Cần hình thành hệ thống doanh nghiệp du lịch có sức cạnh tranh toàn cầu

THUÝ HÀ, ảnh: NGỌC TRUNG

VHO - “Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là văn bản vô cùng quan trọng của ngành Du lịch, khẳng định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Nghị quyết vừa sâu sắc, vừa đầy đủ, nếu thực hiện được đúng các nội dung đề ra tại Nghị quyết thì chắc chắn ngành Du lịch còn có vị thế cao hơn nữa”.

Cần hình thành hệ thống doanh nghiệp du lịch có sức cạnh tranh toàn cầu - ảnh 1
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong và Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh chủ trì với sự tham dự của hơn 150 đại biểu trực tiếp tại Hà Nội và 58 đầu cầu trực tuyến

Có những việc có thể làm ngay, không chờ sửa Luật

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã khẳng định như trên tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017 diễn ra sáng 19.12.

Theo ông Vũ Thế Bình, năm 2018- 2019, ngành Du lịch đã vụt lên như “một ngôi sao sáng” trên bầu trời kinh tế quốc gia. Rất tiếc, khi dịch Covid-19 xuất hiện, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, du lịch không là ngoại lệ. Du lịch bị kéo lùi đến vài năm. Doanh nghiệp phải rất vất vả để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hàng loạt các địa phương tăng trưởng du lịch mạnh mẽ nhờ sự quan tâm của chính quyền, nhiều khu lịch lớn ra đời. Trong các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đều nhấn mạnh việc phát triển du lịch. TP.HCM và Hà Nội đã vươn lên thành những trung tâm du lịch hàng đầu cả nước. Các tỉnh, thành như: Hà Giang, Kon Tum, Bình Định… cũng phát triển mạnh mẽ, thay đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, do các điều kiện khách quan, một số nội dung trong Nghị quyết 08 chưa thực hiện được. 7-8 năm đã qua kể từ khi Nghị quyết 08 ra đời và đi vào thực hiện nhưng nhiều tồn tại trước đó chúng ta chưa khắc phục được.

Ví dụ như các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư du lịch; điều chỉnh giá điện ở các cơ sở lưu trú từ giá dịch vụ sang giá sản xuất; chính sách phù hợp về thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án du lịch; tạo điều kiện thuận lợi hoàn thế giá trị gia tăng cho khách du lịch; thực iện thí điểm đối với những vấn dề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển nếu chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định hoặc có quy định khác….

Cùng thời điểm đó, Luật Du lịch 2017 được Quốc hội thông qua là hành lang pháp lý rất quan trọng, tạo môi trường thông thoáng, cởi mở để du lịch phát triển. Luật cũng đã đưa tinh thần của Nghị quyết 08 vào các nội dung quy định trong Luật. Hệ thống chính trị, các địa phương và các ngành đều tham gia vào sự phát triển du lịch.

Cần hình thành hệ thống doanh nghiệp du lịch có sức cạnh tranh toàn cầu - ảnh 2
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng có những vấn đề cần làm ngay, không chờ sửa Luật

Nhận định Luật Du lịch có nhiều điểm mới, rất thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nhưng ông Bình cho biết: Trong vấn đề quản lý vẫn chia thành 2 luồng ý kiến, một cho rằng cần siết lại việc quản lý doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, một thì cho rằng cần để cho các doanh nghiệp hoạt động tự do trong khuôn khổ, không ràng buộc quá mức. Theo ông Vũ Thế Bình, sắp tới, nếu sửa Luật việc này cũng cần phải thảo luận kỹ, tạo sự đồng thuận cao để Luật thực sự đi vào cuộc sống, phù hợp với tình hình mới.

Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ quyết định khách đến nhiều hay ít, vì thế, việc giám sát thực hiện Luật Du lịch cũng cần tăng cường. Đặc biệt là cần phải xử lý nghiêm việc tăng giá, ép khách, tour 0 đồng… hay những đơn vị, tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng những quy định trong Luật.

"Trong quá trình ban hành Luật Du lịch 2017 có những nội dung phù hợp thời điểm đó, khi đưa vào thực tiễn cuộc sống không hợp lý hoặc có vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, việc hướng dẫn thực hiện Luật có thể thay đổi được và trong quá trình thực hiện cơ quan quản lý nhà nước có thể tham mưu Chính phủ, Bộ VHTTDL chấn chỉnh việc kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch chứ không phải cứ phải chờ sửa Luật mới thực hiện", ông Bình nhấn mạnh.

“Du lịch là một ngành kinh tế phát triển mạnh mẽ, được Chính phủ và cả xã hội quan tâm, kỳ vọng. Vì thế, cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08 và thực hiện nghiêm các quy định trong Luật Du lịch 2017 để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc phát triển du lịch bền vững”, ông Vũ Thế Bình nói.

