du lịch nước ngoài tạm nhập - tái xuất, chưa có các chính sách ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ caravan, còn hạ tầng hỗ trợ như: Khu cắm trại, bãi đỗ xe tiêu chuẩn, trạm nhiên liệu, dịch vụ sửa chữa xe, vệ sinh công cộng… vẫn manh mún, thiếu đồng bộ.
Còn nhớ tháng 10.2007, khi đó chúng tôi tham gia đoàn caravan khảo sát liên quốc gia Việt Nam - Lào - Thái Lan - Campuchia với hành trình hơn 10.000 km do Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) tổ chức.
Đoàn caravan xuất phát từ cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), trở về qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), kết nối hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước, mở ra kỳ vọng về một sản phẩm đặc thù mang tính khu vực.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (lúc đó là Vụ trưởng Vụ Lữ hành), Trưởng đoàn caravan trong hành trình đó chia sẻ với tôi: “Chúng tôi muốn khảo sát, kết nối để hình thành sản phẩm du lịch caravan liên quốc gia, vừa thúc đẩy kinh tế du lịch, kinh tế vùng biên, vừa thúc đẩy ngoại giao văn hóa và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa các nước Đông Nam Á”.
Tuy nhiên, gần hai thập kỷ trôi qua, giấc mơ về “xa lộ caravan xuyên biên giới” vẫn chỉ mới dừng lại ở kỳ vọng.
Hiện nay, nhiều địa phương tại Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành “thủ phủ caravan” nếu biết quy hoạch hợp lý và đầu tư bài bản: Từ Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu… ở phía Bắc; đến Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam ở miền Trung; Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận dọc ven biển Nam Trung Bộ kéo dài và Đồng bằng sông Cửu Long với hệ sinh thái sông nước trù phú.
Ông Huỳnh Tấn Quốc, Giám đốc Tourane Travel Group, đại diện CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội tại miền Trung cho rằng: “Cơ hội rất lớn dành cho các doanh nghiệp nằm ở việc đầu tư vào các điểm dừng, bãi đỗ xe, khu cắm trại… những thứ đơn giản nhưng rất thiếu hiện nay nếu muốn phát triển du lịch caravan”.
Các trạm xăng chuyên biệt, khu sửa chữa kỹ thuật, dịch vụ dẫn đường số hóa, app định vị lộ trình, bãi đỗ xe… là những mảnh ghép không thể thiếu trong các hành trình caravan.
Với kinh nghiệm của một lãnh đạo doanh nghiệp du lịch chuyên tổ chức du lịch MICE, người thường xuyên tham gia các tour du lịch caravan, ông Võ Hoài Nam chia sẻ: “Đi caravan giờ không còn là hành trình “phượt” mạo hiểm, mà đã trở thành một phong cách sống, một kiểu nghỉ dưỡng linh hoạt nhưng sâu sắc hơn. Có thể cắm trại, thưởng thức ẩm thực địa phương, giao lưu văn hóa, gắn kết tập thể… điều mà du lịch đại trà không dễ có được”.
Chờ một bàn tay đánh thức
Ông Lê Văn Dũ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7, Giám đốc Công ty CP TM và DV Du lịch Hương Nam Việt cho rằng: “Nếu được đầu tư đúng hướng, trong tương lai du lịch caravan tại Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một loại hình cao cấp, thu hút khách nội địa và cả thị trường quốc tế như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu….”.
Muốn làm được điều đó, Việt Nam cần một chiến lược phát triển du lịch caravan mang tính quốc gia từ quy hoạch hạ tầng, tạo khung pháp lý thuận lợi, chính sách ưu đãi đầu tư, đến đào tạo nguồn nhân lực chuyên biệt và thúc đẩy hợp tác liên quốc gia.
Để đánh thức “giấc mơ” dọc những cung đường, ông Lê Văn Dũ nhấn mạnh, du lịch caravan không chỉ là một sản phẩm mới, mà là cơ hội để Việt Nam định vị lại mình trên bản đồ du lịch khu vực: Một điểm đến mở, xanh, linh hoạt và cá nhân hóa.
Với vẻ đẹp thiên nhiên đa dạng, văn hóa đặc sắc và cộng đồng du lịch yêu thích trải nghiệm đang lớn mạnh, “viên ngọc caravan” chỉ còn chờ một bàn tay đánh thức.
Vấn đề không còn là “Việt Nam có tiềm năng hay không”, mà là chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu và liệu có đủ quyết tâm để biến tiềm năng ấy thành thực tế rực rỡ trên từng bánh xe lăn qua núi đồi, đồng bằng, biên giới khắp mọi miền Tổ quốc?
(Còn tiếp)