Cần đặt ra những mục tiêu cao hơn để phấn đấu

Tham gia ý kiến từ đầu cầu TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng, mục tiêu về phát triển du lịch cần xem xét lại để nó xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của đất nước và nó phải đủ lớn, đủ xa, đủ sức cạnh tranh với các nước trên thế giới. Sau dịch Covid-19, thế giới không còn là thế giới như trước nữa. Rất nhiều thứ đã thay đổi. Nếu chúng ta không thay đổi sẽ khó mà theo kịp thế giới.

Nói về việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Kỳ cho biết: Năm 2023 ngành du lịch Thái Lan đóng góp 23% GDP, du lịch Thế giới đóng góp 10,3% GDP, trong khi đó Việt Nam chỉ đạt trên 7% GDP... nếu muốn thành mũi nhọn cần phải có sự thay đổi quyết liệt hơn.

Sau dịch Covid-19, cần 1 Nghị quyết 08 mới của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu cao hơn để phát triển. Trong đó, việc cạnh tranh chính sách, cạnh tranh xúc tiến, quảng bá, truyền thông…. phải được giải quyết sớm. Thời gian qua vì vướng Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài nên chưa thành lập được văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia của Việt Nam ở nước ngoài.

“Theo tôi, cần đánh giá lại chiến lược phát triển bám sát sự phát triển của đất nước trong đó nhấn mạnh việc đầu tư cho du lịch. Tính toán bộ khung thúc đẩy phát triển doanh nghiệp du lịch. Để xây dựng, phát triển các doanh nghiệp cạnh tranh toàn cầu, Hàn Quốc mất tới 30 năm, Trung Quốc 17 năm. Việt Nam cũng cần có kế hoạch, tính toán xa để xây dựng những doanh nghiệp có khả năng này. Với 40 văn phòng trên toàn quốc, 11 văn phòng trên thế giới, Vietravel cũng đang từng bước nỗ lực để trở thành doanh nghiệp toàn cầu”, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết.

Cần hình thành hệ thống doanh nghiệp du lịch có sức cạnh tranh toàn cầu - ảnh 3
Nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017 được các đại biểu trao đổi, thảo luận sâu

Việc đào tạo nhân lực du lịch, nếu chúng ta không đào tạo được nguồn nhân lực đủ mạnh, nghiệp vụ nghề giỏi thì chúng ta sẽ rất khó cạnh tranh với các nước trong  khu vực. Ông Kỳ cho rằng, đã đến lúc chúng ta nói thẳng, nói thật với nhau. Nếu cứ đối xử với ngành Du lịch như hiện nay thì khó để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cần có những Hội nghị, hội thảo chuyên đề bàn riêng về phát động thị trường, về phát triển doanh nghiệp lữ hành… để làm rõ và tháo gỡ các vấn đề còn tồn tại hiện nay.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng các báo cáo đã đề cập đầy đủ việc phổ biến các văn bản quan trọng trên. Các đại biểu cũng gợi mở, thảo luận nhiều vấn đề rất sâu sắc, nhiệt huyết sau gần 8 năm thực hiện Nghị quyết 08 và 5 năm thực hiện Luật Du lịch 2017.

Đây là những chủ trương lớn, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch từ trước tới nay. Năm 2025, Bộ VHTTDL sẽ tham mưu Đảng, Nhà nước tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 08. Nhận thức rõ về vị thế của ngành Du lịch, tạo động lực phát triển ngành.

Thứ trưởng cho rằng, hoàn toàn có thể khẳng định vai trò của du lịch trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước và ngành Du lịch có cơ sở để trở thành ngành đi đầu, vươn tầm thế giới.

Việc quản lý nhà nước làm tốt thế nào vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, vì thế, cần làm rõ thêm việc tiếp tục “mở”, tiếp tục phân cấp, phân quyền, “cởi trói” để doanh nghiệp phát triển hay siết chặt các hoạt động, chấn chỉnh việc nhiều nơi tự phát, vượt rào, không theo khuôn khổ, quy định pháp luật như hiện nay.

Nhấn mạnh việc Nhà nước không làm thay cho doanh nghiệp mà làm “bà đỡ”, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Sự đổi mới trong quản lý du lịch thời gian qua thể hiện trong công tác xúc tiến du lịch. Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách còn doanh nghiệp là chủ thể, doanh nghiệp là trung tâm thực hiện các công việc xúc tiến cụ thể.

Năm 2024, có tới 3 cuộc quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài có sự tham dự, phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã nâng tầm các sự kiện; nâng cao hình ảnh đất nước Việt Nam ở thế giới.

Về thực hiện Luật Du lịch, Luật có ưu việt đến đâu thì cũng có những tồn tại, vướng mắc cần giải quyết, điều chỉnh và sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Thứ trưởng Hồ An Phong đồng ý với một số đại biểu việc một số vấn đề không phải cứ đợi sửa Luật mới làm mà trong phạm vi cho phép, cái gì làm được phải làm ngay. Việc sửa Luật cũng phải tính toán để có tầm nhìn xa, định hướng được việc phát triển giai đoạn mới, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.  

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc